Huế: Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt dèng

(PLO) - Ngày 16/1, UBND huyện A Lưới phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức lễ đón bằng công nhận nghề dệt dèng (zèng) của đồng bào Tà Ôi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lãnh đạo huyện A Lưới đón nhận Bằng chứng nhận nghề dệt dèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ảnh Tiểu Bảo)
Lãnh đạo huyện A Lưới đón nhận Bằng chứng nhận nghề dệt dèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ảnh Tiểu Bảo)

Nghề dệt zèng của người Tà Ôi hình thành từ sớm trong các ngành nghề truyền thống của các đồng bào ở huyện miền núi A Lưới được bảo tồn, lưu truyền cho đến nay. Những tấm dèng (hoặc zèng) là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới.

Loại thổ cẩm này được tạo nên từ các nguyên liệu như sợi vải, hạt cườm, lục lạc…mỗi sản phẩm từ dèng đều in dấu bàn tay tài hoa của người thợ và các nghệ nhân.

Nghề dệt dèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ hai của Thừa Thiên - Huế được tôn vinh sau ca Huế. Đây là điều kiện thuận lợi để UBND huyện A Lưới sẽ tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nghề dệt dèng.

Hình ảnh về dệt dèng của đồng bào Tà Ôi (ảnh Tiểu Bảo)
Hình ảnh về dệt dèng của đồng bào Tà Ôi (ảnh Tiểu Bảo)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế chia sẻ, trong đợt này chúng tôi kết hợp vừa đón bằng công nhận đồng thời trình diễn kỹ thuật dệt zèng, trưng bày các sản phẩm từ dèng và tổ chức cho bà con cán bộ công chức viên chức trên địa bàn tham gia để hiểu hơn nữa giá trị về mặt văn hóa của dèng.

Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo tồn và xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt dèng. 

Đọc thêm