Hướng tới tăng trưởng phúc lợi và thịnh vượng kinh tế

(PLO) - Hôm qua (5/10), Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga tổ chức họp báo chung để thông tin về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EAEU và Việt Nam chính thức có hiệu lực cùng ngày.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ hội tiếp cận thị trường gần 2,2 ngàn tỷ USD

Phát biểu tại họp báo, Đại sứ (ĐS) Nga tại Việt Nam - ông K.V.Vnukov  cho biết, FTA giữa EAEU và Việt Nam nhằm mục tiêu không chỉ gia tăng khối lượng thương mại mà còn tạo những điều kiện thuận lợi cho đầu tư, công nghệ, sử dụng nguồn nhân lực có chuyên môn bằng cách tự do hóa thuế xuất thương mại hàng hóa giữa các nước, bao gồm các thành viên EAEU và Việt Nam.

Trên cơ sở tương hỗ, 2 bên sẽ giảm hoặc “đưa về 0” gần 90% mức thuế xuất hải quan nhập khẩu ngay sau khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực (59%) hoặc thông qua các giai đoạn chuyển tiếp (30%) đối với đa số các dòng hàng hóa (tổng cộng gần 10.000 mặt hàng).

Ngoài ra, Hiệp định cũng quy định việc bảo vệ các quyền đối với những đối tượng của sở hữu trí tuệ, xác định các hướng đi trong hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử và mua sắm chính phủ, thiết lập các nguyên tắc thống nhất về bảo vệ cạnh tranh, quy cách hóa các thủ tục hải quan.

“Như vậy, kết quả của việc khởi động cơ chế này là Việt Nam sẽ có được quyền tiếp cận có tính ưu đãi đối với một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng với tổng GDP là gần 2,2 ngàn tỷ USD và bao gồm gần 183 triệu người tiêu dùng. EAEU về phần mình sẽ có thể xúc tiến các sản phẩm của mình vào Việt Nam” – ĐS Vnukov thông tin.

Theo ĐS Belarus tại Việt Nam Goshin V.A. Belarus, khi Hiệp định có hiệu lực, khối lượng nhập khẩu hàng hóa có chất lượng của Việt Nam sang thị trường Belarus và các nước trong EAEU sẽ tăng lên, bao gồm những mặt hàng được miễn thuế hải quan như cá, hải sản, gạo, cao su, chè, cà phê, gia vị, quần áo…

Kim ngạch dự kiến sẽ tăng 10 tỷ USD

Cho biết tại họp báo, ĐS Armenia tại Vardanyan R. G. nhấn mạnh cần chú ý đến việc thực hiện thành công Hiệp định, tức thâm nhập vào bản chất của các cơ chế nội bộ, nguyên tắc hoạt động và đáp ứng kịp thời với những ưu tiên quan trọng, như giảm tệ quan liêu, số lượng giấy phép và các văn bản khác. 

Cũng theo ĐS Vardanyan R. G, việc ủng hộ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước cũng là một hướng quan trọng. Theo vị ĐS này, nếu thực hiện được các điều kiện trên, Việt Nam và EAEU sẽ đạt được mục tiêu chung là tăng trưởng phúc lợi và sự thịnh vượng kinh tế của người dân 2 bên. Kim ngạch dự kiến trong khu vực thương mại tự do giữa EAEU và Việt Nam sẽ tăng lên 10 tỷ USD trong những năm tới.

Còn ĐS Kazakhstan tại Việt Nam Beketzhan Zhumahanov - nước chủ toạ EAEU – thông báo, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông hồi tuần trước, ông đã đề xuất ký kết các thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa lãnh đạo hai công ty đường sắt Kazakhstan và Việt Nam để thúc đẩy việc thực thi hiệp định.

Bên lề họp báo, ông Lê Thế Mẫu - chuyên gia phân tích chính trị quốc tế - nhấn mạnh những điểm thuận lợi của Hiệp định Thương mại tự do này và  chỉ ra một số rào cản trong quá trình thực thi Hiệp định mà hệ thống ngân hàng của Việt Nam và các nước này có nhiều điểm bất cập, chưa hòa nhập với nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường và một số thành viên thuộc EAEU cũng vậy. Ngoài ra, Việt Nam và các đối tác cũng chưa có nhiều thông tin về thị trường của nhau nên cần khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.

Đọc thêm