Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?
Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.

Giải mã thần Cao Sơn

Ngoài thần Huyền Vũ, cả Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn cùng thờ thần Cao Sơn hay Cao Sơn Đại vương. Cao Sơn là một vị thần rất phổ biến ở nhiều vùng miền Bắc nước ta. Tuy nhiên cái tên này không phải chỉ là một nhân vật, mà có nhiều vị thần Cao Sơn ở các thời khác nhau. Thậm chí, theo các thần tích, ngọc phả, sắc phong của các làng ở Phú Thọ quanh đền Hùng, trọng tâm là vùng Nghĩa Lĩnh-Hy Cương, có nhiều di tích tín ngưỡng thờ Hùng Vương được gắn các hiệu danh Cao Sơn như: Cao Sơn Thánh vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Thánh vương, Viễn Sơn Thánh vương. Có nơi thần Cao Sơn được thờ kép với Sơn Tinh và Quý Minh, hoặc được đồng nhất với hai vị thần này thành Cao Sơn - Sơn Tinh, Cao Sơn - Quý Minh. Cao Sơn cũng được thờ riêng như một vị thần chủ độc lập. Nhiều học giả cho rằng, tất cả đều là dấu tích của những sinh hoạt tín ngưỡng thờ thần núi, suy từ chữ “Sơn” mà ra.

Các thần Núi (Sơn thần) thường có tên là Cao Sơn Đại vương hoặc là đức Thượng Ngàn, là một vị thần tự nhiên (nhiên thần hay thiên thần). Ngày nay, nhiều làng vẫn thờ thần tự nhiên như: thần sông, thần núi, thờ hòn đá, cây đa... làm Thành hoàng. Thần Núi nổi tiếng nhất là Tản Viên Sơn Thánh hay Sơn Tinh - vị thần tối linh trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Cổng chính Đền Hùng có một bức đại tự gồm 4 chữ Hán lớn “Cao sơn cảnh hành” (Núi cao đường lớn). Bốn chữ này là 4 chữ đầu của hai câu thơ đầu tiên “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ” trong bài “Xa hạt”, phần Tiểu nhã, sách Kinh Thi (thuộc bộ sách kinh điển Tứ Thư, Ngũ Kinh). Hai câu thơ có nghĩa là: Núi cao để ngưỡng trông, đường lớn dùng để đi. Có lẽ từ quan điểm “núi cao để ngưỡng trông”, các thần Núi đều được tôn sùng nên được gọi là Cao Sơn và Hùng vương thứ Nhất cũng được người dân đặt thụy hiệu là Cao Sơn để thờ cúng.

Cao Sơn (từ Hán Việt có nghĩa là ‘núi cao’) trở thành mã văn hóa với đầy đủ 3 yếu tố bao gồm: ký hiệu, tín hiệu văn hóa; biểu tượng văn hóa và mật mã văn hóa.

Cũng như thần Đất, số lượng thần Núi khá nhiều. Mỗi thần cai quản một dãy núi lớn bao gồm cả những núi con, như núi Nghĩa Lĩnh có Nghĩa Lĩnh sơn thần, cụm núi Hồng Lĩnh có Hồng Lĩnh sơn thần. Tản Viên Sơn Thánh chính là thần núi Tản Viên hay còn gọi là núi Ba Vì, ngọn núi chủ cao nhất trong vùng.

Hiện tượng thờ thần đá, thần Núi rất phổ biến trong thế giới tâm linh người Việt Mường cổ (cư dân Văn Lang). Thần Tản Viên, Cao Sơn đều thuộc loại thần như vậy sau được đưa lên thành quốc thần. Uy quyền của thần núi rất lớn. Thần Núi có lúc theo người đi đánh giặc, giúp người thắng quân thù như thần Núi Đồng Cổ, thần núi Tản Viên... cho nên cũng có khi gọi là thần Chiến tranh.

Bia đá trong hốc cây mang tên “Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh” do Sử thần Lê Tung soạn.Bia đá trong hốc cây mang tên “Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh” do Sử thần Lê Tung soạn.

Thần Đất và thần Núi rất hòa thuận với nhau nhưng giữa thần Núi với thần Nước thì hay xảy ra xung đột như trận đánh nhau giữa thần Núi Tản Viên và thần Nước Thuỷ Tinh. Có thần Núi được Ngọc Hoàng cho giữ khí tinh anh của các bậc anh hùng hào kiệt như thần Núi Kim Nhan ở Nghệ An. Mỗi lần có bậc anh hùng hào kiệt chết thì thần Núi ra mở cửa đón chờ. Khí tinh anh của họ là một vệt sáng trông như tấm lụa hoặc như mui xe, màu đỏ đào rực cả trời. Khi đã bay vào xong, thần Núi ấy đóng cửa lại sầm một tiếng như tiếng sấm nổ.

Có thần Núi được Ngọc Hoàng cho giữ của cải vàng bạc hay đồng... Tuy nhiên trừ khi thần cho không kể, còn thì khó lòng mà được hưởng những của đó. Như chuyện chum vàng trên núi Kim Âu, Thanh Hóa luôn sáng rực hàng nghìn năm nhưng chẳng ai mở được vì điều kiện gia đình người mở phải có đủ 10 đứa con trai. Nhà nọ có 10 con trai hăm hở lên núi lấy vàng nhưng không thể mở nổi nắp chum, cho rằng thần Núi tiếc của. Nhưng sau mới phát hiện ra nhà ấy chỉ có 9 người là con đẻ còn một người là con nuôi.

Theo các nhà nghiên cứu, từ học thuyết Âm-Dương ngũ hành và quan niệm âm - dương của văn hóa Đông Nam Á, với những đặc tính của đá (cứng, nhọn, rắn, cao...) thì núi mang đặc tính dương (+) nhưng hầu hết núi ở trên đất Việt Nam đều gắn với truyền thuyết về phụ nữ, liên quan đến phụ nữ.

Các hệ dãy núi lớn ở Việt Nam không núi nào là không gắn liền với một truyền thuyết, hay câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, có cả những mô-típ éo le trắc trở để rồi kết thúc câu chuyện bao giờ cũng là một cái kết cục bi phẫn hay bi thảm của nạn nhân và anh linh của họ hóa thân vào núi.

Những ngọn núi nào được gán cho tính dương (+) là nơi ngự của thần linh tính nam thì vẫn có hình ảnh, sự hiện diện của một hay nhiều nữ thần đồng phối tự. Như nơi thờ thần Núi Tản Viên trên núi Ba Vì, song song với bàn thờ ngài, bên tả là nơi thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), bên hữu là ban thờ Tam toà Thánh Mẫu (mẫu Thượng Ngàn). Phía bên ngoài điện còn có cả một ban thờ Mẫu Cửu Trùng.

Những Núi mang đặc tính âm (-) và cũng là nơi hương khói phụng thờ các nữ thần tồn tại khá nhiều ở Việt Nam, có thể kể các danh sơn, mẫu sơn như thế tồn tại khắp từ mũi Cà Mau đến địa đầu tổ quốc. Cực Bắc có Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tô Thị (Đồng Đăng, Lạng Sơn). Miền Trung có tháp Bà Rầu và câu chuyện tích đá bà Rầu (Quảng Nam), núi Đại An thờ mẹ xứ sở Poh Naga (còn gọi là Tháp bà Nha Trang, Khánh Hòa).

Phương Nam có núi Bà Đen (ở Tây Ninh thờ Linh sơn Thánh Mẫu). Đi sâu xuống miền Tây Nam bộ có núi Sam thờ bà Chúa Xứ... Đây là điểm riêng khác biệt với nhiều núi lớn trên thế giới. Như vậy, người dân không chỉ gán tính thiêng cho núi mà điều quan trọng là tính thiêng đó lại thuộc âm, tức thuộc nữ. Nữ thần núi đã làm cho văn hóa Núi ở Việt Nam khác với nhiều nơi trên thế giới.

Cao Biền là một Cao Sơn Đại vương?

Từ một vị thần tự nhiên, được nhân dân tôn sùng thành tín ngưỡng thờ thần Núi, thần Cao Sơn Đại vương được coi là đã hạ phàm rất nhiều lần từ thời Hùng Vương dựng nước. Từ tên hiệu đầu tiên là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 của Lạc Long Quân đời Hùng Vương thứ Nhất, Cao Sơn Đại vương này trở thành vị thần trấn trạch phía Tây Hoa Lư tứ trấn, sau được thờ tại đình (đền) Kim Liên (Hà Nội), là ngôi đền trấn giữ hướng Nam kinh thành Thăng Long.

Sau đó, thần Cao Sơn hạ phàm, xuất hiện trong thời vua Hùng thứ 18 - Hùng Duệ Vương, có tên là Hiển, cùng với Quý Minh là em họ của Tản Viên, có công giúp vua Hùng đánh thắng quân Thục. Vị thần này ngự ở ngọn núi bên trái của dãy Ba Vì (Tản Viên đứng giữa, bên phải là Quý Minh). Tiếp đó là thần Cao Sơn (thờ ở làng Lương Nhân, huyện Chí Linh, Hải Dương) giỏi nghề thuốc, là một vị thần chuyện chữa bệnh đậu mùa (còn gọi là quan ôn bắt lính) cho dân. Mỗi lần dân làm lễ cầu hỏi tên thì thần nhập đồng nói tên là Cao Sơn.

Ba chữ Trấn Nam phương tại đình (đền) Kim Liên (Hà Nội).

Ba chữ Trấn Nam phương tại đình (đền) Kim Liên (Hà Nội).

Thời nhà Đinh xuất hiện vị tướng tên Cao Sơn nhưng hình ảnh mờ nhạt. Vị thần này cùng người em sinh đôi là Cao Các (quê gốc Thanh Hóa, sinh năm 938) đã cùng các tướng sĩ lần lượt đánh bại và thu phục 12 sứ quân. Trong trận chiến, Cao Sơn đã tử trận. Còn Cao Các là người được Đinh Bộ Lĩnh phong chức Giám Nghị đại phu, giao cho 5 vạn binh lính để dẹp loạn 12 sứ quân. Sau ông lại cầm quân đánh thắng quân Chiêm xâm lược do chúa Chiêm Thành là Xạ Đẩu chỉ huy.

Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người dân tộc Tày, quê tỉnh Thái Nguyên đã có công bảo vệ vùng biên giới nước Đại Việt dưới triều vua nhà Lý thế kỷ XII cũng được nhân dân tôn thờ là thần Cao Sơn Qúy Minh. Ngoài ra, có thể kể thần Cao Sơn Độc Cước ở núi Độc Cước (Thanh Hóa)...

Vị thần Cao Sơn thứ 7 là người Trung Quốc. Theo tài liệu chép tay bằng chữ Hán “Bách thần sự tích”, không rõ tác giả, hiện lưu tại Thư viện tỉnh Nghệ An thì: “Cao Sơn Cao Các Đại vương, Thượng đẳng thần, có 30 miếu thờ. Miếu thờ chính ở xã Đông Tháp, huyện Đông Thành. Nguyên là người nước Bắc, họ Cao tên Hiển, tiến sĩ Triều Minh, sang nước ta làm Án sát sứ... Sau khi mất hiển hiện linh ứng, dân xã lập đền thờ...”.

Còn thần tích đền Ngọc Điền, thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) chép: “Thần Cao Sơn, tên thật là Cao Hiển, tự là Vân Trường, quê ở Bảo Sơn, Trung Quốc. Cao Hiển là người thông minh, chính trực, học rộng, hiểu sâu, tài kiêm văn võ. Năm 29 tuổi đậu Tiến sĩ dưới triều vua Hy Tông nhà Tống và làm quan đến chức Thượng thư”.

PGS.Ninh Viết Giao cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã tra cứu thư tịch Trung Quốc, thấy rằng kể cả thời Tống, thời Minh và các thời khác nữa, không có Tiến sĩ Cao Hiển nào sang nước ta làm chức Án sát sứ. Ông cũng phát hiện thần tích Cao Sơn Cao Các có nhiều dị bản, nên đã nhận định đây không phải là nhân thần, mà là thần núi. Có nơi xác định Cao Sơn, Cao Các là hai vị thần, có nơi xác định Cao Sơn Cao Các chính là thần Cao Sơn.

Những thông tin thần Cao Sơn có tên Cao Hiển, người ở Bảo Đài Sơn (Trung Quốc), đỗ cao rồi sang nước ta làm quan phụ chính, rất trùng khớp với sự tích của Cao Sơn Đại vương ở khu vực Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Hiện 7 làng thuộc tổng Hà Hồi xưa, nay thuộc 3 xã của huyện Thường Tín (Hà Nội), cùng nhiều làng khác ở ngoại thành và nội thành đều thờ Cao Sơn Đại vương này làm Thành hoàng.

Từ thông tin trong các thần tích, có thể xác định vị Cao Sơn này có lý lịch trùng khớp với tướng Cao Biền thời Đường. Cao Biền người phương Bắc, từng đỗ đạt và làm quan to dưới thời Đường. Ông được cử sang nước ta trấn thủ An Nam để dẹp loạn Nam Chiếu. Sau khi đánh Nam Chiếu thắng lợi, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân và Cao Biền nhận chức Tĩnh Hải tiết độ sứ đầu tiên.

Sự tôn thờ Cao Biền ở Nghệ An là do ông đã có công khai thông đường thủy ở khu vực Diễn Châu khi làm kênh Thiên Uy hay Kênh Sắt (Thiết Cảng) tại đây. Ở đây vẫn còn lưu được bia “Thiên Uy kính tân tạc hải phái bi” có niên hiệu Hàm Thông nhà Đường (năm 870), văn bia do Bùi Hình, Chưởng Thư ký của Cao Biền soạn.

Sở dĩ các địa phương thờ nhiều thần Cao Sơn và khó phân biệt rạch ròi danh xưng Cao Sơn Cao Các, hay Cao Sơn Đại vương có thể là Cao Biền là do văn học dân gian được sáng tác tập thể, truyền miệng nên có tính dị bản.

Tính dị bản làm cho tác phẩm văn học dân gian không đứng yên nhất thành bất biến mà dễ thích ứng phù hợp với nhu cầu thị hiếu của nhân dân các địa phương, các thời kỳ lịch sử cụ thể khác nhau.

Vì sao vua Hùng lại lấy hiệu là Cao Sơn?

Khu Di tích đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ) là nơi thờ các vị vua Hùng, Quốc tổ của người Việt. Điều kỳ lạ là cả 3 ngôi đền gồm đền Hạ, đền Trung và đền Thượng trong khu di tích này đều đặt bài vị thờ 3 vị thánh là: Đột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương; Ất Sơn Thánh vương và Viễn Sơn Thánh vương. 3 vị thánh vương này còn gặp ở nhiều nơi khác trong các đình, đền, miếu vùng Phú Thọ. Không nơi nào đặt bài vị đích danh là Hùng Vương.

Cuốn ngọc phả ở Hy Cương không hề đề cập đến các tên gọi Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn và Viễn Sơn. Đây là lý do khiến các nhà nghiên cứu cho rằng, 3 ngai vị ở đền Hùng là 3 vị thần núi địa phương.

Nơi thờ thần Cao Sơn Đại vương.

Nơi thờ thần Cao Sơn Đại vương.

Thế nhưng xã Tiên Cương, phủ Lâm Thao có bản Ngọc phả mang tên “Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Cao Sơn Thánh vương họ Hùng nước Việt cổ”, trong đó kể về sự tích về “Hùng Vương Thánh tổ Tiền Thái tổ Cao Sơn Minh vương hoàng đế”. Như vậy Đột Ngột Cao Sơn còn được gọi là Cao Sơn Minh vương. Đặc biệt, với phát hiện bản “Hùng Vương Thánh tổ ngọc phả” lưu tại đền Vân Luông, TP Việt Trì, Phú Thọ, sự thật về 3 vị vua Hùng được làm sáng tỏ.

Theo phần thứ nhất trong bản ngọc phả có tên “Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền tự điển”, Đột Ngột Cao Sơn là mỹ tự truy phong (tên thờ) của Hùng Quốc Vương - người con trưởng trong trăm người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tương tự, Viễn Sơn là thụy hiệu của Hùng Hy Vương và Ất Sơn là thụy hiệu của Hùng Hy Vương, 2 vị vua Hùng kế tiếp Hùng Quốc Vương.

Quan niệm “Vật tổ Tô tem” là một quan niệm cổ để lại dấu ấn trong thần thoại. Quan niệm này cho rằng mỗi bộ lạc, thị tộc đều được sinh ra từ một con vật hay một loài thảo mộc nào đó. Từ đó đưa đến tục thờ tổ, tức là thờ con vật hoặc loài thảo mộc ấy. Tương tự như thế là quan niệm “Bái vật giáo” tức là mỗi bộ lạc, thị tộc tôn thờ một sự vật, hiện tượng tự nhiên nào đó như thờ thần núi, thần sông, thờ đá... Sinh sống ở vùng nhiều núi non, nhiều lần phải ứng phó với thủy thần, lũ lụt, cư dân Lạc Việt coi trọng tín ngưỡng thờ thần Núi. Vì vậy thần Núi Tản Viên trở thành vị thần tối linh, được đưa lên thành quốc thần.

Thần núi Tản cũng như hàng loạt nhiên thần được ra đời từ thời nguyên thủy của tổ tiên ta lúc họ đã bắt đầu biết nhận thức về thế giới khách quan và với khả năng tư duy trừu tượng của buổi đầu, con người chưa thật sự phân biệt được giữa mình với giới tự nhiên mà mình đang cùng sống, đang phải phụ thuộc.

Khi ấy con người đã đồng nhất giữa mình với các vật thể của thiên nhiên. Người ta đã nhân cách hóa các lực lượng tự nhiên làm nảy sinh các vị thần đầu tiên đó là thần siêu nhiên, thần vũ trụ. Vật linh luận (mọi vật đều có hồn hoặc ma) ra đời làm cơ sở cho bái vật giáo tạo ra các thần và các tục thờ thần. Đó là thời kỳ của các thần thoại trong văn học dân gian.

Thần thoại Việt Nam gồm hai nhóm: Thần thoại suy nguyên kể về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc muôn loài và thần thoại kể về việc chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hoá. Thần núi thuộc nhóm thần thoại suy nguyên kể về nguồn gốc vũ trụ.

Theo PGS-TS Nguyễn Chí Bền, các lớp văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chồng xếp lên nhau. Lớp văn hóa đầu tiên là nghi lễ thờ thần núi ở các làng, xã ở Phú Thọ. Sau đó tín ngưỡng thờ cúng được chuyển hóa. Từ thờ đất nước, núi non trở thành thờ cúng ông tổ.

Đó là lý do vì sao nhân dân suy tôn Hùng Vương với danh hiệu Đột Ngột Cao Sơn và thờ như một vị thánh. Đột Ngột có nghĩa là cao chót vót, cao vọt lên. Có thể dịch nôm là núi cao nhất. Thánh cao hơn vua, vua chỉ có thể phong thần không phong được thánh.

(Còn nữa)

Đọc thêm