Hướng tới một xã hội “sống theo pháp luật”

Ra đời từ “cái khó” của công tác PBGDPL, nhưng “Ngày pháp luật” ngày càng thu hút được sự hưởng ứng tích cực, có tính lan tỏa và tác động đến nhận thức pháp luật của toàn xã hội, nhất là các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Ra đời từ “cái khó” của công tác PBGDPL, nhưng “Ngày pháp luật” ngày càng thu hút được sự hưởng ứng tích cực, có tính lan tỏa và tác động đến nhận thức pháp luật của toàn xã hội, nhất là các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

b
Hình thức tổ chức Ngày pháp luật đa dạng ở mỗi địa phương

“Trăm hoa đua nở”

Phải mất 2 năm để ý tưởng “Ngày pháp luật” trở thành một mô hình PBGDPL được áp dụng trên toàn quốc (năm 2010) và suốt 2 năm qua, mô hình “Ngày pháp luật” được các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chủ động triển khai theo điều kiện cụ thể của mình, chủ yếu là dành ít nhất 1 ngày/tháng để phổ biến pháp luật và trao đổi vướng mắc trong việc thực thi pháp luật. Và trước khi Luật PBGDPL với qui định về “Ngày pháp luật” có hiệu lực (1/1/2013), “Ngày pháp luật” đã được triển khai tại nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể và địa phương.

Là một mô hình mới trong công tác PBGDPL nhưng “Ngày pháp luật” đã được tổ chức rất khác so với những hoạt động PBGDPL đang được thực hiện.

    Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

“Ngày pháp luật” có ý nghĩa quan trọng

- Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công tác PBGDPL cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của toàn xã hội. Trong đó dành một ngày trong năm để tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội có ý nghĩa quan trọng để đổi mới công tác PBGDPL của chúng ta.

Có thể kể đến những cách tổ chức “ngày pháp luật” đang được đánh giá cao như mô hình lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong “ngày pháp luật” với các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần của học sinh, sinh viên ở TP.Đà Nẵng; biên soạn tài liệu sinh hoạt “ngày pháp luật” hàng tháng (15.300 quyển/tháng) phát đến tận các tổ nhân dân tự quản  từ tỉnh đến cơ sở ở Tiền Giang; tổ chức sinh hoạt “ngày pháp luật” (30 phút) sau khi chào cờ vào sáng thứ hai tuần đầu của tháng tại các cơ quan, đơn vị ở Lâm Đồng ; Ngày pháp luật trong các cơ quan đơn vị ở Hà Nội; Hay như “Ngày pháp luật tài chính” của Bộ Tài chính góp phần xây dựng văn hóa công sở, đạo đức nghề nghiệp, ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức…

Phải giải quyết vấn đề nhân lực, vật lực

“Ngày pháp luật” đã khẳng định được ví trí trong xã hội nhưng vẫn có một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định về “ngày pháp luật” vì lo ngại “tổ chức tốn kém, không hiệu quả”. Song từ thực tế tổ chức “ngày pháp luật” theo kinh nghiệm của nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Quốc phòng thì cần “chủ động, sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn với đặc thù của cơ quan, đơn vị” để tránh tính hình thức.

Còn theo “bí quyết” của Sở Tư pháp tỉnh Long An, “ngày pháp luật” không được “rập khuôn” với bất kỳ hình thức PBGDPL nào, phải có sự lựa chọn các qui định, không dàn trải nhiều qui định, nội dung, mà thật gần gũi, cụ thể, liên quan trực tiếp đến nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, công chức. Và chú trọng phát triển các hình thức như sân khấu hóa, lồng ghép PBGDPL với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chuyên môn, với các cuộc vận động, phong trào thi đua, các ngày lễ kỷ niệm,... cũng là giải pháp được nhiều địa phương, Bộ, ngành coi là “cây gậy thần” để “ngày pháp luật” thực sự là có ý nghĩa.

Nhưng thực tế triển khai sinh hoạt “ngày pháp luật” thời gian qua chưa hoàn toàn thuận lợi vì những bất cập trong vấn đề nhận thức của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, triển khai, là vấn đề kinh phí và nhân lực cho thực hiện “ngày pháp luật” (vốn dĩ vẫn rất eo hẹp). Ông Lê Quang Bích (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang) nhấn mạnh “nếu không hiểu sâu sắc về pháp luật thì có thể tuyên truyền, tư vấn sai, dẫn đến khiếu kiện” nên phải liên tục mở lớp đào tạo cho tuyên truyền viên pháp luật để họ cập nhật, bổ sung kiến thức bởi “trình độ cán bộ ở địa phương như các tỉnh miền núi đều “chắp vá”, lại ít người, mỗi xã có 1 cán bộ tư pháp, chủ yếu tuyên truyền bằng cách đọc tài liệu và kinh nghiệm cá nhân”. Vì thế, ngoài tăng cường vai trò lãnh đạo, phối hợp của các cấp, các ngành, hoàn thiện thể chế thì có một nguồn kinh riêng hoặc được bố trí kịp thời, tăng cường đội ngũ cán bộ sẽ là những giải pháp hữu hiệu để hoạt động PBGDPL nói chung và “ngày pháp luật” nói riêng không sa vào “hố” hình thức, mà thực sự phát huy vai trò đưa pháp luật và cuộc sống đến với nhau./.

Hải Nhật

Đọc thêm