Hương quê từ thuở lọt lòng…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hương quê, thứ hương đọng trong tâm thức từ thuở lọt lòng giữa đôi bàn tay Mạ Cha ướp vào tôi từng ngày lớn khôn.
Hương quê từ thuở lọt lòng…

1. Nồi canh me đất vị năm nao

Thấm đẫm tình thương Mạ lẫn vào

Mai mốt dù xa con vẫn nhớ

Quê nhà, hai tiếng dạ xôn xao

Những câu thơ trên là của bác Trần Văn Dõng, một người bạn tôi quen trên mạng xã hội. Câu thơ đặt dưới mấy dòng tôi viết về bát canh chua lá me đất của Mạ nấu. Đây là món canh mà tôi đã được ăn từ tấm bé…

Cơm chay Mạ tôi nấu được chế biến từ rau lá trong vườn. Rau ở vườn Thụy Ứng trồng là rau không phun thuốc. Canh rau có khi là nồi canh chua lá Me đất, có khi là loại lá Chuổng Chuổng được hái ở ngoài hàng rào. Canh có vị chua, thanh, rất đặc trưng. Người từ Hà Nội và các nơi về Am khi ăn ai cũng thấy ngon và thích nhưng không tài nào biết canh được nấu từ loại lá gì.

Thụy Ứng có bánh ướt. Một loại bánh đặc trưng của người dân nơi đây. Nói là bánh ướt, nhưng lại ăn bằng tay mà không dính tay. Bánh được làm bằng gạo, tráng rất mỏng, không dầu nhưng bánh không dính vào nhau. Tôi mỗi lần về Thụy Ứng, sáng nào cũng ăn loại bánh này nhưng không thấy ngấy. Bánh được cuốn tròn, khi ăn cầm bằng tay chấm với nước chấm. Nước chấm phải thật cay mới ngon.

Bữa cơm hôm nay còn có bánh ít gai. Tôi đi nhiều nơi mà chưa thấy được bánh gai ở đâu ngon như ở quê mình. Lá gai được giã bằng tay theo phương pháp thủ công nên chất bánh thật ngon. Nhân bánh là vừng, hơi ngọt, pha tí vị gừng nên mang theo hương quê thật đậm đà. Nhiều món quê Mạ tôi làm mà tôi không tìm thấy nơi đâu khác. Hương vị của nó trở thành thứ hương vị quen thuộc, người ta có lẽ gọi đơn sơ là mùi vị của quê hương, của tuổi thơ…

*****

2. Hương quê, thứ hương đọng trong tâm thức từ thủa lọt lòng giữa đôi bàn tay Mạ cha ướp vào tôi từng ngày lớn khôn. Đó là những buổi tối ngồi ăn dưới trăng. Mâm cơm được dọn ra trên chiếc chiếu giữa đất ở giữa sân. Ăn xong là ngồi quây quần nghe bố kể chuyện. Mạ tôi thì dọn dẹp rửa bát cùng chị tôi khi chị đã lớn. Thường bố tôi kể xong một câu chuyện thì đi thắp hương. Một ngày bố tôi thắp hương hai lần.

Sáng 4h là bố tôi dậy thắp hương và tụng kinh. Trước mỗi buổi tụng kinh bố tôi thỉnh 3 hồi chuông gia trì. Ông đi thắp hương một vòng từ ban Phật ở Am, đến ban thờ tổ tiên, ra ngoài trời rồi mới vào ngồi tụng kinh. Một ngày hai buổi được nghe chuông và nhìn cảnh bố thắp hương quanh năm suốt tháng. Mỗi buổi sớm thành thường lệ, cứ khi tụng kinh ra thì bố gọi anh em chúng tôi dậy học bài. Khi bố dậy đi tụng kinh và thắp hương cũng là lúc Mạ tôi dậy đi nấu ăn. Nghe hoài thành ra tiếng chuông và mùi khói hương đối với chúng tôi rất gần gũi và cũng lạ lùng huyền ảo…

Tôi chẳng nhớ nhiều về tuổi thơ. Tôi chỉ cảm thấy mỗi lần về am là cảnh tượng như vừa hôm qua. Cứ mỗi ngày bắt đầu, khoảng gần sáng, trong khi ngủ chúng tôi vẫn mơ màng nghe chuông và tiếng tụng kinh của bố, cộng với tiếng lách tách và tiếng động nhỏ những của Mạ đang đun nước hay chuẩn bị bữa sáng. Anh em chúng tôi lớn lên, chưa hiểu gì chuyện bố làm khi tụng kinh và thắp hương, nhưng trong tâm trí trẻ thơ, chúng tôi cảm nhận rất rõ là trong nhà mình có cái gì rất thiêng liêng đang hiện hữu.

Chúng tôi luôn được Mạ dặn khi đùa nhau nghịch chạy chơi trong nhà, là nhớ đừng trốn tìm dưới ban thờ, nhớ cúi đầu khi đi ngang trước ban thờ. Nhà trên là am thờ Bụt, nhà dưới là nhà bếp, và nhà giữa ba gian, gian giữa thờ tổ tiên, gian trên của nhà giữa là nơi ông nội nằm, gian dưới nhà giữa là cả nhà. Bưng cơm lên cho ông nội hay có việc gì đi ngang trước ban thờ chúng tôi cũng được Mạ dặn cẩn thận là nhớ cúi đầu khi đi ngang trước ban thờ tổ tiên.

*****

3. Bữa cơm dưới trăng quây quần được nghe bố kể chuyện, cây hương và tiếng chuông, lời kinh với hình ảnh ban thờ Bụt và Tổ tiên trong nhà, đó là thứ hương ướp vào cuộc sống trẻ thơ chúng tôi lớn lên. Rồi những ngày giỗ, tụi trẻ được ăn ngon và thấy cảnh đông người cười nói vui đùa, trong nhà thờ các cụ lớn tuổi khăn đống áo dài nghiêm trang khấn vái trước khói hương chân thành. Rồi những buổi theo Mạ và các anh chị lớn ra đồng nhổ mạ đêm. Năm 10 tuổi tôi rời quê, lên Ái Tử ở với Thầy học đạo. Nhưng chất liệu quê hương không bao giờ mất trong tôi để lớn khôn, để quay về tạo dựng.

“Ly hương bất ly tổ” câu căn dặn ngàn năm của giống nòi Việt tộc vang vọng nhắc nhở cho người nào biết mình có quê hương để gìn giữ nguồn cội. Quê hương là để kính, để thương và để tiếp nối xứng đáng mỗi nếp nhà cùng ước vọng giống nòi mình mà đi về tương lai…

Từ xa xưa, người Việt đã có câu: “Chim có tổ người có tông”. Đó là đạo lý được lưu truyền qua hàng nghìn năm, qua nhiều thế hệ của người Việt. Đạo lý ấy là hiếu với tổ tiên, là “ly hương bất ly tổ”, là cội nguồn dân tộc mà cháu con vẫn nhớ để thờ, giỗ, và không quên cho đến nay.

Tinh hoa của đạo hiếu là lòng biết ơn được thấm nhuần trong tâm thức mỗi người con Việt. Một dân tộc có niềm tin vững chắc vào cội nguồn, có niềm tin vào ông bà, cha mẹ, vào các thế hệ tiền nhân. Một dân tộc lấy việc thương kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên làm trọng, lấy chữ hiếu là lẽ sống… Đó là đạo lý, là một nếp sống rất nhân bản mà người Việt đã xây dựng qua hàng nghìn năm.

Người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, trải qua nhiều thế hệ, đều có khuynh hướng là thiên về thờ Tổ. Người Việt có truyền thống thờ tổ gia đình (từ 5 đời trở xuống), thờ tổ gia tộc, thờ tổ làng, thờ thần làng, thờ tổ nghề, thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Đây là một biểu hiện sâu sắc trong đạo hiếu của người Việt đối với ông bà, cha mẹ, những người đã sinh dưỡng mình, đã tìm cách chỉ ra đường đi nước bước cho thế hệ sau, hướng tới tương lai tốt đẹp hạnh phúc hơn…

Tục thờ tổ tiên nói chung trong mỗi gia đình Việt được lưu truyền tự ngàn xưa, chính là biểu hiện sinh động của đạo hiếu Việt. Từ cách thể hiện lòng biết ơn đặc biệt ấy, người Việt hình thành một nền văn hóa, văn minh mang cốt cách riêng, mang bản sắc riêng: Nền văn minh Việt từ đạo hiếu. Từ đó, tạo dựng được cốt cách văn hóa trong tâm thức xã hội vững mạnh để tiếp nhận nền văn minh toàn cầu.

Trải qua hàng ngàn năm vun bồi, nếp sống và tín ngưỡng Việt trở nên vững vàng, bền bỉ trước mọi biến cố thăng trầm của lịch sử. Nếp sống ấy trở thành “Đạo” và có giá trị cốt lõi làm nên tinh hoa văn hóa Việt – đó là “Đạo hiếu”. Nhờ có nền tảng từ tâm thức trọng nếp sống hiếu hạnh, tục thờ tổ, sự thờ cúng ở mỗi làng xã, mỗi gia đình hay ở các nhóm cộng đồng người Việt, đã trở thành một sợi dây liên kết mọi người lại với nhau. Chúng ta nếu có dịp tham dự một ngày hội làng, một ngày lễ hội nghề thì đều có thể nhận thấy lòng kính ngưỡng, trọng hiếu đạo và ân nghĩa luôn hòa chung một nhịp trong trái tim mỗi người con Việt.

Đọc thêm