Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10/2013 sẽ trở thành ngày doanh nhân đặc biệt nhất khi trùng với Quốc tang Đại tượng Võ Nguyên Giáp.
Nhiều hoạt động kỷ niệm và tôn vinh giới chủ doanh nghiệp đã được chủ động tạm hoãn. Cũng như đồng bào mọi giới, từ sâu thẳm trái tim, các doanh nhân chỉ hướng về Đại tướng...
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Tướng Giáp đã truyền cảm hứng cả dân tộc và bạn bè quốc tế bởi chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Khi hòa bình thống nhất, Người cũng chứng tỏ là học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vạch ra từ rất sớm tầm nhìn về phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học kỹ thuật và đặc biệt là khai thác kinh tế biển…
Nếu như binh pháp của Đại tướng trong trận Điện Biên Phủ về lấy yếu chế mạnh, về đánh chắc thắng chắc… là những bài học kinh điển gối đầu giường cho giới doanh nhân thì nhãn quan của Bác về phát triển kinh tế xã hội thời hậu chiến, về sau này đều chứng tỏ là những quan điểm nền móng cho chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đơn cử như từ năm 1977, Bác đã tổ chức hội nghị đầu tiên về biển, trực tiếp đặt ra vấn đề về khoa học biển và kinh tế biển, đề cập đến tiềm năng to lớn của một đất nước có bờ biển dài 3.000 km, và về phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường…
Bùi ngùi trước sự ra đi của vị danh tướng huyền thoại, trong đoàn người dài như vô tận vào viếng Bác những ngày qua có rất, rất nhiều doanh nhân. Tấm lòng người dân Việt đối với Đại tướng khiến cả thế giới cảm động, vì chăng sự nghiệp và nhân cách của Người chính kết tinh những niềm tin, hoài bão, những giá trị tốt đẹp trong thời đại Hồ Chí Minh, bản thân Người chính là một thần tượng vĩ đại trong lòng dân.
Sau giây phút tiễn biệt, mọi người đều phải trở về với thực tế đời sống. Đối với giới doanh nhân, đó là một thực tế nghiệt ngã. Trong vòng một năm qua, kể từ ngày kỷ niệm doanh nhân 13/10/2012 đến nay, có thể đã có hàng vạn doanh nhân không còn là doanh nhân vì phải đóng cửa doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nhân đã trở thành con nợ.
Nhưng khó khăn bây giờ so sao được với thời Đại tướng cầm quân đánh giặc. “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!”. Chính trong lúc nguy khó nhất thì tấm gương lẫm liệt của cha anh càng tỏa sáng nhất. Doanh nhân thời bình đã được mệnh danh là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Trong Quốc tang của vị Tổng tư lệnh kính yêu, sao không dám mơ một trận “Điện Biên Phủ trên thương trường”?.