Tràn ngập không khí đón xuân
Ngày Tết ở làng quê Việt thường đậm đà phong vị dân tộc. Dẫu mỗi làng quê, mỗi vùng miền có nét văn hóa riêng nhưng đều chung tập tục đón Tết của dân tộc. Vì thế, nhiều du khách trong và ngoài nước rất muốn tìm về các làng quê để tận hưởng không khí đón Tết cổ truyền dân tộc Việt.
Theo Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm, chương trình “Tết làng Việt” 2024 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 21/1 (tức từ ngày 10 - 11 tháng Chạp năm Quý Mão) tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm không gian chợ Tết truyền thống với những gian hàng giới thiệu đặc sản Đường Lâm; sản phẩm thủ công làng nghề của địa phương; không gian trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền, từ ông đồ viết thư pháp, nặn tò he đến gọt hoa thủy tiên; trải nghiệm các trò chơi dân gian...
Cùng với đó, khách du lịch còn được giới thiệu về các phong tục truyền thống trong dịp Tết như: Lễ giao thừa, mừng tuổi, thả cá chép... được tổ chức tại một ngôi nhà cổ của hộ dân trong làng. Tại sân đình Mông Phụ sẽ tổ chức trưng bày giới thiệu về mâm cỗ ngày Tết. Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp Tết của người dân Đường Lâm; trải nghiệm gói bánh chưng, gói giò ngày Tết. Khu vực đình làng và cổng làng Mông Phụ giới thiệu nghệ thuật múa rối nước, các trò chơi dân gian truyền thống như: Bắt chạch trong chum, chọi gà, bịt mắt đập niêu... Tại đây cũng diễn ra triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về Làng cổ Đường Lâm và các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sơn Tây; tổ chức nghệ thuật truyền thống tại sân đình Mông Phụ.
Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm, ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết, “Tết làng Việt” còn tổ chức chụp ảnh lưu kỷ niệm tại những kiến trúc đặc sắc nhất trong làng cổ. Thông qua chương trình, Ban Tổ chức mong muốn quảng bá giá trị Tết truyền thống, những giá trị văn hóa giàu bản sắc tại Làng cổ ở Đường Lâm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương, quảng bá điểm đến du lịch tới người dân và du khách. Qua đó tạo hiệu ứng kích cầu du lịch Làng cổ Đường Lâm nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung đón khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm văn hóa dịp Tết và du xuân Giáp Thìn 2024.
Trải nghiệm tinh hoa văn hóa dân tộc
Trải qua bề dày lịch sử, các làng nghề truyền thống, nhất là làng nghề sản xuất phục vụ Tết cổ truyền không chỉ tạo việc làm mà còn lưu giữ sản phẩm hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc.
Giáp Tết, các làng nghề tấp nập chuẩn bị những sản phẩm đặc sắc của làng để lan tỏa đi muôn nơi, trang trí làng nghề để chào đón khách du lịch. Làng hương Thủy Xuân tọa lạc trên trục đường Huyền Trân Công Chúa (TP Huế) cũng đang rộn ràng chuẩn bị Tết. Bà Tôn Nữ Anh Tuyết, cao niên làng Thủy Xuân cho biết, thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên vào dịp lễ, Tết từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người Việt Nam. Hoạt động này như chiếc cầu nối gửi gắm tâm tư, tình cảm và cả ước nguyện của những người còn sống với người đã khuất. Bởi vậy người làm hương luôn tâm niệm, làm hương không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn mang giá trị truyền thống tâm linh tốt đẹp.
Những năm trở lại đây, người dân làng hương Thủy Xuân phát triển loại hình du lịch truyền thống kết hợp trải nghiệm nhằm quảng bá làng nghề và cách làm hương đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, khách tham quan còn thuê bộ cổ phục cho phù hợp với không gian tại làng hương để chụp những bức ảnh đẹp làm kỷ niệm. Làng hương Thủy Xuân giờ đây trở thành địa điểm du lịch đặc sắc thu hút du khách trong dịp giáp Tết. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và mua những bó hương sắc màu giúp người dân nơi đây càng có nhiều điều kiện hơn trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống đậm bản sắc dân tộc.
Những ngày này, không khí ở làng nghề bánh chưng Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An) cũng đang nhộn nhịp. Nơi đâu dậy mùi thơm của gạo nếp, đậu xanh. Nhà nào cũng có lò nấu bánh, ai nấy đều tất bật, mỗi người phụ trách một công đoạn từ rửa lá, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt làm nhân, gói bánh…
Nhiều du khách về đây đã hứng khởi tham gia trải nghiệm các hoạt động tại chương trình Tết cổ truyền, càng tạo không khí rộn ràng. Sau khi được nghe kể về nguồn gốc của bánh chưng và bánh dày, các du khách quốc tế được tận tay làm những chiếc bánh chưng lá dong - bánh truyền thống trong dịp Tết của gia đình Việt Nam.
Anh David Hùng (35 tuổi) tâm sự: “Tôi sang Anh từ năm 10 tuổi. Sau 25 năm mới có điều kiện trở về Việt Nam lại đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi rất háo hức được trải nghiệm Tết Việt. Tôi và vợ con được hướng dẫn cách làm bánh chưng. Ngồi gói bánh chưng tỉ mẩn từng công đoạn, tôi lại nhớ bà nội tôi hồi xưa. Lúc đó tôi chỉ là đứa trẻ nhỏ, ngồi xem bà gói bánh chưng. Điều này làm tôi thấy bùi ngùi, cay mắt”. Sau khi trải nghiệm gói bánh chưng, nhiều du khách đã mua bánh để thưởng thức ngay tại chỗ và mua về biếu gia đình và người thân.
Ngày Tết là dịp đoàn tụ, sum họp gia đình, tưởng nhớ đến những người đã đi xa, là dịp củng cố tình đoàn kết trong họ ngoài làng, củng cố tình yêu quê hương, đất nước, giá trị tinh thần đó vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tục ăn Tết, đón Xuân của dân tộc ta. Trước sức ép hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, việc giữ gìn phong tục đón Tết cổ truyền quý giá của dân tộc tại các làng quê càng được nhiều du khách trong và ngoài nước trân trọng, yêu thích.