Vào đúng ngày cuối năm 2009, hơn 2.000 du khách đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới đã chọn Đà Nẵng là điểm dừng chân để chào đón năm mới 2010. Sự kiện này mở đầu cho một năm Du lịch Đà Nẵng sẽ đầy khởi sắc...
|
||
|
Khởi sắc ngày đầu năm
Đúng như lời hứa của lãnh đạo ngành Du lịch Đà Nẵng, Hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA), Hiệp hội lữ hành Nhật Bản sau nhiều lần bàn cùng lãnh đạo thành phố, ngày cuối cùng của năm 2009 (31-12), đường bay trực tiếp Nhật Bản - Đà Nẵng, cụ thể là chuyến bay thuê bao đầu tiên mang số hiệu VN 9941 của Vietnam Airlines đã đưa 150 du khách từ sân bay Fukuoka (Nhật Bản) đặt chân đến thành phố bên sông Hàn thơ mộng. Chúng tôi thấy được niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt của lãnh đạo Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Tokyo (Nhật Bản), Hãng Hàng không VNA, Công ty APEX VN và Công ty Du lịch Sông Hàn.
Họ là những người đã cùng nhau phối hợp tổ chức thành công chuyến bay đầu tiên, lấy Đà Nẵng làm trung tâm trung chuyển để đưa du khách đi tham quan các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh của thế giới tại Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Hà Nội, vịnh Hạ Long... (Việt Nam) và Siem Reap (Campuchia). Ông Lê Hồng Hà, Giám đốc VNA tại khu vực miền Trung phấn khởi: Sau một thời gian dài xúc tiến, tìm hiểu thị trường và những điểm đến tại Osaka, Nagoya, Tokyo, cuối cùng chuyến bay đầu tiên đã cất cánh, đồng thời mở ra một bước tiến quan trọng cho việc xúc tiến các đường bay quốc tế tiếp theo. Bên cạnh những quan tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và cả nước, cùng những kỳ quan, di sản văn hóa tuyệt vời, hy vọng rằng qua đường bay này, năm 2010, VNA sẽ mang đến cho Đà Nẵng một năm bội thu du khách quốc tế.
Thực tế cho thấy, với lượng khách Nhật đến Đà Nẵng và miền Trung bằng đường hàng không (thông qua hai đầu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) năm 2008 với 15.000 người (trên 50% xuất phát từ Tokyo, trên 30% từ Kansai), chúng ta có quyền hy vọng đường bay trực tiếp này sẽ mang lại nhiều kết quả. Cũng theo ông Hà, dự kiến từ nay đến đầu tháng 5-2010, VNA sẽ tiếp tục thực hiện 4 chuyến bay thuê chuyến từ Niigata, Osaka, Tokyo và Wakayama (Nhật Bản) đến Đà Nẵng nhằm khởi động và làm quen thị trường trước khi tiến tới mở đường bay định kỳ trên tuyến này.
Cùng với ngành hàng không, trong ngày 31-12, thành phố Đà Nẵng cũng đã vui mừng đón tàu du lịch Costa Classica tiêu chuẩn 5 sao đưa 2.000 khách du lịch châu Âu và châu Mỹ đến Đà Nẵng, bắt đầu hành trình tham quan các danh lam thắng cảnh tại các tỉnh miền Trung đầu năm mới. Một chương trình đón giao thừa đã diễn ra tối cùng ngày tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chương trình do Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist tổ chức với các chương trình ca múa nhạc truyền thống, nghi lễ khai tiệc
sâm-panh đón chào năm mới 2010 cho du khách của tàu biển 5 sao Costa Classica, để lại nhiều ấn tượng tốt.
Một năm đầy hứa hẹn
Với Đà Nẵng, làm gì để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi? Câu hỏi ấy luôn khiến những người làm du lịch trăn trở. Xin được đưa ra một điển hình nhỏ mà chúng tôi ghi lại từ đánh giá của rất nhiều du khách đến Đà Nẵng, đó là họat động của đội xích lô du lịch. Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9-2003, hiện nay đội có trên 70 chiếc, hoạt động theo quy chế của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng. Ngoài các tiêu chuẩn thông thường về sức khỏe, hộ khẩu, tuổi đời, các thành viên trong đội còn phải am hiểu luật lệ giao thông và biết tiếng Anh đủ để giao tiếp.
Đến Đà Nẵng, du khách có thể thuê xe tại các điểm đậu đón như: Khách sạn Phương Đông, Bambo Green, Bạch Đằng, Sông Hàn... với mức giá hợp đồng lữ hành hợp lý, 40.000 - 50.000 đồng/giờ. Đây cũng là phương tiện được du khách nước ngoài ưa chuộng khi tham gia các tour tham quan Đà Nẵng qua nhiều điểm như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tuyến đường Bạch Đằng ven sông Hàn, tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành. Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng thì mỗi năm có trên dưới 25.000 lượt khách, trong đó 5.000 lượt khách quốc tế có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Tất cả du khách đều hài lòng về sự tiện lợi, an toàn cũng như cách giao tiếp, chào đón khách niềm nở với nụ cười thường trực trên môi của những người làm du lịch.
Chuẩn bị cho năm mới, thời điểm này thành phố cũng đã và đang tập trung phát triển ngành du lịch dựa vào các sản phẩm du lịch biển như lặn biển ngắm san hô, đua thuyền buồm, lướt ván, mô-tô nước, dù bay, bãi tắm đêm... Hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí và các dịch vụ phục vụ khách khu vực ven biển. Xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa và sinh thái như nâng cấp các bảo tàng, phát triển múa rối nước, các lễ hội, xây dựng vườn thực vật, vườn thú, hình thành các tour trecking... Các loại hình du lịch đường sông, làng nghề, mua sắm, giải trí cũng sẽ được chú trọng đầu tư mạnh.
Ông Sasaki Takashi, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Nhật Bản (JATA) trong một chuyếm làm việc với lãnh đạo thành phố và các đơn vị lữ hành từng nhận xét: Ở tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, Đà Nẵng đang là thị trường phát triển du lịch khá năng động. Với hệ thống khu nghỉ mát cao cấp ven biển, khách sạn ven sông cùng những điểm tham quan kỳ thú như cáp treo Bà Nà, Bảo tàng điêu khắc Chăm, danh thắng Ngũ Hành Sơn... chắc chắn sẽ chinh phục được trái tim du khách quốc tế, trong đó có du khách Nhật - những người thích khám phá, chiêm nghiệm về lịch sử, văn hóa.
Một năm mới bắt đầu, cùng với mong mỏi của ngành du lịch thành phố, các đơn vị lữ hành, chúng ta hãy tin rằng, với sự nỗ lực của trên 80 đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế, 500 phương tiện cùng 7 hãng ta-xi đưa đón khách du lịch; hệ thống khách sạn, nhà hàng mến khách cùng những sự kiện trọng đại diễn ra trong năm như Cuộc thi pháo hoa quốc tế, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc..., Đà Nẵng sẽ thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Bài và ảnh:Trọng Hùng - Anh Công