Hưởng lợi nhiều hơn bằng cách “trả ơn” cho rừng

Cho đến thời điểm này, ở Lâm Đồng tiền thu được từ những đơn vị phải chi trả dịch vụ môi trường rừng là xấp xỉ trên dưới 30 tỷ đồng. Số tiền không lớn nếu so với tiềm năng và những cơ sở đang “sống” nhờ vào các khoản lợi nhuận từ rừng.

Cho đến thời điểm này, ở Lâm Đồng tiền thu được từ những đơn vị phải chi trả dịch vụ môi trường rừng là xấp xỉ trên dưới 30 tỷ đồng. Số tiền không lớn nếu so với tiềm năng và những cơ sở đang “sống” nhờ vào các khoản lợi nhuận từ rừng. Là một trong hai địa phương ( cùng với Sơn La), được Chính phủ chọn làm thí điểm cho chương trình này, vừa qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã có những cuộc nghị sự nghiêm túc, khẩn trương để điều chỉnh lại những quy định, nguyên tắc để có thể thu được nhiều hơn khoản kinh phí này từ các đơn vị đang kinh doanh liên quan đến rừng. Từ đó có thể tạo cho người dân nông thôn, diện mạo nông thôn thay đổi theo chiều hướng tích cực theo cách vẫn “dựa” vào rừng nhưng không bằng cách tàn phá.

* RỪNG VÀ NGƯỜI DÂN ĐỀU CÓ SỰ THAY ĐỔI TÍCH CỰC
   
Theo ông Phạm Văn Án - GĐ Sở NN&PTNT tỉnh thì sau khi chương trình được điều chỉnh và triển khai một cách đồng bộ cũng như sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các đơn vị liên quan thì trong năm 2011 tới việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Lâm Đồng sẽ thu được khoảng trên dưới 120 tỷ.
   
Còn theo ông Hoàng Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì trước hết, số tiền thu được từ chương trình này phải được ưu tiên chi trả lại cho các hộ, cá nhân (nhất là các hộ đồng bào DTTS) nhận giao khoán bảo vệ rừng lâu dài với các chủ rừng là tổ chức Nhà nước. Thứ hai, phải là các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng… để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Thêm đó, là các chủ rừng được Nhà nước giao sử dụng lâu dài cũng vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là tổ chức tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp. Tất nhiên, tất cả những đối tượng này đều phải được sự xác nhận của UBND tỉnh và thông qua Sở NN&PTNT.
   
Trong cuộc hội bàn mới nhất của UBND tỉnh tổ chức với sự tham gia của rất nhiều các cơ quan ban, ngành và địa phương cũng đã đi đến thống nhất sơ bộ. Đó là quy định cho các đối tượng và loại dịch vụ phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng như (hiện tại chỉ các công trình thuỷ điện, một số công ty du lịch, nước sạch phải chi trả): Các cơ sở sản xuất thuỷ điện phải chi trả tiền dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ … và điều tiết duy trì nguồn nước cho sản xuất thuỷ điện;  Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng  nước trực tiếp từ nguồn; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng; các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng …
   
Theo như dự đoán cũng như sự khảo sát, tính toán kỹ lưỡng của những nhà chuyên môn, những nhà quản lý và với số tiền người dân nghèo nhận, quản lý, bảo vệ rừng như hiện tại (cao nhất là 300 ngàn đồng/ha/năm) thì người được hưởng lợi đầu tiên chính là dân nghèo. Ngoài việc, người dân có một khoản thu ổn định hàng năm (không dễ để người dân có được thu nhập từng đó số tiền trên năm) để cải thiện đời sống, hơn thế rừng còn được tái tạo và gìn giữ bằng trách nhiệm và môi trường sống cũng sẽ được đảm bảo.
* NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN LƯỜNG TRƯỚC
   
Dù là một chương trình được thí điểm ở một địa phương còn nhiều khó khăn, những tín hiệu lạc quan thông qua những con số cũng cho thấy việc triển khai chương trình này ở Lâm Đồng đang đi đúng lộ trình đã được kỳ vọng. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm khi tiến hành công việc cũng cần phải lường trước được những khó khăn không dễ để khắc phục.
   
Và những khó khăn rất dễ để nhận thấy, nhưng có khắc phục được hay không lại tuỳ thuộc vào trách nhiệm, sự “sát dân” cũng như tính năng động, linh hoạt của đội ngũ cán bộ cơ sở và chuyên môn. Đó là, việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ dẫn tới công tác quản lý và bảo vệ rừng ngoài khu vực thí điểm tình trạng buông lỏng do sự so bì của người dân về tiền công nhận khoán. Đồng thời, cũng sẽ tạo ra nếp nghĩ trông chờ, ỷ lại của các hộ nhận khoán vào khoản kinh phí của Nhà nước theo hợp đồng, khó tạo ra sự năng động trong việc kinh doanh hưởng lợi từ rừng. Thêm vào đó, nhận thức của một số bộ phận cán bộ về công tác giao rừng còn hạn chế, chưa quán triệt được chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, luôn quan điểm “rừng là của Quốc gia” nên ai cũng phải có trách nhiệm. Năng lực về tổ chức quản lý và chuyên môn kỹ thuật của cấp cơ sở về giao rừng, cho thuê rừng rất hạn chế, công tác điều tra, quy hoạch, phân loại rừng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng như việc giám sát, theo dõi, đánh giá thực sự cũng chưa đạt hiệu quả cao bởi sự chiếu lệ và làm theo chương trình, kế hoạch “cho đúng tiến độ”.
   
Sau một quãng thời gian dài rừng bị tàn phá bằng cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đã đến lúc rừng cần phải được “trả ơn” một cách “sòng phẳng”. Nhưng không đơn thuần từ phía một chiều, mọi người vẫn có thể “ăn từ rừng”, thoát nghèo nhờ rừng bằng cách “ứng xử” thân thiện với rừng.
Tuấn Linh

Đọc thêm