Hướng tới kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Rồng lửa” trên vùng trời Tổ quốc (kỳ cuối)

Trở về thành phố Cảng sau 5 năm chiến đấu tại chiến trường khu 4, trung đoàn tên lửa 238 hiệp đồng với các lực lượng phòng không tạo thành lưới lửa đập tan cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ.

Chiến sĩ Trung đoàn 238 (sư đoàn 363) trực chiến Ảnh: Hoàng Phước

Chiến sĩ Trung đoàn 238 (sư đoàn 363) trực chiến

Ảnh: Hoàng Phước

Trở về thành phố Cảng sau 5 năm chiến đấu tại chiến trường khu 4, trung đoàn tên lửa 238 hiệp đồng với các lực lượng phòng không tạo thành lưới lửa đập tan cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ. Trong cuộc chiến 12 ngày đêm năm 1972 bảo vệ thành phố, trung đoàn 238 là đơn vị bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên và chiếc cuối cùng trên vùng trời Hải Phòng.

 

Đập tan “chiến tranh phá hoại” lần thứ 2,  bảo vệ vững chắc thành phố Cảng

 

Tháng 7-1971, trung đoàn tên lửa 238 rời chiến trường khu 4 hành quân ra Bắc, biên chế vào sư đoàn phòng không 363 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực Hải Phòng. Do tính chất quan trọng của yếu địa Hải Phòng nên đế quốc Mỹ đặc biệt “ưu tiên” đánh phá thành phố Cảng. Trước tình hình đó, Quân chủng Phòng không- Không quân giao nhiệm vụ cho các đơn vị phòng không: có máy bay địch xâm phạm Hải Phòng là phải chiến đấu và chiến thắng. Ông Đoàn Mạnh Dũng, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 238 nhớ lại: “Nhận nhiệm vụ đánh máy bay địch bảo vệ Hải Phòng là nhiệm vụ rất nặng nề đối với các đơn vị phòng không. Nếu như bầu trời Hà Nội được bảo vệ bởi rất nhiều các lưới lửa phòng không thì Hải Phòng do có địa thế giáp biển nên rất thuận lợi cho các tốp máy bay địch bay vào bắn phá, đồng thời gây khó khăn cho lực lượng phòng không của ta. Những tốp máy bay địch, được hộ tống bởi hệ thống phát nhiễu bay vào Hải Phòng rải bom rồi nhanh chóng vòng ra biển tẩu thoát. Trước tình hình đó, chúng tôi phải nghiên cứu các cách đánh mới, có khi kéo tên lửa ra sát bãi biển, xây dựng trận địa đánh địch”.

 

Tháng 3-1972, do thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam , đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt miền Bắc, tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Đêm 16-4, địch huy động 164 lần chiếc máy bay cường kích trong đó có 9 chiếc B52 chia làm 3 đợt tấn công Hải Phòng. Mục tiêu đánh phá của địch nhằm vào kho xăng dầu Thượng Lý, Nhà máy Xi măng Hải Phòng và các khu dân cư trong thành phố. Ngay lập tức các tiểu đoàn tên lửa của trung đoàn 238 cùng các đơn vị bạn đồng loạt khai hỏa mãnh liệt. Tiểu đoàn 81, trung đoàn 238 ở trận địa Minh Kha (An Dương), ngay từ quả tên lửa đầu tiên đã bắn rơi 1 chiếc B52. Tới chiều, tiểu đoàn lại bắn rơi 1 máy bay không người lái tầng thấp 174F xuống nông trường An Hải.

 

Tiếp tục phát huy thành tích, ngày 24-5-1972 cả 2 tiểu đoàn 81 và 82 của trung đoàn 238 đều lập công. Ở trận địa Minh Kha, lúc 8 giờ sáng, tiểu đoàn 81 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Phan Minh Châu bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F8 ở Kinh Môn (Hải Dương). Tiếp đó, lúc 20 giờ, tiểu đoàn lại phóng 1 quả đạn tiêu diệt 1 máy bay F4 tại Cầu Rào. Với chiến công này, tiểu đoàn 81 trở thành đơn vị dẫn đầu sư đoàn 363 về thành tích bắn rơi tại chỗ máy bay địch tại Hải Phòng.

 

Đến tháng 12-1972, tình hình chiến sự trên chiến trường miền Bắc bắt đầu vào giai đoạn gay cấn. Ngày 17-12-1972, đế quốc Mỹ phong tỏa Cảng Hải Phòng, cho máy bay của hải quân thả ngư lôi ngoài cửa Nam Triệu và bắn tên lửa vào kho xăng dầu Thượng Lý. Cùng với các đơn vị phòng không, trung đoàn 238 vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng đánh địch.

 

Ngày 18-12-1972, chiến dịch  bắn phá 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ bắt đầu với việc huy động 90 lần chiếc B52 và 163 lần chiếc máy bay chiến thuật tập kích vào Hà Nội và Hải Phòng. Tại Hải Phòng, suốt đêm 18-12, hàng chục lần máy bay chiến thuật Mỹ liên tục đánh phá các mục tiêu trong thành phố như Cảng Hải Phòng, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An cùng các trận địa pháo phòng không, tên lửa. Đêm 19-12-1972, tiểu đoàn 81 từ trận địa Minh Kha phóng đạn bắn rơi 1 máy bay F-4 ở cửa sông Văn Úc. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị lực lượng tên lửa bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ thành phố Cảng.

 

Trong cuộc đọ sức quyết liệt của quân và dân Hải Phòng suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, trung đoàn tên lửa 238 đóng góp tích cực vào hỏa lực tầng cao đánh B52 trên bầu trời thành phố Cảng, bắn rơi 5 máy bay trong đó có 2 chiếc B52. 22 giờ 36 đêm 26-12-1972, trung đoàn tên lửa 238 đánh trận cuối trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ thành phố. Một tốp máy bay địch liên tiếp gây nhiễu, phóng bom đạn vào trận địa An Hồng (An Dương) của tiểu đoàn 81. Mặc dù bị đánh phá ác liệt, các chiến sĩ tiểu đoàn bình tĩnh chọn đúng dải nhiễu B52, phóng 2 quả đạn tiêu diệt 1 máy bay B52. Chiếc B52 như một bó đuốc khổng lồ lao xuống biển là chiếc máy bay cuối cùng của đế quốc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời thành phố Cảng. Năm 1972, trung đoàn 238 có hiệu suất bắn rơi máy bay chiến đấu cao nhất của Sư đoàn Phòng không 363 với 28 chiếc bị bắn hạ, trong đó có chiếc thứ 300 trên bầu trời Hải Phòng, chiếc thứ 3.800 trên bầu trời miền Bắc. Uy thế của không quân chiến lược Mỹ bị đập tan, cuồng vọng về trận thắng quyết định bằng không quân trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng của đế quốc Mỹ thất bại thảm hại, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri (Pháp), chấm dứt chiến tranh tại miền Bắc.

 

45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trung đoàn tên lửa 238 cơ động, chiến đấu qua 18 tỉnh, thành phố trong nước và 2 tỉnh của nước bạn Lào, bắn rơi 157 máy bay các loại trong đó có 9 chiếc B52. Trung đoàn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng 8 Huân chương Quân công, 89 Huân chương Chiến công. 394 anh hùng liệt sĩ của trung đoàn đã nằm lại tại các chiến trường góp phần làm nên truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Mấy chục năm qua, sự yên bình trở lại trên bầu trời cả nước. Ngày nay, trong nhịp sống của thành phố, không nhiều người biết tới công việc của các chiến sĩ Đoàn tên lửa 238, Sư đoàn phòng không 363. Tại các doanh trại, các trận địa phòng không, những màn hình ra đa không ngừng quan sát bầu trời, những tên lửa của trung đoàn cùng với các đơn vị bạn như những con rồng luôn thường trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm bầu trời vùng Đông Bắc của  Tổ quốc không bị, bất ngờ với các tình huống.

 

Việt Hòa

Đọc thêm