Quảng Bình ơi, Đại tướng sắp trở về...

(PLO) - Người dân đất Việt bàng hoàng khi chương trình Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam thông báo tin Vị tướng huyền thoại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã từ trần. Từ Bắc vô Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, trên dải đất hình chữ S, triệu triệu dòng lệ lăn dài. Tại Quảng Bình - quê hương Đại tướng, nơi vừa trải qua cơn bão dữ, những cái nấc nghẹn ngào như càng nghe rõ hơn...
Người dân bàng hoàng khi nghe tin Đại tướng ra đi!
Người dân bàng hoàng khi nghe tin Đại tướng ra đi!
Nước dòng Kiến giang chảy qua huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vốn xanh trong, yên bình những ngày này chợt đỏ đục phù sa sau mưa lũ. Nơi người con của quê hương này - Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lần về thăm đều xuống khoát nước rửa mặt và nghe điệu hò khoan với nụ cười viên mãn không chút vấn vương bụi trần - bến đò nhỏ An Xá, xã Lộc Thủy suốt 2 hôm nay là chỗ tập trung ngóng vọng của người làng...
Như mất một người thân...
Cũng như cả nước, người dân Quảng Bình vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con của quê hương, Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Tướng huyền thoại - mà cả nhân loại đều kính nể. Giờ đây, căn nhà lưu niệm bằng gỗ mộc mạc ở làng An Xá sẽ không bao giờ được đón Đại tướng về thăm quê một lần nào nữa. Tất cả chỉ còn là ký ức đã qua của hàng vạn người dân quê nghèo xứ Lệ...
Ngay từ sáng 5/10, đông đảo người dân trong tỉnh và các địa phương khác đã tìm về với mong mỏi được dâng nén tâm hương lên bàn thờ tại Nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Võ Thị Lài (76 tuổi, ở đội 3, xã Lộc Thủy) khi biết tin Đại tướng từ trần đã túm vội chiếc xe đạp của đứa cháu trai, tất tưởi đến Nhà lưu niệm. Từ ngoài cổng bước chân run run đi vào, cầm trên tay tấm hình Đại tướng, bà khóc nấc như trẻ thơ: “Bác ơi... Bác ơi...”. Cách đó không xa, từ lũ trẻ đứng nép ngoài cổng đến những cụ già móm mém răng đen cũng bối rối, sụt sùi, quơ tay áo lau vội những dòng nước mắt...
3 giờ sáng 5/10, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoanh (67 tuổi, nguyên Trợ lý tham mưu công binh, Binh trạm 14, đường 20  Quyết Thắng, thuộc Binh đoàn Trường Sơn 559) chợt mất giấc bởi cơn gió thu se lạnh lùa qua cửa sổ. Ông trở dậy, theo thói quen mở mạng Internet để đọc báo cho mỏi mắt mong tìm lại giấc ngủ khó của tuổi già, bỗng sững sờ đọc được hung tin. Vợ ông dậy can ngăn thế nào ông vẫn nằng nặc ra phòng khách, pha ấm trà đặc ngồi chờ trời sáng để lên nhà Đại tướng.
Từ TP. Đồng Hới, mất hơn 50 cây số chạy xe máy nhưng dường như tình cảm thiêng liêng với Đại tướng không thể ngăn được người cựu chiến binh lớn tuổi. “Dù với cương vị là một nhà lãnh đạo quân sự nhưng Đại tướng bình dị, ân cần và chân tình lắm”. Đối với ông Hoanh, sự kiện năm 1973 Đại tướng về thăm đơn vị Bộ đội Trường Sơn trên đỉnh đèo Phu-Đi-Nhích (gần trục đường 20 Quyết Thắng, thuộc đất bạn Lào giáp Quảng Bình) với những cái bắt tay, thăm hỏi các chiến sĩ ân cần là kỷ niệm vẫn còn nguyên mới như ngày hôm qua.
Ông Nguyễn Tư Pháp - nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, một trong những người nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vừa thấy chúng tôi từ ngoài cổng nhà đã nước mắt rơi: “Sáng 5/10, nghe tin Đại tướng mất, nhưng vì đang mang trọng bệnh nên phải chờ đứa con đến chở về nhà Đại tướng để sẻ chia cùng bà con và nói những lời tâm nguyện ấp ủ qua nén tâm hương với Đại tướng. Vẫn biết sinh- lão- bệnh- tử là quy luật của cuộc đời, vẫn biết vào tuổi 103 đại thọ của ông là phúc lớn của dân tộc, quê hương, đất nước nhưng khi nghe tin, sao vẫn cứ quá bàng hoàng, như mất đi một người cha, người mẹ...”.
Ấm tình quê hương đón “người con huyền thoại”
Đã qua 6 ngày sau khi siêu bão số 10 tàn phá mảnh đất cát trắng gió Lào, Quảng Bình vẫn ngổn ngang cây gãy, nhà sập chưa kịp dựng lại... Huyện Lệ Thủy cũng không là ngoại lệ. Nhưng từ khi nhận được tin Đại tướng qua đời, dường như không còn ai mảy may quan tâm đến chuyện dựng lại nhà, dọn dẹp lại cây đổ. Thanh niên, trai tráng từ sớm 5/10 đã đổ về làng An Xá để dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa, đường làng ngõ xóm thật đẹp để đón tiếp hàng vạn người về bên người con quê hương - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đến chiều 6/10, hàng ngàn người dân Quảng Bình vẫn về tề tựu bên ngôi nhà Đại tướng. Trời xứ Lệ chiều nay bỗng ấm áp hơn trong khí trời nắng nhẹ, ấm như tấm lòng người dân quê hương thương nhớ, hoài niệm về Đại tướng. Người đến thăm vẫn thầm thì nước mắt, kể cho nhau nghe từng ký ức về bác Giáp như hàng triệu người dân trên đất Việt này...
Chiều 5/10, bà Trần Thị Lên (70 tuổi), cùng làng An Thủy, trong quan hệ thân thích gọi Đại tướng bằng bác tay run run 3 nhánh hương sáng đỏ, dâng lên tổ tiên trong nhà lưu niệm mà khóc: “Nghe tin từ hôm qua nhưng con nó ngăn không cho đi vì bệnh tật. Bác về thăm, còn cho quà nhiều lần lắm nhưng đến lúc bác ra đi, con vẫn không thể một lần ra thăm hỏi... Chỉ mong bây giờ bác trở về yên nghỉ với quê hương để cháu con đền đáp khói hương...”. Cũng như bà Lên, hàng ngàn người dân địa phương vẫn luôn mong ước một điều rằng, bác trở về ở lại mãi với quê hương để trong tiềm thức, bác Giáp vẫn mãi gũi gần, dung dị với bà con như ngày còn sống...
Chiều tối 5/10, thông tin thi hài Đại tướng sẽ được long trọng đưa về an táng tại quê nhà lan truyền rất nhanh. Hàng triệu người dân Quảng Bình như vỡ òa trong những tiếng nấc vì ước nguyện bấy lâu đã thành sự thật. Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy - xúc động chia sẻ: “Người dân quê hương luôn mong mỏi Đại tướng sẽ mãi ở lại với quê hương, đất mẹ, hòa mình vào mảnh đất nơi Đại tướng đã sinh thành. Như ước nguyện của Đại tướng khi còn sống, để được thấy quê hương đổi mới, lớn lên từng ngày...”.
UBND huyện Lệ Thủy dự kiến sẽ thành lập 2 tiểu ban lễ tang: một tiểu ban sẽ được thành lập tại Trung tâm Văn hóa huyện; tiểu ban còn lại sẽ được lập ở Nhà lưu niệm - nơi Đại tướng sinh ra, để mọi người được thuận tiện trong việc phúng viếng, hành lễ. Chắc chắn rằng những đêm tới đây, người Lệ Thủy, Quảng Bình nói riêng và hàng triệu người Việt Nam nói chung sẽ có những đêm không ngủ vì tiếc thương, vì hoài niệm, vì tự hào về một vị Đại tướng thiên tài, vĩ đại mà giản dị, bao dung, một lòng vì quê hương, đất nước...
Trong ngày 6/10, đoàn học sinh với trang phục truyền thống của người dân tộc ít người Vân Kiều của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lệ Thủy là một trong những đoàn thăm viếng đầu tiên tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thầy Lê Văn Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Từ lâu, hình ảnh Đại tướng với những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như sinh hoạt đời thường được đưa ra kể cho các em học sinh nghe là một hoạt động rất thường xuyên của nhà trường trong mỗi lần sinh hoạt tập thể. Hôm nay, xin đến thắp hương viếng Đại tướng để tỏ  lòng thành kính, cũng là giáo dục cho học sinh về một vị Anh hùng của nước Việt mà tầm vóc đã vượt ra khỏi quốc gia, dân tộc...”.
Xin trích lại lời chia sẻ của nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy thay cho lời kết bài: “Vẫn biết sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của cuộc đời, vẫn biết vào tuổi 103 đại thọ của ông là phúc lớn của dân tộc, quê hương, đất nước nhưng khi nghe tin, sao vẫn cứ quá bàng hoàng, như đã mất đi một người cha, người mẹ...”.

Đọc thêm