Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 5): Giải mã những yếu tố thần kỳ trong tín ngưỡng thần thánh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đậm chất kỳ bí, siêu nhiên, huyền ảo, tín ngưỡng bắt nguồn từ các thần thoại, truyền thuyết của văn học dân gian. Yếu tố thần kỳ trong thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích thần kỳ là yếu tố bắt buộc phải có.
 Các Thánh tượng đầu gỗ chùa Keo Hành Thiện tương truyền đã diễn trò lừa Quỷ Xương Cuồng.
Các Thánh tượng đầu gỗ chùa Keo Hành Thiện tương truyền đã diễn trò lừa Quỷ Xương Cuồng.

Tín ngưỡng và văn học dân gian

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Tín ngưỡng là sản phẩm tinh thần của cộng đồng, là niềm tin về những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại mà con người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được.

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam chủ yếu dựa trên lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ sau đối với tiền thần, tiền nhân. Tín ngưỡng dân gian khá phong phú, nó là tâm thức tôn sùng các lực lượng siêu nhiên như: Tôn sùng tự nhiên (mặt trời, mặt trăng, nước, mưa, gió, sấm, chớp...), các loại cây trồng (bầu, bí, lúa, ngô...), vật nuôi (trâu, bò, lợn...); Tôn sùng vật tổ (vật tổ chim, rắn...), tôn sùng tổ tiên (quốc tổ, thành hoàng, tổ tiên, ông bà); Tôn sùng sự sinh sản: sinh thực khí và các hoạt động tính giao; Tôn sùng Mẫu: các nữ thần, tứ mẫu (thiên phủ, địa phủ, nhạc phủ (thượng ngàn), thủy phủ (mẫu thoải), Bà chúa xứ và Thiên Yana; Tôn sùng các anh hùng dân tộc, anh hùng địa phương, người có công lớn với dân với nước: Thánh Gióng, Đức thánh Trần, Tản Viên Sơn Thánh, Bà Trưng, Lý Ông Trọng...

Còn văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng của các tầng lớp dân chúng, phát sinh từ thời công xã nguyên thủy, phát triển qua các thời kỳ lịch sử cho tới ngày nay.

Văn học dân gian là một bộ phận của văn hóa dân gian. Thuật ngữ folklore - văn hóa dân gian (folk: đại chúng, nhân dân; lore: trí tuệ, trí khôn; Folklore = kiến thức, trí tuệ của nhân dân) do nhà nhân chủng học người Anh William Thoms dùng trong bài báo đăng trên tờ Athenaeum, ngày 22/8/1846, với ý nghĩa là những di tích của nền văn hóa vật chất, chủ yếu là di tích của nền văn hoá tinh thần như phong tục, đạo đức, tín ngưỡng, những bài dân ca, những câu chuyện kể của cộng đồng.

Tại Việt Nam, về nghĩa hẹp, folklore là những sáng tạo của dân chúng mang tính nghệ thuật. Theo đó, văn hóa dân gian gồm 3 thành tố: Nghệ thuật ngữ văn dân gian (tức văn học dân gian), nghệ thuật tạo hình dân gian và nghệ thuật diễn xướng dân gian. Cũng có thể sử dụng folklore để chỉ văn học dân gian đồng thời dùng nó để phân biệt các đối tượng văn học khác.

Với tư cách văn hoá dân gian, văn học dân gian là một trong nhiều yếu tố văn hoá phi vật thể. Nó có những điểm gần gũi với triết học, dã sử, tín ngưỡng dân gian, dân tục, luật tục của cộng đồng cư dân truyền thống. Các loại hình văn hoá phi vật thể này gắn bó và có quan hệ qua lại với nhau, chi phối và đan lồng vào nhau một cách tự nhiên nhiều khi đến khó tách bạch.

Truyền thống lịch sử và xã hội Việt Nam quy định những nét đặc trưng của văn hóa nước ta. Đó là văn hóa xóm làng trội hơn văn hóa đô thị, văn hóa truyền miệng lấn át văn hóa chữ nghĩa, ứng xử duy tình nặng hơn duy lý... Truyền thống đó cũng tạo nên những nét đặc trưng cho Folklore Việt Nam là: tính nguyên hợp, tính tập thể và tính nghiệm sinh.

Tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên được thể hiện qua phong tục thờ cúng quốc tổ Hùng Vương.Tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên được thể hiện qua phong tục thờ cúng quốc tổ Hùng Vương.

Văn học dân gian có quan hệ đặc biệt với tín ngưỡng dân gian. Trong mối quan hệ đó, tín ngưỡng như là chỗ dựa tâm linh cho sự sáng tạo nghệ thuật, hơn thế, tín ngưỡng còn được nghệ thuật hóa để trở thành những biểu tượng nghệ thuật mang ý nghĩa kép, ý nghĩa tâm linh và ý nghĩa nhân văn.

Con người đưa tự nhiên vào bàn thờ các gia đình hay trong miếu, điện thờ. Tự nhiên thành biểu tượng trong tín ngưỡng thờ cúng, trong văn hóa mỗi dân tộc, trong văn học và nghệ thuật nhiều thời đại. Đó cũng là con đường chung để các tín ngưỡng thẩm thấu vào văn hóa hay sinh hoạt cộng đồng nhiều dân tộc trên thế giới mà không phải chỉ ở Việt Nam.

Tín ngưỡng được các nhà nghiên cứu văn học dân gian xác định chính là cơ sở, là hơi thở của văn học dân gian. Phải có tín ngưỡng với những hành động lễ, hành động hội mới làm sống lại, thể hiện rõ những điều truyền tụng trong văn học dân gian. Ngược lại, văn học dân gian chính là nơi lưu giữ lâu dài, làm cho tín ngưỡng được lí giải, tạo nên xương cốt cho tín ngưỡng.

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam mang dấu ấn Đông Nam Á đậm nét. Trong tín ngưỡng dân gian, các đối tượng thần thánh được thờ cúng, có nhiều nhân vật của thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích vốn rất quen thuộc trong văn học dân gian Việt Nam. Trong các thể loại văn học dân gian, hầu như thể loại nào cũng có dấu vết của tín ngưỡng dân gian.

Truyền thuyết về vị thánh diệt trừ yêu tinh

Cả Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn đều thờ 3 thần, 1 thánh. Hai vị thánh có nguồn gốc người trần, được thần thánh hóa với những phép thuật ly kỳ, biến hóa vi diệu. Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông sinh năm Giáp Thìn (1064), mẹ là cung phi thứ 9, có công giúp vị Đông Quốc đánh giặc. Bản khai thần tích cho biết vị thần này mất năm lên 8 tuổi vì bệnh đậu mùa, hóa thành rồng, đem theo trận gió ra hồ Linh Lang (ở Thủ Lệ, Hà Nội ngày nay). Thời Trần, dân làng Linh Động (Bảo Hà ngày nay) mộng thấy vị thần này hiện về, báo dân làng lập miếu thờ thì sẽ được yên và thịnh vượng, về sau linh ứng. Linh Lang là thần rắn nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, truyền thuyết về đức thánh Nguyễn Minh Không còn hoang đường và kỳ bí hơn.

Đức thánh Nguyễn (1065-1141) hiệu Không Lộ tên thật là Nguyễn Chí Thành, làm Quốc sư dưới triều Lý nên được vua ban họ Lý là Lý Quốc Sư. Đức thánh Nguyễn là ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam, tổ nghề y. Khi Mẫu Liễu Hạnh chưa giáng sinh, ông là một trong tứ bất tử gồm: Tản Viên Sơn thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Nguyễn Minh Không.

Truyền thuyết hoang đường: Công chúa Mỵ Châu bị chém đầu, máu nàng trai ăn phải nên hóa thành ngọc.

Truyền thuyết hoang đường: Công chúa Mỵ Châu bị chém đầu, máu nàng trai ăn phải nên hóa thành ngọc.

Theo truyền thuyết dân gian, Nguyễn Minh Không là một nhân vật huyền thoại, là hóa thân của thần Khổng Lồ. Kho tàng văn hóa dân gian Ninh Bình còn lưu giữ nhiều câu chuyện truyền thuyết về thần Khổng Lồ như “Ông Khổng Lồ gánh núi”, “Ông Khổng Lồ bắt lươn”, “Núi Đó và lò nước của ông Khổng Lồ”, “Sự tích núi Kẽm Đó”, “Sự tích núi Con Mèo” gắn với hàng loạt di tích liên quan đến sư Minh Không ở đây như: núi Dương Sơn, núi Đồng Cân, núi Đầu Rau, núi Nút Đó, suối Canh Gà…

Từ sự tích thần Khổng Lồ có thể thấy sự đan xen các lớp văn hoá, tín ngưỡng khó có thể nhận ra từng yếu tố, đâu là những mảnh vụn huyền thoại được thần thoại hóa, lịch sử hóa, tín ngưỡng thờ thần linh nông nghiệp, thần đánh cá, thờ Tổ nghề và lớp văn hóa Phật giáo để tôn vinh một quốc sư trở thành một vị Thánh bất tử.

Khi tu thiền đắc đạo, thánh Nguyễn có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc Tứ Đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông.

Theo truyền thuyết dân gian một số vùng ở Nam Định và Thái Bình, Thánh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không hầu như được đồng nhất với nhau trong một thánh Không Lộ. Vị thánh này đã làm phép giết chết Mộc tinh -một yêu tinh tồn tại hàng nghìn năm từ thời Kinh Dương Vương.

Sách “Lĩnh Nam chích quái” chép, đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây chiên đàn cao hơn ngàn trượng cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn rậm. Có chim hạc bay đến đậu nên đất chỗ đó gọi là đất Bạch Hạc. Cây trải qua hàng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi hình dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật.

Kinh Dương Vương dùng nhạc mà đánh thắng yêu, yêu hơi chịu nhún nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ, hàng năm tới ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, dân mới được yên ổn. Dân thường gọi yêu là thần Xương Cuồng.

Biên giới Tây Nam giáp liền với nước Mi Hầu, vua Hùng Vương sai dân man Bà Lô (nay là phủ Diễn Châu) hàng năm bắt giống người lão tử sống ở khe núi tới tiến, không thể thay đổi được lệ ấy. Kíp tới khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Hiêu làm quan lệnh ở Long Xuyên, muốn bỏ tệ ấy đi. Thần Xương Cuồng tức giận vật chết Hiêu, vì thế về sau lại phải phụng thờ cẩn thận.

Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Văn Du Tường vốn người phương Bắc, đức hạnh thanh cao, đã từng đi qua nhiều nước, biết được tiếng các dân man, học được thuật làm nanh vàng và răng đồng, năm hơn 80 tuổi sang nước Nam ta. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư bèn dạy cho nghề tạp kỹ để làm trò vui cho thần Xương Cuồng xem mà giết y.

Quỷ Xương Cuồng (hay Mộc tinh) là yêu quái trong truyền thuyết từ thượng cổ của người Việt, từ thời nước Xích Quỷ của vua Kinh Dương Vương. Đây là một trong số những yêu quái hùng mạnh bậc nhất còn được lưu truyền trong sử sách và huyền kỳ của nước Nam, tương truyền Xương Cuồng là hóa thân của một con hổ thành tinh. Qua nghiên cứu các tài liệu, có thể thấy, Mộc tinh từng bị Kinh Dương Vương, sau đó là Lạc Long Quân giao chiến trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được.

Sau đó, quỷ Xương Cuồng lại hoành hành, Mẫu Tứ phủ Thượng Ngàn, con gái của vua Trời đã hóa thành một cô gái xinh đẹp, trở thành vật hiến tế hòng bắt được con quỷ này. Khi Mộc Tinh xuất hiện dưới hình dạng một con hổ trắng, định ăn thịt cô gái thì bị Mẫu Thượng Ngàn chặt mất đầu, hiện nguyên hình là một cái cây khô có cành lá làm từ xương và thịt người. Khi Thánh Mẫu định vung rìu đốn hạ cây thì Mộc Tinh liền vội vàng xin tha mạng. Nó hứa rằng từ nay sẽ không ăn thịt người nữa và tặng bà một hạt giống thần.

Hùng Vương thứ IX là một vị vua anh minh, thương dân như con nào ngờ trong một lần đi săn, ông vô tình bị Mộc Tinh ăn thịt. Yêu tinh nhân cơ hội này dùng phép hóa thành nhà vua để cai trị nước Văn Lang. Mẫu Thượng Ngàn biết chuyện này có một phần là lỗi của mình nên đã tự nguyện chịu tội. Vua Trời bèn đày nàng làm con gái Mộc Tinh để sửa sai. Vì hổ dữ không ăn thịt con nên công chúa Quế Hoa đã làm phép hóa dây đàn thành một sợi xích lớn buộc quanh cổ con hổ rồi dẫn nó theo mình.

Sau này vào thời nhà Đinh, pháp sư Văn Du Tường tức Không Lộ đã dùng trò rối, lừa chặt đầu Mộc tinh. Vết tích của sáu vị này là các Thánh Tượng đầu gỗ của trò rối Ôi Lỗi, còn được lưu diễn đến ngày nay tại các di tích thờ Không Lộ thiền sư.

Yếu tố thần kỳ trong tín ngưỡng dân gian

Yếu tố thần kỳ là khái niệm bao gồm hai nét nghĩa chủ yếu: thần thánh và kỳ lạ, vừa kỳ ảo, hoang đường vừa huyền diệu. Yếu tố này xuất phát từ thế giới quan thần linh của người xưa, nhìn nhận và giải thích thế giới theo khuynh hướng thần kỳ hóa. Trong những câu chuyện truyền thuyết, yếu tố thần kỳ có vai trò tô đậm và huyền ảo hóa cuộc đời của nhân vật lịch sử gắn với sự kiện lịch sử.

Nguồn gốc của yếu tố thần kỳ trong văn học dân gian, trước hết, có thể nhận biết từ thần thoại. Thần thoại là truyện kể về thần. Nhân vật trung tâm và cũng là yếu tố quan trọng nhất trong thần thoại là thần. Nhân vật thần ấy có nguồn gốc từ thế giới quan thần linh của người nguyên thuỷ.

Mẫu Thượng Ngàn.Mẫu Thượng Ngàn.

GS. Đinh Gia Khánh đặt vấn đề: Tại sao thần thoại lại phản ánh hiện thực dưới hình thức hoang đường? Và ông lý giải: “Muốn giải đáp vấn đề, cần chú ý đến khả năng rất hạn chế của người nguyên thuỷ. Trong thế giới, đại bộ phận những hiện tượng có liên quan trực tiếp với đời sống vẫn còn ở ngoài tầm hiểu biết của họ. Trình độ của loài người chưa cho phép hiểu được các hiện tượng ấy, trong khi nhu cầu của cuộc sống lại buộc phải giải thích chúng. Bắt buộc phải giải thích những vấn đề vượt lên trên khả năng trí tuệ của mình, người nguyên thuỷ đã đi đến những nhận thức sai lệch, những quan niệm huyễn hoặc về thực tại”.

Nói về tính hư ảo, thần kì trong truyền thuyết, nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch cho rằng: “Trong bối cảnh lịch sử - văn hoá Việt Nam, khi xem xét phần hư cấu nghệ thuật trong truyền thuyết thì không thể không xem xét đến một số yếu tố khác như tâm linh, các tư tưởng trong tam giáo Nho, Phật, Đạo, các thứ tín ngưỡng nguyên thuỷ... đã tích hợp thành một phức thể hỗn tạp cùng với tính hư ảo, thần kì trong hư cấu nghệ thuật của truyền thuyết”.

GS.TS Kiều Thu Hoạch đã chỉ ra những nguồn gốc khác nhau của yếu tố thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam và nguồn gốc những thể loại ra đời sau thần thoại.

Nhân vật thần kỳ, không gian thần kỳ, thời gian thần kỳ là đặc điểm của thần thoại. Trong khi đó, tính cố định, cụ thể về nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật là đặc điểm của truyền thuyết. Theo các nhà nghiên cứu, thần thoại thuộc lĩnh vực sáng tác “tự phát”; truyền thuyết, trái lại, là sáng tác “có chủ đích” và “Chức năng chủ yếu của truyền thuyết là đánh giá các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử”.

Nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật trong truyền thuyết cố định, cụ thể. Đó là nhân vật, không gian và thời gian có liên quan đến lịch sử. Nhân vật lịch sử này sở dĩ trở thành nhân vật, không gian và thời gian truyền thuyết là nhờ vào yếu tố thần kỳ.

Khi không gian và thời gian nghệ thuật đều là yếu tố thần kỳ thì yếu tố thần kỳ xuất hiện một cách trực tiếp trong thần thoại. Nó vừa là phương tiện, vừa là mục đích của sự hư cấu một cách nghệ thuật vô ý thức. Tuy không trực tiếp như trong thần thoại, yếu tố thần kỳ vẫn có vai trò rất quan trọng trong tác phẩm truyền thuyết. “Truyện Rùa vàng” được xác định là một truyền thuyết vì sự kiện và nhân vật lịch sử triều đại An Dương Vương được kể lại trong một thế giới nghệ thuật đầy màu sắc huyền ảo.

Thần Kim Quy là một con rùa vàng nói sõi tiếng người, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Lý do thành xây không được theo thần là vì: “Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước, muốn báo thù cho nước. Lại có con gà trắng sống ngàn năm hóa thành ẩn ở núi Thất Diệu sơn. Trong núi có ma, đó là hồn người nhạc công triều đại trước chôn ở đây. Ở bên cạnh, có một quán trọ cho khách vãng lai, chủ quán tên là Ngộ Không, có một người con gái và một con gà vốn là dư khí của quỷ tinh, phàm có khách qua đường nghỉ đêm ở quán thì quỷ tinh lại biến hoá muôn hình vạn trạng để làm hại. Người chết vì thế rất nhiều. Nay con gà trống trắng lại lấy con gái chủ quán, nếu giết được con gà trống thì trấn áp được quỷ tinh, quỷ tinh sẽ thu âm khí thành yêu, hoá ra con chim cú ngậm lá thư bay lên trên cây chiên đàn tâu cùng Thượng đế xin phá thành. Thần sẽ xin cắn rớt lá thư, nhà vua tức tốc lặt lấy, thành sẽ xây được”.

Câu chuyện được kể trong thần thoại và truyền thuyết đều được người nghe tin là thực, nhưng niềm tin vào sự thực trong thần thoại nói như PGS.Chu Xuân Diên là “hướng tới sự xác nhận một thứ thực tại cao cấp, thiêng liêng, có ý nghĩa tôn giáo - ma thuật”. Tin vào sự thực của câu chuyện được kể trong thần thoại và truyền thuyết, thực chất là tin vào yếu tố thần kỳ. Vì vậy, khi một truyện cổ dân gian có yếu tố thần kỳ không chiếm được niềm tin của người nghe thì truyện cổ dân gian ấy có nhiều khả năng không phải là tác phẩm thần thoại hay tác phẩm truyền thuyết.

(Còn nữa)

Đọc thêm