Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.
Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.

Bình Lăng - Hồn thêu đất Việt

Theo ghi chép ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của ba miền Bắc - Trung - Nam là tiến sĩ Lê Công Hành. Tên khai sinh của ông là Trần Quốc Khái sống ở cuối đời Trần, đầu đời Lê (khoảng thế kỷ 14), tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam nay thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Trong một lần đi xứ phương Bắc, tiến sĩ Lê Công Hành ông đã tự học nghề thêu sau một lần bị vua Minh thử trí. Khi về nước, ông đã đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động rồi sau đó phát triển rộng ra các tỉnh khác, sang cả Bắc Ninh, Hưng Yên. Ngày đó, Bình Lăng chỉ là một làng quê thuần nông nghèo khó, nghề thêu về nơi đây được người dân đón nhận và trở thành nghề truyền thống được người dân gìn giữ và phát triển.

Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng nghề thêu tay truyền thống của Bình Lăng cũng đã trải qua hơn 100 năm tuổi. Nhờ vào đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người nghệ nhân nơi đây mà các sản phẩm thêu mang thương hiệu Bình Lăng nổi tiếng khắp cả nước bởi sự tinh xảo, công phu.

Tranh thêu tay Bình Lăng là tập hợp của nhiều lớp chỉ chồng chéo lên nhau với đặc thù hình khối hội họa tiêu biểu. Một bức tranh sẽ gồm 3 lớp chính: Lớp nền, lớp đi nét cơ bản, lớp kỹ thuật. Mỗi lớp chỉ do một nhóm thợ khác nhau đảm nhiệm.

Nghệ nhân làng thêu Bình Lăng trình diễn thêu tranh thủ công tại Hội chợ làng nghề truyền thống.Nghệ nhân làng thêu Bình Lăng trình diễn thêu tranh thủ công tại Hội chợ làng nghề truyền thống.

Để hoàn thiện một bức tranh thì học viên mới sẽ thường được giao làm nhiệm vụ thực hiện lớp nền, thợ chắc tay hơn phụ trách lớp cơ bản, lớp kỹ thuật dành cho thợ dày dạn kinh nghiệm và lành nghề. Và bước cuối cùng sửa, hoàn thiện bức tranh sẽ do một nghệ nhân lành nghề đảm nhiệm.

Muốn đạt được sự hoàn hảo thì ngay cả dài của mỗi đường chỉ cũng được những người thợ tính toán phù hợp với từng lớp. Chúng trở thành những quy tắc bất di, bất dịch như: lớp nền có đường chỉ dài, lớp sau đường chỉ ngắn dần để nhấn mạnh những chi tiết nhỏ, tạo độ nổi, độ sáng tối và đánh khối.

Không rập khuôn tuần tự, tranh thêu của Bình Lăng có thể bỏ qua một số công đoạn của thêu tranh như đâm xuyên trên giấy kito, phân màu… để tập trung phát triển sáng tạo cho từng cá nhân. Do đó dù cùng thêu một mẫu tranh nhưng giữa các bức tranh vẫn có sự khác biệt bởi có sự dịch chuyển về chi tiết, về không gian, thời gian.

Và để có được chỗ đứng trong làng thêu, những bức tranh thêu tay của Bình Lăng có độ bền màu “đi cùng năm tháng”. Để đạt được điều đó, dòng tranh của Bình Lăng không có thao tác đánh màu hậu kỳ bằng bút dạ hay màu tuýp. Do đó giá thành của tranh thêu Bình Lăng bao giờ cũng cao hơn các dòng thêu đại trà, tranh thêu máy khác.

“Thoi thóp” làng nghề

Được biết, xưa kia thêu chỉ để trang trí quần áo phục vụ cho vua chúa, giới quý tộc hay cho văn công, đội hát, đội xiếc. Họa tiết thêu chỉ có hoa văn, con vật… Bắt đầu từ những năm 1980 trở lại đây thêu mới dần phổ biến và hình thành các tác phẩm tranh thêu. Nhờ đó nghề thêu tay Bình Lăng đã có những năm tháng rất phát triển.

Trước 2000, làng có đến 15 - 20 cơ sở, số thợ thêu lên đến 700, 800, bảo đảm việc làm cho cả làng. Thế nhưng từ 2000 đổ lại đây, cạnh tranh nhiều, nghề thêu ít được chú trọng, cả làng hiện nay chỉ còn 3, 4 chủ. Nét tinh hoa của làng thêu Bình Lăng chỉ còn được lưu giữ ở những người say nghề như gia đình nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục, một trong những người kế nhiệm xuất sắc nghề tổ, đã có hơn 50 năm gắn bó với từng đường kim, mũi chỉ thêu.

Theo nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục, vài năm gần đây, khi thêu máy xuất hiện thì tranh thêu truyền thống Bình Lăng lại phải vất vả cạnh tranh với tranh thêu máy Trung Quốc ngay tại “sân nhà”. Bởi những bức tranh này được sản xuất với số lượng lớn nên có giá thành rẻ, khiến những bức tranh đầy tâm huyết và tinh xảo của Bình Lăng dần mất đi vị trí số 1.

Nhiều cơ sở thêu và hộ gia đình tại Bình Lăng đã phải chuyển sang thêu máy để phục vụ nhu cầu của khách hàng, cũng như duy trì nghề và trang trải cuộc sống. Do đó, việc mở rộng làng nghề và tìm đầu ra cho các sản phẩm tranh thêu Bình Lăng hiện nay trở nên vô cùng khó khăn.

Không chỉ chịu sức ép từ tranh thêu máy mà tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động trẻ ở Bình Lăng đang ở mức đáng báo động, khiến nhiều cơ sở thêu truyền thống phải đóng cửa dù vẫn có đơn đặt hàng. Thực trạng này càng trở nên trầm trọng từ khi xuất hiện các cụm công nghiệp trên địa bàn như: Quất Động, Phụng Hiệp…

Thực tế trung bình một người thợ thêu có tay nghề cao với kinh nghiệm trên 15 năm thì mức lương trung bình là 150.000/ngày, còn những thợ có tay nghề thấp hơn là 80.000 – 100.000/ngày. Với mức lương công nhân cao gấp 2 - 3 lương thêu, lớp trẻ dần dần bỏ nghề truyền thống đi làm tại các khu công nghiệp. Và chỉ có những người cao tuổi không đi làm ở đó được mới tiếp tục theo nghề thêu.

Hơn nữa để đào tạo ra một thợ thêu kỹ thuật cao mất tầm 5 đến 15 năm. Trung bình, một bức tranh mất tầm 1-2 tháng, thậm chí, có bức mất tầm 4 tháng mới hoàn thành. Đứng trước những đòi hỏi khắt khe ấy, nhiều bạn trẻ đã không còn “nặng lòng” với nghề thêu truyền thống của quê hương. Do vậy, nghệ nhân thêu ngày một mai một dần và thiếu chất lượng.

“Nhà tôi có hai người con nhưng cũng không ai theo được nghề truyền thống vì thu nhập bên ngoài cao hơn, thêu không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày”, cô Phùng Thị Hường, một thợ thêu lành nghề của làng Bình Lăng chia sẻ.

Đứng trước thực trạng đó, các cấp chính quyền xã Thắng Lợi và huyện Thường Tín đã có những chính sách, chủ trương chung như tuyên truyền, hỗ trợ mở các trường nghề đào tạo miễn phí để thu hút lao động trẻ. Tuy nhiên, biện pháp không được đánh giá thực sự hiệu quả vì những lớp học này chỉ có thời gian đào tạo 3 tháng mà đối với nghề thêu là quá ngắn.

Bởi theo những nghệ nhân như ông Dục: “Người thợ được đào tạo ít nhất là 6 tháng mới cho ra được các sản phẩm thêu có chất lượng đại trà thì 3 tháng chưa thể làm ra được một sản phẩm thêu hoàn chỉnh để bán ra thị trường. Chương trình đào tạo như vậy sẽ rất khó tạo được niềm yêu thích và đám mê theo nghề của học viên. Vì cuối cùng thu nhập vẫn mới là yếu tố quyết định cuối cùng việc họ có theo nghề hay không”.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng ấp ủ dự định kết hợp việc phát triển làng nghề và du lịch giúp quảng bá thương hiệu thêu Bình Lăng. Sắp tới xã Thắng Lợi sẽ xây dựng nhà thờ tổ nghề thêu nhằm lưu giữ và khôi phục nghề thêu truyền thống.

Việc các làng nghề truyền thống như Bình Lăng ngày càng mai một trở thành một điều tất yếu trong nền kinh tế thị trường hiện tại. Nhưng mong rằng các cấp chính quyền sẽ có những giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn nữa để lưu giữ những làng nghề truyền thống như Bình Lăng. Bởi mỗi làng nghề chính là một nét văn hóa đặc biệt của nước ta cần được gìn giữ và bảo tồn.

Đọc thêm