Gương sáng Pháp luật

Hưng Yên: Phó Chánh án TAND huyện Kim Động Nguyễn Thị Hương không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến

(PLVN) -Với thái độ làm việc tích cực, vì Nhân dân phục vụ, từ năm 2018 đến nay, Thẩm phán Nguyễn Thị Hương - Phó Chánh án TAND huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, đã trực tiếp giải quyết, xét xử được 500 vụ án các loại, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, không có vụ án nào bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Thẩm phán Nguyễn Thị Hương - Phó Chánh án TAND huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Thẩm phán Nguyễn Thị Hương - Phó Chánh án TAND huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Thẩm phán Nguyễn Thị Hương được bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp lần đầu vào tháng 5/2015; nâng ngạch, bổ nhiệm thẩm phán trung cấp vào tháng 10/2021, những dấu mốc đó trong sự nghiệp thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Thẩm phán Nguyễn Thị Hương trong quá trình công tác. Chị luôn tâm niệm “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” là phẩm chất bắt buộc, đòi hỏi đương nhiên phải có trong mỗi cán bộ tòa án theo lời Bác Hồ dạy.

Thấm nhuần tư tưởng đó, Thẩm phán Nguyễn Thị Hương luôn nêu cao tính công bằng, liêm khiết, trong sạch; gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân để việc giải quyết, xét xử các loại án bảo đảm công bằng, đúng pháp luật.

Trong công tác xét xử, giải quyết các vụ án được phân công, Thẩm phán Nguyễn Thị Hương luôn có ý thức đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án phức tạp; nghiên cứu kỹ hồ sơ, đánh giá, xác minh chứng cứ tỷ mỉ, kỹ lưỡng, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm việc xét xử các vụ án hình sự đúng người đúng tội.

Tránh xử oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từng đương sự, không quản ngại khó khăn, tích cực đi cơ sở để xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự; kiên trì hòa giải để các bên tìm được tiếng nói chung trong quá trình giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình.

Không chỉ thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, Thẩm phán Nguyễn Thị Hương còn dành thời gian cho việc nghiên cứu khoa học. Nổi bật là năm 2020, chị tham gia cùng nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ tại Viện Nghiên cứu lập pháp với đề tài “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Năm 2021, Thẩm phán Nguyễn Thị Hương có bài nghiên cứu về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đăng trên Tạp chí Tòa án Nhân dân; năm 2022 là đồng tác giả của cuốn sách chuyên khảo “Cung cấp, thu thập chứng cứ của đương sự trong Tố tụng dân sự Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật phát hành tháng 7/2022. Với học vị tiến sĩ, từ năm 2020 đến nay, Thẩm phán Nguyễn Thị Hương tham gia giảng dạy pháp luật dân sự, hình sự tại Học viện Tòa án.

Ghi nhận những thành tích nổi bật trong công tác, 3 năm liên tục (2020 - 2022), Thẩm phán Nguyễn Thị Hương đã được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, trong đó năm 2022 được công nhận Chiến sỹ thi đua toàn ngành Tòa án; năm 2018, được Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tặng bằng khen; năm 2021 được Chánh án TAND tối cao tặng bằng khen; năm 2023 được ngành tòa án đề nghị công nhận Thẩm phán giỏi, một danh hiệu cao quý với các tiêu chí khắt khe về số lượng án giải quyết, xét xử; tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, của ngành TAND dành cho các thẩm phán xuất sắc.

Nói về mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới, Thẩm phán Nguyễn Thị Hương cho biết sẽ chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề hằng năm nhằm không ngừng rèn luyện phẩm chất người cán bộ Tòa án theo lời Bác dạy. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chấp hành tốt sự phân công của lãnh đạo, làm việc có kế hoạch, nghiên cứu kỹ hồ sơ, không để bỏ lọt chứng cứ hoặc áp dụng pháp luật không chuẩn xác; thực hiện việc xét xử đúng pháp luật, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho người tham gia tố tụng.

Bên cạnh đó, chị tiếp tục theo đuổi việc tỉ mỉ, chính xác trong xác minh, thu thập chứng cứ; kiên trì hoà giải, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng đương sự và khai thác ở góc độ tình cảm để các đương sự tìm được tiếng nói chung; sử dụng các kiến thức pháp lý đã được trang bị, kết hợp với kỹ năng vận động, giải thích và thuyết phục để các đương sự có tinh thần hợp tác trong quá trình giải quyết các vụ án. Đồng thời không ngừng rèn luyện nêu cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tỉnh táo trước những cám dỗ vật chất, để các cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị học tập, noi theo.

Đọc thêm