Hưng ’sóc’ quay về

 Hưng “sóc” bây giờ là một trưởng thôn gương mẫu, được cán bộ và nhân dân trong xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh kính nể. Gặp, nói chuyện và chứng kiến những việc làm của ông hiện tại, không ai có thể nghĩ rằng, một thời ông là một kẻ giang hồ bất trị, một tên cướp có... máu mặt.

Hưng “sóc” bây giờ là một trưởng thôn gương mẫu, được cán bộ và nhân dân trong xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh kính nể. Gặp, nói chuyện và chứng kiến những việc làm của ông hiện tại, không ai có thể nghĩ rằng, một thời ông là một kẻ giang hồ bất trị, một tên cướp có... máu mặt.

“Oanh liệt” một thời

Hưng “sóc” là biệt danh của Nguyễn Thành Hưng, sinh năm 1943 tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê. Một người từng 3 lần vào tù vì tội tổ chức trộm cắp và là đại ca trong giới giang hồ, được cánh đàn em ở Hải Phòng, Hà Bắc, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên... ngày đó rất kính nể.

Nói về động cơ dẫn đến chuyện đi trộm cắp, ông Hưng thẳng thắn: “Tôi chả giấu giếm đâu. Xin nói thẳng, lúc đầu cuộc sống gia đình tôi nó khác người ta. Nó quá khó khăn mà nhận thức của tôi phải làm sao bằng bạn bằng bè. Chúng có cái áo đẹp mình cũng phải cố. Nhưng tiền không có, phải tìm cách. Từ đó dẫn đến việc không làm chủ được, thế là ra tay làm liều: đi ăn cắp. Trước khi đi ăn cắp, tôi từng là một học sinh rất thông minh. Tôi đang đi học lớp Trung cấp sư phạm, với ý định làm một thầy giáo đấy”

Với tư chất thông minh, lanh lẹ, Hưng đã nhanh chóng tụ tập được đám đàn em trong - ngoài tỉnh và tổ chức một số vụ trộm cắp. Năm 1973, Hưng bị Tòa án nhân dân (TAND) quận Hoàn Kiếm - Hà Nội xử 18 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản.

Hưng "sóc" bây giờ

Ra tù, Nguyễn Thành Hưng về quê làm gạch. Đám đàn em lại đến lôi kéo, bởi họ không thể làm được gì nếu không có người cầm đầu là Hưng. “Chúng nó cầu tôi ra giúp, cầm đầu như Lưu Bị cầu Gia Cát Lượng trong Tam Quốc diễn nghĩa ấy chứ. Tôi lại lún sâu vào giới giang hồ. Đi đến đâu, đám trộm cắp cũng nể vì cái cách tổ chức trộm cắp của tôi nó khác bọn chúng, đã làm là thành công nên tôi càng được nể. Được suy tôn là Hưng “sóc” hoặc “sóc bay” vì tôi nhanh như con sóc vậy” - Ông Hưng tâm sự.

Nhưng chỉ được một thời gian, đến năm 1975 Hưng bị bắt và bị TAND tỉnh Hà Bắc (cũ) kết án 10 năm tù về tội trộm cắp. Thiếu Hưng, cánh đàn em lần lượt sa lưới pháp luật, hoặc phải chui lủi không dám xuất đầu lộ diện. Năm 1984, Hưng được ra tù và đàn em lại kéo đến. Hưng liên tiếp tổ chức các vụ để “nuôi” đàn em đang đói khổ và bị truy nã. Năm 1985 Hưng bị bắt và bị TAND tỉnh Thái Nguyên xử 10 năm tù giam với cùng tội danh trên. Hơn 20 năm ăn cơm tù mặc áo số, ngoảnh lại thì tuổi đã xế chiều. Đầu năm 1995, “Hưng Sóc” được giảm án 6 tháng ra trại và trở về quê.

Giang hồ gác kiếm

Lúc này về quê, bố mẹ đã mất hết. Các anh em của Thành Hưng vẫn nghèo khổ. Thành Hưng nghĩ, lúc này mình chỉ cần được sống thôi đã là may mắn. Từ năm 1993 ở trong tù, Hưng đã rất thấm thía và ân hận về những gì mình đã làm. Biết tin Hưng ra tù, từ già trẻ, tất cả mọi người đến để động viên, khuyên Hưng đừng bao giờ tái phạm. Có cụ nói: “Người đi nước ngoài có của, chúng tôi không đến. Nhưng với anh, chúng tôi đến để mong động viên anh”

Khi về, Hưng ở với gia đình người em trai. Đến tháng 5/1995 thì lấy vợ. Người yêu ông và dũng cảm lấy ông là bà Hoàng Thị Hà, một người đảm đang, biết tiếng ông và tin tưởng ông Hưng sẽ sửa chữa được lỗi lầm. Ông Hưng kể lại: “Sau đám cưới, anh em dẫn tôi đi buôn gỗ. Thu mua ở quê hương rồi xuất đi Trung Quốc. Nhưng chẳng bao lâu hợp đồng bị vỡ. Thời gian này, bọn đàn em vẫn đến tìm tôi để cầu cạnh, mong tôi ra giúp. Bọn họ biết không thể thuyết phục được tôi, và “máu lửa” của nghiệp cũ trong tôi đã tắt, bọn họ thôi, nhưng anh em vẫn chơi với nhau. Tôi một mực từ chối họ và quyết rửa tay gác kiếm là muốn làm lại cuộc đời”

Năm 1999 vốn cạn kiệt, Thành Hưng được một đàn em giang hồ cũ cho vay 100 triệu để đi buôn gỗ. Người này cũng từng là dân giang hồ, được ông giúp đỡ từ ngày xưa, giờ cũng quay về nẻo thiện và là một ông chủ thành đạt. Thành Hưng buôn bán cũng có chút lãi, liền mở cửa hàng tạp hóa cho vợ bán và hai người cùng chăm sóc cho hai đứa con, vun vén hạnh phúc cho gia đình. Lúc này Hưng “sóc” mới thấy hết những giá trị đích thực của cuộc sống. Cuối năm 2004 Hội nghị quân dân chính đảng Phù Khê Thượng đã quyết định giới thiệu Nguyễn Thành Hưng ứng cử trưởng thôn. Trước tình thế này, “Hưng Sóc” không khỏi băn khoăn lo ngại với quá khứ “bất hảo”. Kết quả bầu trưởng thôn ngày 18/11/2004 được công bố, “Hưng Sóc” nhận được trên 70% số phiếu và ông đảm nhận chức vụ này.

Ra tay giúp làng

Việc đầu tiên Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng bắt tay vào làm là cho tháo dỡ chốt barie đầu làng, xóa bỏ việc thu phí giao thông theo lệ làng đối với các phương tiện qua lại. Tiếp đó ông đứng lên tổ chức, xây mới chùa làng sau nhiều năm có ý định mà không thể nào thực hiện.

Tháng 5/2005, chùa Hồng Ân chính thức được khởi công, toàn bộ kinh phí hơn 7 tỷ đồng đều do các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng nhân dân trong và ngoài thôn cung tiến, giờ các công trình của chùa có tổng giá trị gần 3o tỷ đồng. Trưởng thôn đứng ra thuê các cánh thợ mộc, nề từ nhiều vùng miền về làm, riêng phần thiết kế ông tự đảm nhận.

Chùa Hồng Ân - dấu ấn của đời ông Hưng

Gần hai năm ăn ngủ ngoài công trình cùng thợ, tháng 11/2006 chùa Hồng Ân bề thế được khánh thành trong niềm hân hoan phấn khởi của dân thôn. Các cụ già ở Phù Khê Thượng nói rằng, ông Hưng được bầu làm trưởng Ban kiến thiết, người giúp cũng có nhưng tâm huyết và công sức chủ yếu do ông Hưng. Độ đó, ông Hưng vất vả, tưởng như sẽ gục gã, vì ngày nào cũng gắn bó với công trình, đến nỗi người teo tóp còn hơn 30 kg. Ngày khánh thành, ông Hưng được dân làng tung hô, công kênh, tung lên trời như tung quả bóng để cảm ơn những gì ông đã làm cho ngôi chùa. Bây giờ, hầu hết dân làng đều quý trọng ông Hưng, cứ có cỗ là mời. Họ thấy nếu ông không đến nhà là một sự thiếu sót.

Ngoài công trình chùa Hồng Ân, ông Hưng còn là người khởi xướng việc xây dựng nhà văn hóa, tổ chức giãn dân cho 78 hộ thành công, tổ chức đổ bê tông đường làng ngõ xóm đến 95%. Phù Khê Thượng có hơn 2.100 nhân khẩu, 90% số hộ tham gia sản xuất hoặc làm dịch vụ đồ gỗ mỹ nghệ. Cái khó của người cán bộ cơ sở là làm sao nói để dân tin, làm để dân hiểu.

Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng nghiệm ra, trước hết là phải củng cố sự đoàn kết trong dân; chăm lo đời sống nhân dân. Đặc biệt hơn, ông cũng nhận thấy mình phải là người gương mẫu, làm tất cả mọi việc đều phải công bằng. Vụ giãn dân cho 78 hộ, những hộ này đều mãn nguyện và sung sướng vì được hưởng phần đất đẹp, tiện cho sinh hoạt. Anh em ruột ông Hưng không thuộc diện, nên không ai có phần. Mùa hè 2010, trạm biến áp thôn liên tục bị quá tải, mất điện cục bộ, gây thiệt hại cho sản xuất làng nghề, Hưng “sóc” tự bỏ tiền túi 20 triệu đồng hỗ trợ việc thi công thay biến thế mới. Một “kỳ tích” khác mà Nguyễn Thành Hưng làm được khi triển khai dự án xây dựng khu đấu giá quyền sử dụng đất thuộc cánh đồng Mấc và đồng Tranh cuối tháng 11/2008 theo quy hoạch của thị xã Từ Sơn là chỉ trong 2 ngày, 100% số hộ trong thôn đến nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng.

Gần 6 năm làm Trưởng thôn, “Hưng Sóc” đã nhận về 5 Giấy khen từ UBND thị xã Từ Sơn cùng nhiều phần thưởng khác của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND xã Phù Khê ghi nhận sự tích cực của ông Hưng: “Ông ấy hỗ trợ ủy ban rất nhiều, trong xây dựng chỉnh trang nông thôn, gây dựng sự đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự trong khi ngày về lại với cuộc sống tự do, ông ấy rất nghèo khổ. Địa bàn này an ninh trật tự cũng khá phức tạp, ông Hưng đã ra tay là dẹp được hết mọi vụ việc. Ở thôn có tranh chấp, ông ấy cũng hòa giải được. Nói chung, ông ấy là con người tuyệt vời!”

Tôi thực sự nể phục một con người như ông, đã quay lại sống làm người có ích và mong muốn sẽ có nhiều người từng lầm lỡ tìm lại được lối thoát như ông. Đi đường, thấy người dân ai cũng nể trọng, chào ông trưởng thôn, mà cảm thấy ông Hưng đã hoàn toàn lấy được lòng tin của mọi người và ngẩng cao đầu đi giữa cuộc đời.

Hải Miên

Đọc thêm