Hưởng ứng tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Thanh bảo kiếm” sắc bén và “lá chắn” vững chắc để bảo vệ Tổ quốc

(PLVN) - Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sau khi khẳng định ưu điểm, thành tựu, đóng góp, chỉ ra hạn chế, khuyết điểm của các cơ quan nội chính trong những năm qua, Tổng Bí thư khẳng định và nêu luận điểm, cũng là giao nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu của các cơ quan nội chính trong những năm tới: Các cơ quan nội chính phải thực sự là những “thanh bảo kiếm” sắc bén và “lá chắn” vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội.
Nội dung xuyên suốt 29 bài viết trong cuốn sách là sự phân tích biện chứng, lý giải thấu đáo những câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thành tựu quan trọng và đóng góp to lớn của các cơ quan nội chính trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội

Cuốn sách “Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cơ quan nội chính đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, để lại nhiều dấu ấn nổi bật:

Một là, các cơ quan nội chính đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Hai là, thực hiện tốt vai trò là nòng cốt trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước.

Ba là, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tăng cường, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân.

Bốn là, tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời là lực lượng chủ công trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Năm là, tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính được củng cố, kiện toàn; quan hệ phối hợp ngày càng tốt hơn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cuốn sách nhấn mạnh, các cơ quan nội chính là nòng cốt, lá chắn vững chắc trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, đất nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, nghiêm trọng, vai trò nòng cốt, lá chắn vững chắc của các cơ quan nội chính đã được phát huy cao độ; góp phần vào thành công của các sự kiện chính trị lớn của đất nước; đẩy lùi dịch bệnh; kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng; kiểm soát và ngăn chặn tham nhũng và nhiều suy thoái, tiêu cực khác. Những đóng góp to lớn đó, góp phần quan trọng vào sự ổn định về chính trị của đất nước và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kinh tế phát triển, nhân dân sống bình yên, đời sống của tuyệt đại đa số người dân tiếp tục được cải thiện. Nhờ đó, uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước tiếp tục được củng cố, khẳng định và nâng lên. Điều này hoàn toàn phù hợp với khẳng định và luận điểm của Tổng Bí thư.

Cuốn sách xác định đúng, sát thực nguyên nhân của những ưu điểm và thành tựu đạt được của các cơ quan nội chính, gồm: Một là, đường lối đúng đắn của Đảng. Hai là, sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội. Ba là, sự lao động, chiến đấu, hy sinh quên mình của bao lớp cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính.

Cuốn sách cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động của các cơ quan nội chính cần tập trung khắc phục, nhấn mạnh khuyết điểm, được nhiều người dân và dư luận quan ngại là trong những “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn” vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội vẫn còn nhưng phân tử hoen gỉ, mục nát ảnh hưởng nhất định đến tính sắc bén, vững chắc của các “thanh bảo kiếm”, “lá chắn” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang đồng lòng thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị cao. Đó là tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác nội chính; một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, nhất là chi bộ, tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nội chính còn nhiều hạn chế, yếu kém; công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát bị xem nhẹ quá mức; không coi trọng vai trò của nhân dân, công chức, viên chức trong cơ quan nội chính trong giám sát, ngăn chặn tình trạng này, mới dẫn đến tình trạng một số đảng viên là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, kể cả một số cán bộ cấp cao, tướng lĩnh quân đội, công an bị xử lý về kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Những kinh nghiệm

Cuốn sách tổng kết được năm bài học kinh nghiệm có giá trị cao: Một là, phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với các cơ quan nội chính nói chung, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang nói riêng. Hai là, các cơ quan nội chính phải thường xuyên gắn bó mật thiết với nhân dân, quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc” trong tư duy và hành động, luôn xác định nhân dân chính là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, làm nguồn vui của mình. Ba là, trong công tác nội chính phải luôn luôn kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động tấn công; trong đó, lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý, tấn công là đột phá, quan trọng; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; phát hiện và xử lý kịp thời mọi âm mưu và hành vi xâm phạm an ninh quốc gia; xử lý nghiêm minh, kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ những hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội, tiêu cực, tham nhũng. Bốn là, phải có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan nội chính với nhau và với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở quy định của Đảng, Nhà nước; bảo đảm “đúng vai, thuộc bài”, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”. Năm là, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác nội chính, coi đây là nhiệm vụ then chốt.

Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các cơ quan nội chính thực sự xứng đáng là những “thanh bảo kiếm” sắc bén và “lá chắn” vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội trong những năm tới

Cuốn sách chỉ rõ và nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, các cơ quan nội chính phải nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; dự báo đúng tình hình, tham mưu với Đảng và Nhà nước các chủ trương, giải pháp kịp thời; có chương trình hành động cụ thể, chặt chẽ, bài bản, khoa học.

Hai là, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước.

Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp, “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan nội chính với các cấp, các ngành, bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Năm là, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Sáu là, tôn trọng Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, học hỏi Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bảy là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.

* * *

Thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nêu trên cần đặc biệt coi trọng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy đảng trong các cơ quan nội chính. Có thể nghiên cứu và thực hiện những giải pháp do tác giả bài viết này đề xuất:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm toàn Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ chủ chốt và người đứng đầu về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nội chính hiện nay.

Hai là, nâng cao năng lực xây dựng, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng, cấp ủy về công tác nội chính.

Ba là, nâng cao chất lượng ban nội chính tỉnh Trung ương, tỉnh, thành ủy đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thực sự là “bộ óc thứ hai” của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy cấp tỉnh trong lãnh đạo các cơ quan nội chính.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan nội chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính về phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; khuyến khích những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc và giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội.

Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan nội chính.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cấp ủy đối với hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên trong các cơ quan nội chính; đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan nội chính, coi trọng công tác giám sát và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để phòng ngừa, ngăn chặn sai lầm khuyết điểm khi mới manh nha.

Đọc thêm