Tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn và công bố chương trình Festival Huế 2024

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Sáng 1/1, tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình Công bố Festival Huế 2024 và tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn.
Lễ hội sân khấu hóa tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn được tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế).
Lễ hội sân khấu hóa tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn được tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế).

Festival Huế 2024 có chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" sẽ tổ chức các hoạt động liên tục, kéo dài trong cả năm, mở đầu bằng lễ hội sân khấu hóa tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn.

Lễ Ban sóc triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện được dàn dựng theo hình thức sân khấu hóa với mục tiêu giới thiệu những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản, tạo nên không khí vui tươi, có ý nghĩa trong dịp năm mới.

Ban sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban sóc. Lịch được tiến vào Hoàng cung để cho hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Tái hiện lễ Ban sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách, người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản cố đô Huế trong ngày đầu năm mới với nhiều hy vọng đang gần đến.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phát biểu tại buổi lễ

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Festival Huế 2024 sẽ được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm với định hướng bốn mùa.

Lễ hội Mùa Xuân trải dài 3 tháng đầu năm, bao gồm các lễ hội mang tính chất tái hiện nghi lễ cung đình, lễ hội dân gian truyền thống đặc thù, với điểm nhấn là chương trình công bố Festival Huế 2024 và lễ Ban sóc cùng nhiều chương trình Tết Huế xưa phong phú, độc đáo qua những phong tục đón Tết, những không gian văn hóa Tết truyền thống, các hoạt động vui chơi giải trí ngày xuân của Kinh đô xưa kết hợp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế.

Từ tháng 4 đến tháng 6 là lễ hội mùa Hạ, lấy Tuần lễ Festival Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” làm điểm nhấn, diễn ra từ ngày 07 đến 12/6/2024. Đây là tuần lễ cao điểm hội tụ nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với các không gian di sản được phục hồi, điển hình như điện Kiến Trung sẽ được tương tác với các chương trình nghệ thuật, kỳ vọng sẽ đưa đến cho công chúng những trải nghiệm mới lạ về Festival Huế.

Lễ Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn

Lễ Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn

Lễ hội mùa Thu với điểm nhấn là các hoạt động vui Tết Trung thu, Hội đèn lồng quốc tế Huế 2024 kết hợp với các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân, cùng các chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Từ tháng 10, lễ hội mùa Đông sẽ tổ chức các chương trình mới tạo cho không khí mùa đông xứ Huế sôi động, ấm áp hơn, đồng thời tạo ra các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại Cố đô Huế với điểm nhấn là Tuần lễ Âm nhạc Huế và Chương trình Countdown chào đón năm 2025.

Ngoài các chương trình chính, Festival Huế 2024 còn nhiều chương trình hưởng ứng khác như lễ hội, liên hoan, trưng bày, triển lãm của nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước cùng cộng hưởng để làm nên một Festival Huế 2024 phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện.

Ban phát lịch cho người dân

Ban phát lịch cho người dân

Festival Huế 2024 có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Thừa Thiên Huế phấn đấu sớm hoàn thiện mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đây cũng là cơ hội để các di sản văn hóa Huế được tập trung quảng bá giá trị, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng mà hạt nhân là các di sản thế giới ở Cố đô. Với mục tiêu về bảo tồn giá trị truyền thống, việc lựa chọn, nghiên cứu và tổ chức phục hồi các di sản kiến trúc cung đình, việc tái hiện một số lễ hội gắn với các di sản kiến trúc ở Huế nhiều năm qua ghi đậm dấu ấn qua các kỳ Festival Huế đã có thể nhiều tác động tích cực đối với phát triển văn hóa, du lịch ở địa phương.

Đọc thêm