Tập tục thờ đá - Nét tín ngưỡng cổ độc đáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tín ngưỡng thờ đá thuộc tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, là một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian sớm nhất xuất hiện ở Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ thần đá có ở nhiều vùng đồng bào dân tộc.
Tín ngưỡng thờ thần đá có ở nhiều vùng đồng bào dân tộc.

Sau thờ đá bị biến dổi và kết nạp vào những tín ngưỡng khác như tín ngưỡng nông nghiệp và tham gia vào nhiều các hình thức thờ phụng khác của người Việt.

“Thiêng hóa” đá thành thần khổng lồ kiến tạo thế giới

Thời đại đồ đá trải dài nhất trong lịch sử loại người (khoảng vài triệu đến tám vạn năm trước công nguyên). Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, khi thuyết vật linh tồn tại phổ biến thì người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ.

Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong đá (hang), và chết có khi cũng nằm trong đá (chum đá của các dân tộc ở Lào, quan tài chèn đá của người Mường…). Quan niệm đó được huyền thoại hoá thành các câu chuyện ở nhiều dân tộc.

Mặt khác, đá lại là đặc trưng cơ bản của núi (núi đá), mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất. Cho nên, đá có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác.

Do vậy, bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ thần tự nhiên trong đó có tín ngưỡng thờ đá khởi thủy là một quan niệm tối cổ của con người trong quá trình sống phải đối mặt với muôn vàn khó khăn mà thiên nhiên đã tạo ra. Khi quan niệm vạn vật đều có linh hồn, người nguyên thủy nhìn thấy đằng sau mỗi hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần. Vị thần đó quyết định sự vận hành của vũ trụ, trong đó có đời sống con người, đặc biệt, đối với một vùng đất nông nghiệp trồng lúa nước.

Từ đó, núi được “thiêng hóa” thành những vị thần khổng lồ hay do thần khổng lồ tạo ra. Tín ngưỡng thờ đá ra đời từ thời hồng hoang, khi con người sáng tạo ra những thân thoại về các vị thần trụ trời, tạo nên những núi non biển cả, kiến tạo ra thế giới mới. Đó là những vị thần khổng lồ dời non, lấp biển. Ý nghĩa giải thích nguồn gốc vũ trụ là một đặc điểm lớn của thần thoại.

Di tích Đá Mẹ sinh ra Thạch Linh Thần tướng ở Ao Miếu, xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang).

Di tích Đá Mẹ sinh ra Thạch Linh Thần tướng ở Ao Miếu, xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang).

Hình tượng khổng lồ là một kiểu nhân vật rất phổ biến trong truyện kể dân gian mọi dân tộc, mọi vùng miền đất nước. Người khổng lồ trong thần thoại Việt Nam cũng rất hào hùng, mỹ lệ, đó là ông chống trời, bà Nữ Oa, ông Tứ Tượng - vị thần khổng lồ kiến tạo, người khổng lồ văn hoá ải Lậc Cậc của miền rừng núi Tây Bắc, đó là những ông Đổng, ông Trấu, ông Tát Bể, ông Đào Sông, ông Xây Rú, người khổng lồ thần thoại. Rồi vua Rồng xứ Lạc, Sơn Tinh, ông Gióng, những ông khổng lồ lịch sử.

Thần thoại vùng Hà Tĩnh kể rằng, ông Đùng bà Đùng là hai người khổng lồ thường giúp đỡ dân chúng trong vùng. Ông Đùng thích bà Đùng nên ngỏ lời, bà liền phán rằng trước khi gà gáy mà ông xây được 100 quả núi thì được lấy bà làm vợ. Thế là ông Đùng cả ngày hôm đó xếp núi, quên cả ăn uống nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, bà Đùng tỉnh dậy thấy ông Đùng đã cặm cụi xếp được 99 ngọn núi, liền trêu tức bằng cách giả tiếng gà gáy. Ông Đùng đang bê quả núi thứ 100 tới bờ bắc sông Lam (Nghệ An) bỗng nghe tiếng “gà”, liền bỏ cả núi lại đó mà trở về. Cuối cùng thì bà Đùng cũng chấp nhận đấng phu quân, nhưng do tiếng bà gáy sớm mà dãy núi Hồng Lĩnh chỉ có 99 ngọn núi, còn một ngọn núi đã bị bỏ quên ở bờ bắc sông Lam, chính là núi Quyết.

Tượng Thạch Linh Thần tướng được thờ trong chùa (chùa Bổ Đà) và trở thành Thành hoàng của nhiều làng.Tượng Thạch Linh Thần tướng được thờ trong chùa (chùa Bổ Đà) và trở thành Thành hoàng của nhiều làng.

Qua thời gian, từ các nhiên thần, đá được khoác một lớp văn hóa khác, có một lý lịch mới, trở thành các nhân thần, anh hùng văn hóa. Theo truyền thuyết, Hùng Thạch tướng quân là con ông Nguyễn Hòa và bà họ Cao. Mẹ ông được sơn thần báo mộng, có thai ba năm hai tháng thì sinh. Vừa lúc đất nước có giặc, vua sai sứ giả cầu người tài cứu nước. Hùng Thạch tướng quân cho gọi sứ giả vào nhà và bảo về tâu xin nhà vua tạc voi đá, cờ đá sẽ đánh tan giặc. Hùng Thạch vươn vai đứng dậy thành người cao lớn khác thường rồi phi ngựa đá ra trận.

Đánh tan giặc, Hùng Thạch tướng quân bay lên gò núi mà hóa. Tại chùa Bổ Đà có ban thờ đặt tượng Thạch Linh thần tướng hay còn gọi là đức Thánh hoá. Ở di tích Ao Miếu còn một tảng đá to nằm trong ao, người dân gọi là Đá Mẹ. Tên gọi khác của ao là Thánh Trì (Ao Thánh) xuất phát từ sự tích đức Thánh Thạch Linh thần tướng sinh ra ở trong ao đó.

Hòn đá được thờ tại Yên Tử tương truyền là do đạo sĩ An Kỳ Sinh biến thành.

Hòn đá được thờ tại Yên Tử tương truyền là do đạo sĩ An Kỳ Sinh biến thành.

Trong sinh hoạt tinh thần ở một số vùng miền quê của người Việt hiện nay vẫn phổ biến hiện tượng thờ cúng những tảng đá có hình thù đặc biệt (giống hình người, hình con vật, hay đồ vật sinh hoạt…) nằm ở những chỗ đặc biệt (như trên ngọn núi, trong hang động, hay dưới gốc cây cổ thụ…). Dân gian thường gọi hiện tượng này là thờ “đá bụt mọc”.

Trong tâm thức của người Việt, sở dĩ những tảng đá có hình thù đặc biệt như vậy là bởi chúng được các vị thần linh tạo ra để trú ngụ. Vì thế, thờ cúng những tảng đá ấy chính là thờ cúng các vị thần ẩn náu trong đó, để nhận sự bảo trợ từ họ. Thường thần Đá đều là các “thần lành”, tức những vị thần dùng sức mạnh và uy lực của mình để đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống con người, nên dân gian mới gọi những vị ấy là “bụt mọc.

Văn hóa thờ đá

Trong mối quan hệ với các tín ngưỡng bản địa khác, tín ngưỡng thờ Đá được gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ thành hoàng, tín ngưỡng phồn thực (trong tín ngưỡng nông nghiệp), các nghi lễ nông nghiệp và các lớp văn hóa khác.

Từ xa xưa, tín ngưỡng thờ đá đã gắn với các nghi lễ nông nghiệp, bị biến dổi và kết nạp vào tín ngưỡng nông nghiệp. Tương truyền, đền Thượng trong khu di tích đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ và đền Thượng trên núi Tản (Ba Vì, Hà Nội) đều có một tảng đá hình vỏ trấu, chiều dài lên tới 2m. Hiện nay, tảng đá đó không còn nữa. Tảng đá thiêng đó là hình thức thờ cúng Mẹ Lúa của cư dân nông nghiệp. Sự tồn tại của tảng đá hình hạt thóc ở hai nơi (núi thiêng) như thế chứng tỏ sự tồn tại của một quan niệm mang tính phổ biến của dân gian. Đó là sự cầu mong mùa màng tươi tốt dựa vào sự thờ cúng vật thiêng.

Đặc biệt đá được sử dụng nhiều trong nghi lễ cúng hồn lúa ở một số dân tộc. Trong lễ cúng hồn lúa của người Kháng, người mẹ lúa “mạ lặm” cầm hòn đá thiêng chủ trì buổi lễ. Bà tắm rửa sạch sẽ, ra nương sớm. Bà vơ lấy 9 khóm lúa gần nhau, vít trĩu xuống lòng một chiếc mẹt, chặn hòn đá lên, vừa làm vừa lẩm bẩm: “Hồn lúa nhập vào đây, ở lại đây không được đi đâu”. Bà lại cắt sao cho được 9 cụm để trên mẹt dưới hòn đá thiêng. Lúc về, bà lượm một hòn đá trên nương thay cho “xêng lặm”. Hồn lúa được coi như đã thu vào trong một hòn đá thiêng “xêng lặm”, có tác động làm cho lúa sinh sôi nảy nở, giữ lại được ở trong nương không bay đi và tác dụng đến mùa sau.

Hòn Trống-Mái ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), biểu tượng của ý niệm phồn thực.

Hòn Trống-Mái ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), biểu tượng của ý niệm phồn thực.

Núi đá ở Việt Nam có nhiều biểu tượng có ý niệm phồn thực. Đó là hòn Trống Mái ở Sầm Sơn, Thanh Hoá, ở Hạ Long; hòn Vợ - hòn Chồng ở Khánh Hoà… Những nơi đó, hiện nay vẫn còn hình hai tảng đá xếp chồng lên nhau. Mỗi khi gió biển thổi, chúng lại phát ra những âm thanh rất lạ, như muốn kể lại cho mọi người về cây chuyện tình thắm thiết. Những tảng đá đó không có biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực nhưng lại có biểu hiện của “ý niệm phồn thực”.

Tín ngưỡng thờ đá còn được gắn một lớp văn hóa nữa, là tục thờ Thành Hoàng. Hai loại hình tín ngưỡng dân gian này cũng dễ dàng hòa nhập với nhau. Trong sự kết hợp đó, yếu tố thờ đá dần bị mờ đi, chỉ còn lớp bề mặt, là hình thức thờ Thành Hoàng hiện diện.

Nhóm người Mãng ở Tây Bắc Việt Nam lại có quan niệm đặc biệt về đá. Đá có khả năng ngăn chặn các linh hồn trở về cõi trần. Thần thoại của họ kể lại: Khi người đàn bà chết, chồng bà đưa cho bà cầm một khúc cây, khúc cây mục, bà lại trở về, hôi thối không chịu được. Ai Hễng (con trai của trời) bảo: Khi người chết ra đi, hãy đưa cho họ một hòn đá. Hòn đá không mục, người chết không về nữa. Vì thế ngày nay, khi chôn người chết, người Mãng cắm hai hòn đá, một ở chân mộ, một ở đầu mộ, để ma khỏi về.

Đọc thêm