Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những điểm sáng của Việt Nam được các nước trên thế giới ghi nhận và rất nhiều những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy là chúng ta đã đi đúng hướng và đem lại niềm tin của người dân vào đường lối quan điểm chỉ đạo của đảng. Chúng ta cũng là 1 trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Tất nhiên là trong 5 năm qua trong quá trình triển khai thực hiện thì chúng ta cũng có những lúng túng nhất định nhưng điều đáng mừng là trong chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội lần này đã cố gắng khắc phục những tồn tại của 5 năm qua và đặt ra những giải pháp để chúng ta hướng tới giải quyết giảm nghèo đa chiều một cách thực chất hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. |
Đại biểu đề xuất, cần phải tiếp cận theo tư duy chuyển những người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể và phải quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ, nhóm hộ và coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo. Bởi sự đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi là một hướng chúng ta cần phải tiếp cận cho vấn đề giảm nghèo.
Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, về chính sách, về nguồn lực và hướng dẫn còn bản thân người nghèo hộ nghèo thì phải cố gắng vươn lên và phải làm sao các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo.
Trong thiết kế chính sách, Đại biểu Hoa mong muốn là cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo bởi hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là nhóm có ranh giới rất mong manh, có thể chuyển sang hộ nghèo bất cứ lúc nào. Cùng với điều này thì cần quan tâm hơn tới những hộ không phải là hộ nghèo nhưng sống trong cùng khu vực với các hộ nghèo, trong địa bàn nghèo bằng những chính sách cụ thể để họ có thể trở thành những hạt nhân hỗ trợ cho những hộ nghèo xung quanh và liên kết cùng các hộ nghèo để đưa cộng đồng thoát nghèo.
Bà Hoa cũng kiến nghị, cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người. Thực tế trong giai đoạn 2016-2020, theo số liệu thống kê đã có thì chúng ta dành vốn đầu tư khoảng 74% và vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với quan điểm là phát triển kinh tế - xã hội vùng nghèo thì hạ tầng phải đi trước một bước.
Đây là quan điểm đúng nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo chưa đạt mục tiêu mong muốn. Vì vậy, điều quan trọng hơn là phải thiết kế được những chính sách mềm, phải dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân, trong đó cần đầu tư cho sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, sinh kế cho người dân.
Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) quan niệm, thời gian tới giảm nghèo rất khó khăn vì những người nghèo, hộ nghèo còn lại hiện nay tuy không nhiều nhưng thuộc vùng lõi nghèo, rất khó có điều kiện để thoát nghèo. Từ đó, Đại biểu đề nghị tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực lõi nghèo này, phân loại các chính sách giảm nghèo thành 3 nhóm: hộ nghèo có khả năng thoát nghèo; hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo (không có khả năng lao động, đưa vào đối tượng bảo trợ xã hội) và hộ không muốn thoát nghèo (cần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại).
Đồng thời, quan tâm tập trung cho 3 dự án lớn là đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở. Trong đó, ưu tiên lưu ý giáo dục nghề nghiệp phải gắn với việc làm tại chỗ.
Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Đại biểu Quốc hội Điện Biên). |
Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Đại biểu Quốc hội Điện Biên) nhận thấy chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững và tỷ lệ tái nghèo còn cao, nhất là ở vùng miền núi phía Bắc. Do vậy, ông kiến nghị tích hợp nguồn lực 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025 ở những địa phương đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cũng cần đầu tư nguồn lực cho các vùng này để dẫn dắt các nguồn đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, tránh tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, gây lãng phí. Cùng với đó, cần có cơ chế đặc biệt, đặc thù cho phép các địa phương chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động kêu gọi thu hút đầu tư theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho rằng, việc đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cần thể hiện thêm nội dung khát vọng làm giàu bằng việc khích lệ, khơi dậy mục đích, động cơ của mỗi gia đình, làm giàu chính đáng qua truyền thống dòng họ, qua tình làng nghĩa xóm. Ông cũng đề nghị, trong hỗ trợ sản xuất đối với lĩnh vực nông nghiệp thì cần cụ thể việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vì người dân không có nhiều mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với thị trường...