Hướng dẫn thực hiện một số quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hôm qua (29/11), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VKSNDTC đã tổ chức Lễ ký Thông tư liên tịch sửa đổi Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Đại diện các cơ quan ký Thông tư liên tịch.
Đại diện các cơ quan ký Thông tư liên tịch.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2021), trong đó có các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP và bổ sung trách nhiệm “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương như công an phường, thị trấn) và bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án với lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Để tổ chức triển khai thi hành các quy định của Luật này, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BNNPTNT-VKSNDTC; Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 BLTTHS.

Tại Lễ ký kết, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết về dự thảo Thông tư liên tịch có 3 điều quy định về trường hợp tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn…

Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSNDTC Hoàng Thị Quỳnh Chi cho biết, những nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 BLTTHS.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, để nhanh chóng tổ chức triển khai thi hành BLTTHS liên ngành tư pháp Trung ương đã rất chủ động, khẩn trương xây dựng các thông tư liên tịch để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung mới. Sau khi các thông tư liên tịch này được ban hành, các đồng chí lãnh đạo liên ngành tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành mình tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của các thông tư liên tịch cho đội ngũ cán bộ trong ngành mình để đảm bảo việc thực hiện những quy định của các thông tư liên tịch có hiệu quả trong thực tiễn.

Đọc thêm