Các đại biểu tham gia hội thảo đều nhất trí đánh giá, kể từ khi gia nhập Liên nghị viện các nước ASEAN (tháng 9-2005), Quốc hội Việt Nam cùng với ngoại giao Chính phủ và ngoại giao nhân dân, ngoại giao nghị viện góp phần quan trọng vào mặt trận ngoại giao đa phương, song phương, tạo dấu ấn riêng của Việt Nam và góp phần nâng cao hình ảnh cũng như vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Quốc hội có nhiều sáng kiến đóng góp xây dựng liên minh nghị viện các nước ASEAN, hướng tới hình thành và phát triển cộng đồng ASEAN. Vấn đề này cần được phát huy trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch ASEAN.
Đa số các ý kiến cho rằng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội nên tập trung vào lĩnh vực lập pháp, song ở những thời điểm nhất định, nên tập trung vào các lĩnh vực như chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội, văn hóa, môi trường, khoa học-công nghệ, y tế… Vai trò của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định với mối quan hệ đối ngoại giữa Quốc hội nước ta với các nước Đông Nam Á. Do đó, cần nâng cao năng lực, trình độ và tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, quan tâm dến các điều kiện bảo đảm hoạt động đối ngoại như đội ngũ tham mưu, kinh phí… Cần tập trung đa dạng hóa các nội dung và hình thức tuyên truyền trong nhân dân về khối ASEAN và AIPA…
Một số đại biểu đề nghị Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á cần tập trung, xem xét, thảo luận và có nghị quyết về vấn đề biển đảo trong khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác lâu dài./.