Thương hiệu điêu khắc Non Nước với hơn ba thế kỷ thổi hồn vào đá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nằm ngay dưới chân thắng cảnh kỳ vĩ Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước nay là phường Hòa Hải đã tồn tại hơn ba trăm năm nay.
Nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.
Nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.

* Lạc vào xứ sở đá mỹ nghệ Ninh Vân

Bằng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo không ngừng, những người con làng Non Nước đã biến mỗi khối đá vô tri, vô giác trở thành từng tác phẩm nghệ thuật mang nặng giá trị văn hóa, tâm linh truyền thống.

Ông tổ nghề Huỳnh Bá Quát

Theo Thạc sĩ Hồ Tấn Tuấn, qua nguồn tư liệu nhân dân địa phương cho biết thì phường Hòa Hải quận Ngũ Hành Sơn hiện nay được hình thành từ các làng cũ như làng Quán Khái bao gồm 2 xóm nhỏ Quán Khái Tây và Quán Khái Đông… Những ngôi làng thành lập vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, một số ít làng có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ 16. Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận – Quảng bắt đầu xây dựng cơ sở cát cứ và thực hiện chính sách khai hoang lập làng. Gần đây qua tài liệu văn bia mới phát hiện cho biết danh xưng Quán Khái (làng Quán Khái), ra đời muộn nhất cũng vào nửa cuối thế kỷ XVIII, như văn bia chùa Phổ Khánh ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Văn bia được dựng vào năm Mậu Ngọ, Vĩnh Trị thứ 3 (tức thời vua Lê Huy Tông – 1678). Nội dung bia nói về nhân dân dân làng Ái Nghĩa cúng ruộng đất cho chùa, còn người thợ đá khắc bài văn trên bia, quê ở tại Quán Khái xã. Như vậy, lúc bấy giờ đã có thợ điêu khắc đá của làng Quán Khái đi vào Ái Nghĩa (nay thuộc huyện Đại Lộc) để khắc bia cho làng này, điều đó cũng cho thấy, ít ra thì làng Quán Khái đã thành lập trước đó một khoảng thời gian khá lâu rồi.

Khi tìm hiều về sự ra đời của làng nghề khắc đá truyền thống Quán Khái Đông, chúng tôi đã khảo sát và nghiên cứu về nguồn tư liệu văn bia viết bằng chữ Hán – Nôm, bởi đây là nguồn tư liệu quan trọng, vừa mang tính thời gian (niên đại), vừa phán ánh tính nghề nghiệp, liên quan trực tiếp đến lịch sử hình thành làng nghề điêu khắc đá.

Nghề điêu khắc đá Non Nước đòi hỏi người nghệ nhân phải có đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo không ngừng.Nghề điêu khắc đá Non Nước đòi hỏi người nghệ nhân phải có đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo không ngừng.

Thạc sĩ Hồ Tấn Tuấn và các đồng nghiệp của mình đã phát hiện ra dưới chân núi Mộc Sơn, làng Quán Khái có bia mộ tiền hiền tộc Huỳnh Bá (lập vào năm Bảo Đại), được chép lại từ nội dung của sắc phong có ghi “Thạch tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá tộc thủy khai” (nghề đá xã Quán Khái do ông Huỳnh Bá khai sinh đầu tiên), “Bổn xã Huỳnh Bá tộc phụng lập”. Văn bia này phù hợp với lời kể của các bậc cao niên của làng Quán Khái Đông ngày nay, xác định rõ người có công đem nghề đá cổ truyền từ Thanh Hóa vào vùng đất Quán Khái là cụ Huỳnh Bá Quát, đồng thời cũng là vị tiền hiền lập ra làng Quán Khái, mà hiện nay bia và mộ cụ vẫn còn tại làng Quán Khái Đông. Còn 36 sắc phong mà triều đình phong kiến lúc bấy giờ sắc tặng cho làng Quán Khái, rất tiếc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tất cả sắc phong, địa bạ của làng đã bị đốt cháy, cùng với đình làng Quán Khái.

Theo đó, tương truyền, có một gia đình từ Thanh Hóa, vào định an sở nghiệp dưới chân núi Non Nước vào nửa đầu thế kỷ 17. Gia đình có hai anh em sinh đôi, đều có tài về chọn vân đá, biết bắt những khối cẩm thạch bền vững quy thuận ý tưởng mình. Chỉ những cô gái tinh mắt trong làng mới phân biệt được hai con người giống nhau này. Nhưng nhìn vào sản phẩm của hai người, trong làng ai cũng nhận ra được đâu là của anh, đâu là của em. Bởi những gì người anh chế tác có thể lẫn giữa các sản phẩm của những thợ đá khác. Còn của người em thì không.

Người em không làm ra đồ gia dụng, cũng không tạc tượng bát tiên quá hải, phước lộc thọ quen thuộc. Sản phẩm của chàng khiến nhiều người thời bấy giờ bỡ ngỡ như con trâu trầm ngâm nhai cỏ, lão xẩm đánh đàn cò, thôn nữ mang giỏ hái dâu...

Một hôm, công sứ Pháp từ Hội An đánh xe thẳng đến làng đá với bức chân dung hoàng đế Pháp, đặt hàng với người em. Y muốn có một pho tượng hoàng đế nước Pháp bằng đá cẩm thạch và do nghệ nhân vùng đất y cai trị chế tác để làm quà biếu hoàng đế nhân lễ đại khánh... Chàng từ chối khéo với lý do chỉ tạc được những gì gần gũi, thân thiết trong khi hoàng đế nước Pháp đối với chàng quá xa lạ, không thể qua một bức ảnh làm nên pho tượng truyền thần được...

Biết chàng ngầm chống đối, viên công sứ ra lệnh bắt giam chờ sáng hôm sau xử tội. Y nghĩ ra một hình phạt nghiệt ngã dành cho gã nghệ nhân dám bất hợp tác: Cho ngựa chiến giẫm nát đôi bàn tay tài hoa của chàng, loại bỏ khả năng sáng tạo. Nhưng trong đêm ấy người anh đã bí mật đánh tráo thay cho người em, chịu nhục hình để giữ gìn đôi tay tài hoa của em, của làng đá... người em đó chính là Huỳnh Bá Quát, sau đã phát triển nghề khai thác đá thủ công, điêu khắc đá ở vùng này.

Người dân làm nghề đá Quán Khái Đông với bộ phận ra định cư tại làng Khuê Bắc đã lấy nghề đá làm nghề sinh sống chính, dần dần hình thành tại đây làng đá mỹ nghệ, gọi là làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Hằng năm, thợ điêu khắc đá Non Nước vẫn tổ chức lễ tế ra nghề vào ngày mùng sáu tháng Giêng để cúng Tổ nghề và cầu xin sự phù trợ cho một năm mới. Lễ giỗ Tổ nghề được tổ chức vào ngày mười sáu tháng Ba, cũng là lễ hội chung của dân làng.

Nghề “hô biến” đá vô tri thành “vàng”

Cũng như nhiều làng xã Việt Nam thời kỳ đó, dân Quán Khái thuở mới lập làng quanh năm cũng chỉ biết bám vào đồng ruộng, việc mưu sinh gian khổ. Nhưng từ ngày có nghề điêu khắc đá, những ngày mưa gió hay việc đồng áng rảnh rỗi, người dân dưới chân núi Ngũ Hành Sơn lại mang vác đồ nghề ra đục đẽo. Những tác phẩm của người dân ban đầu chỉ là các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và chỉ vẽ cho con cháu cái nghề cha ông, tổ tiên.

Bởi chỉ được coi là nghề phụ nên việc điêu khắc đá phổ biến trong phạm vi gia đình, với tính chất cha truyền con nói. Cả làng những thời kỳ đầu chỉ có khoảng 5 – 6 gia đình làm nghề. Do kinh tế tự cấp, việc giao lưu buôn bán chưa phát triển, nên người dân Quán Khái quanh năm chỉ làm ra những vật dụng như bia mộ, bia ký, cối giã, chì lười và các dụng cụ phụ vụ cho trồng trọt trong nông nghiệp…

Sang thế kỷ XVIII, khi có sự chia tách làng, thì chỉ người dân làng Quán Khái Đông còn giữ nghiệp cổ truyền, tiếp tục làm nghề điêu khắc đá. Họ sang phía Hỏa Sơn che lều trại để khai thác đá núi và đẽo gọt thành các sản phẩm phụ vụ cho nhu cầu của nhân dân địa phương.

Đầu thế kỷ XX, khi nghề đá làng Quán Khái Đông có phát triển khá hơn, cả làng lúc này có khoảng 10 đến 15 gia đình làm nghề, tập trung chủ yếu ở xóm Trung, sau đó là xóm Tây và xóm Phước Hải, nhưng loại hình sản phẩm vẫn chưa có sự đột biến gì lớn, chủ yếu vẫn là các sản phẩm dân dụng. Thế rồi trong những thập niên tiếp theo, triều đình nhà Nguyễn tổ chức tuyển lính thợ để phục vụ cho việc xây lăng tẩm, cung điện ở kinh đô Phú Xuân, trong số đó có người thợ đá Quán Khái Đông, tên là Huỳnh Bá Triêm (còn gọi là ông Cửu Đàn).

Du khách nước ngoài tới thăm làng nghề điêu khắc đá Non Nước

Du khách nước ngoài tới thăm làng nghề điêu khắc đá Non Nước

Trong thời gian làm việc tại kinh đô, ông để ý thấy những người thợ đá khắc chạm nhiều bộ ấm trà rất đẹp. Với tư chất thông minh, ham học hỏi, ông đã xem xét cặn kẽ cách chế tác. Khi mãn hạn lính, ông trở về làng và nghiên cứu chế tác thành công bộ ấm chén, khay trà vân đỏ, mở đường cho việc làm đồ đá mỹ nghệ, với kỹ thuật chế tác nhẹ nhàng, ít tốn nguyên liệu mà sản phẩm lại đẹp, đa dạng về loại hình. Từ đây, người thợ đá Quán Khái Đông đã tỏa ra, đi làm tại nhiều địa phương khác.

Công cụ sản xuất của nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay bao gồm cả công cụ thủ công và máy cơ giới. Về công cụ thủ công người thợ hiện vẫn dùng các công cụ như búa tạ, xà beng để khai thác đá; con vọt, con chạm để bóc tách các lớp đá; mũi xó (loại dùng để tách đá, loại dùng đục phác thảo); mũi bạt để chặt đường thẳng hay cạnh góc vuông; mũi ve để tạo các chi tiết trên sản phẩm, như khắc chữ, trang trí hoa văn; mũi ngô để tạo các đường lượn tròn trên sản phẩm khi tạo chi tiết trang trí; thước đo; cưa xẻ đá và cưa cắt vòng; khoan để khoan các lỗ nhỏ, eo hiểm; bàn mài làm bóng và nổi màu sắc cho sản phẩm.

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trong một số công đoạn sản xuất, người thợ đá Non Nước đã bắt đầu sử dụng máy cơ khí hiện đại. Hiện nay, máy móc thay thế hoạt động thủ công ngày càng nhiều. Ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm. Các thiết bị máy móc hiện đại được sử dụng trong nghề điêu khắc đá Non Nước hiện nay đa số được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan, Đức, như: tời kéo tự động, máy cắt của tời kéo, palăng, máy cắt, máy tiện, khoan cầm tay...

Trước kia, đá nguyên liệu thường được khai thác tại chỗ là núi đá Ngũ Hành Sơn, chủ yếu là đá cẩm thạch, có nhiều màu sắc, hoa văn đẹp như màu đỏ, đen, trắng, kết cấu mịn, mềm, dễ đục. Công việc khai thác đá rất vất vả, đòi hỏi người khai thác phải có sức khỏe và kinh nghiệm để chọn được loại đá thích hợp cho việc chế tác sản phẩm.

Người chuyên lấy đá được gọi là “ông Võ”, thường là những cụ già, có nhiều kinh nghiệm và bí quyết nhà nghề, dẫn theo đội thanh niên khỏe mạnh vào núi lấy đá. Việc đầu tiên là tìm mạch đá để khai thác, chọn hướng khai thác hầm theo mạch đá. Ông Võ dùng cây tựa (bằng sắt dài 60 -70cm, một đầu dẹt, một đầu uốn cong) để tìm thớ đá, sau đó, thợ khai thác dùng các công cụ tách đá rồi chẻ thành những tảng nhỏ phù hợp với yêu cầu sử dụng. Với kinh nghiệm làm nghề, người thợ giỏi còn có thể biết được đá mềm hay cứng, có thể tạo ra loại sản phẩm gì qua tiếng kêu của đá.

Có sự ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Chăm – pa từ Thánh địa Mỹ Sơn, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được xem là sự giao thoa hài hòa giữa hai nền văn hóa Việt cổ và Chăm – pa. Chính điều này đã đem đến một dòng chảy phong phú về hình tượng nghệ thuật cũng như sự sáng tạo trong từng sản phẩm của nghề điêu khắc đá Non Nước và làm cho sản phẩm được tạo ra có thể tồn tại mãi với sức sống của thời gian.

Sản phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đa dạng về loại hình, phong phú về màu sắc, kích cỡ, chủng loại. Những sản phẩm có truyền thống lâu đời, gắn liền với sự phát triển của nghề chủ yếu có các loại sau: Sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt, như ấm chén, bát đĩa, bình cắm hoa, chân cột...; Sản phẩm phục vụ đời sống tín ngưỡng, như bia mộ, tượng...

Những tác phẩm khắc đá Non Nước đều vô cùng tinh xảo, đáp ứng thị hiếu thị trường.

Những tác phẩm khắc đá Non Nước đều vô cùng tinh xảo, đáp ứng thị hiếu thị trường.

Anh Huỳnh Văn Trung (40 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) cho biết, mỗi sản phẩm không chỉ được tạo ra đơn thuần bằng cách đục đẽo, mài gọt bởi đôi bàn tay khéo léo từ người nghệ nhân mà còn được thổi hồn vào trong đó từ chính tình cảm của người làm nghề.

Lớn lên trong tiếng đập đá, đẽo gọt, mài dũi của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Năm 11 tuổi, anh tranh thủ sau giờ học để tập tành đẽo đá, tạc tượng nhỏ và đem chào bán khắp các quầy hàng đồ mỹ nghệ trong làng để mưu sinh. Gần đây, do nguồn nguyên liệu tại chỗ ngày càng cạn kiệt. Từ năm 1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra quyết định không cho phép khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn nữa, thợ làng nghề phải nhập đá từ các nơi khác về. Mặc dù những người thợ không còn tự khai thác đá tại Ngũ Hành Sơn nhưng những kinh nghiệm chọn đá, chẻ đá, tách đá vẫn được ứng dụng trong làm nghề.

Khi có nguyên liệu, thợ điêu khắc đá sẽ tạo hình sản phẩm ở dạng thô. Đó là công đoạn ra phôi, công việc của “ông Văn”. Quá trình ra phôi được thực hiện bài bản, như: tìm mặt phẳng để tạo chân đế, xác định điểm chuẩn tạo hình. Khi xác định được mặt phẳng và các điểm, thợ đá tiến hành vẽ phác thảo trên giấy, sau đó vẽ lên mặt đá hoặc in trực tiếp lên tảng đá. Với những sản phẩm khó, có giá trị nghệ thuật cao, người thợ phải vẽ phác thảo và làm phôi bằng đất sét trước, khi đạt yêu cầu họ mới làm chính thức. Theo bản vẽ phác thảo, người thợ tiến hành đục phôi, tạo hình sản phẩm.

Khi phôi hoàn thành, người thợ sẽ làm các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm, như: chạm hình nét, trang trí hoa văn, mài, đánh bóng sản phẩm. Công đoạn mài, rửa, đánh bóng bằng tay thường do thợ phụ làm, đa số là phụ nữ. Với người thợ, ở công đoạn này, việc quan trọng nhất là chạm hình nét và trang trí. Công đoạn thực hiện chi tiết thể hiện kỹ thuật chạm khắc đá và đôi tay vàng của người thợ. Ngoài quy trình chung cho tất cả các sản phẩm, thì mỗi loại sản phẩm lại có yêu cầu kỹ thuật cụ thể.

Để sản phẩm có màu sắc đẹp, đôi khi người thợ phải nhuộm đá bằng phẩm màu kết hợp với bã chè xanh, xi đánh giầy màu nâu, màu chàm... Bí quyết để có màu đẹp phụ thuộc vào việc pha màu, tạo nhiệt độ và dùng độ đậm nhạt của màu. Sản phẩm hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn, nhờ bàn tay tài năng, kinh nghiệm của người thợ.

Không ngừng gìn giữ, không ngừng phát triển

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, hợp tác xã đá mỹ nghệ Non Nước được thành lập và hoạt động với 130 hộ xã viên, trong đó thợ điêu khắc có 150 người, còn lại hầu hết là lao động phổ thông. Sản phẩm lúc bấy giờ chủ yếu là vật liệu xây dựng, nguyên liệu khai thác tại chỗ, sản xuất theo kinh nghiệp truyền thống. Các sản phẩm mỹ nghệ lúc đó có kích thước nhỏ ngọn, số lượng chưa nhiều, chủ yếu là hàng lưu niệm cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Trong qua trình chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường, Hợp tác xã mỹ nghệ Non Nước do không chuyển đổi kịp với cơ chế mới nên thua lỗ và giải thể. Một số hộ kinh doanh cá thể do nhạy bén và thích nghi với cơ chế mới nên phát triển mạnh cả về quy mô sản xuất lẫn cơ cấu mặt hàng. Các sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ, không những trong nước mà con ở cả nước ngoài như Đài Loan, Hồng Kông, Pháp, Úc… Rất nhiều thương gia hoặc khách du lịch từ nước ngoài đã đến ký hợp đồng đặt mua các sản phẩm ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, trong đó có có những hợp đồng trị giá hàng trăm ngàn USD.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước ngày nay là bước tiếp nối của làng nghề điêu khắc đá truyền thống Quán Khái Đông xưa, hiện phân bố dọc theo các tuyến đường chính của phường Hòa Hải như đường Lê Văn Hiến, đường Huyền Trân Công Chúa, đường 538, trên diện tích gần 3 km2. Hiện làng nghề này có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, tập trung xung quanh khu vực dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn với gần 4.000 lao động, chiếm gần 80% hộ dân cư tại phường Hòa Hải.

Hằng năm, thợ điêu khắc đá ở Non Nước sản xuất được khoảng trên 80.000 sản phẩm các loại phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và du khách đến tham quan. Nghề điêu khắc đá đã mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập ổn định. Người thợ điêu khắc đá ngoài việc hành nghề còn trao truyền cho lớp kế cận. Theo truyền thống, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, truyền nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc. Ngày nay, tính chất gia truyền này được nới lỏng do sự mở rộng phạm vi hoạt động của nghề và đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn lao động có trình độ cao.

Tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nhiều gia đình có tới bảy tám thế hệ làm nghề điêu khắc đá. Khách tham quan từ nhiều nước đến đây đều ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân điêu khắc và những sản phẩm độc đáo của họ. Ngoài những sản phẩm lưu niệm, nếu khách hàng muốn đặt mua những sản phẩm có trọng lượng lớn, cỡ kích to thì tùy theo thỏa thuận giữa người mua và người bán kèm với địa chỉ của khách hàng, sản phẩm sẽ được bên bán đóng kiện cẩn thận và gửi theo đường biển đến tận nơi cho khách hàng.

Đọc thêm