Hướng đi mới cho người nông dân Giồng Riềng

(PLVN) - Những năm gần đây huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã triển khai nhiều giải pháp trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất chất lượng, giá trị gia tăng giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Trong đó nổi bật nhất là chương trình sản xuất nông sản sạch theo hướng VietGap.

Sản phẩm chủ lực 

Vùng đất Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã có truyền thống trồng cây ăn trái gần 70 năm nay. Nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, nguồn nước ngọt bảo đảm quanh năm không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thời tiết bất thường. Nhờ nắm giữ những yếu tố về điều kiện tự nhiên và xã hội như đất đai, thổ nhưỡng, con người, tập quán sản xuất, xã Ngọc Hòa đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế xã hội, bố trí cây trồng tạo ra được các sản phẩm chủ lực có tính ổn định và hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Tân trên mảnh vườn VietGap của mình.
Ông Nguyễn Văn Tân trên mảnh vườn VietGap của mình. 

Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc hợp tác xã nông dân làm vườn ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) cho biết: Việc ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap trên mảnh vườn vừa cho sản phẩm ngon sạch, lại an toàn với môi trường và người lao động, đặc biệt là có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó sản phẩm có sức tiêu thụ lớn hơn với giá cao hơn gấp hai đến ba lần. Bên cạnh việc gia tăng về giá trị hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất. 

Ngoài thế mạnh chủ lực về hàng nông sản thì cây tiêu Ngọc Hòa cũng đang khẳng định thương hiệu trên thị trường khi đạt chứng nhận VietGap vào năm 2018. Được biết, Hợp tác xã hồ tiêu Ngọc Hòa tại ấp Hòa Phú được thành lập vào năm 2015 với 71 thành viên, chuyên sản xuất tiêu trên diện tích 52ha. Đến năm 2018, trên toàn bộ 20ha tiêu của hợp tác xã Ngọc Hòa đã chính thức đạt tiêu chuẩnVietGap.

Hội thảo quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm hồ tiêu Ngọc Hòa (xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang).
Hội thảo quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm hồ tiêu Ngọc Hòa (xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang). 

Tại Hội thảo quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm hồ tiêu Ngọc Hòa, Hội Nông dân huyện Giồng Riềng đã đề ra phương hướng phát triển sản phẩm Hồ tiêu Ngọc Hòa. Hiện nay, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển huyện Giồng Riềng đang từng bước xây dựng và hoàn thiện. Việc áp dụng tiếp nhận các quy trình sản xuất an toàn VietGap tại hợp tác xã Ngọc Hòa nói riêng và tại huyện Giồng Riềng nói chung đã và đang cho năng suất rất tốt. Với mô hình này mỗi năm người nông dân có thể thu lãi trên 200-300 triệu đồng/ha. 

Ông Trần Ngọc Khải - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng cho biết: Với việc trồng trọt nông sản theo quy chuẩn an toàn sạch thay cho các loại phân bón hữu cơ thường sử dụng, không những đã góp phần nâng cao hơn giá trị sản phẩm mà chi phí sản xuất theo đó còn thấp đi rất nhiều.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap của ngành nông nghiệp huyện Giồng Riềng đang là hướng đi đúng nhằm khẳng định giá trị mặt hàng nông sản tại địa phương. Điều quan trọng hơn là nông dân đã nhận thức được lợi ích của sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap, giảm được chi phí sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu trong tương lai. 

Vườn tiêu hợp tác xã Ngọc Hòa (xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang).
Vườn tiêu hợp tác xã Ngọc Hòa (xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang).

Việc quy hoạch sản xuất rau an toàn theo VietGAP nhằm tạo ra nguồn rau sạch cung cấp cho người tiêu dùng, giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ dễ dàng. Hạn chế trồng rau màu theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp và hướng đến sản xuất hàng hóa chất lượng cao, cung cấp cho hệ thống các chợ đầu mới lớn, siêu thị và tiến đến xuất khẩu. Nông dân trồng rau tiếp cận được công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và gắn với doanh nghiệp theo liên kết “4 nhà”.

Đọc thêm