Huy động cả... 'mực nước chết' để chuẩn bị điện cho cao điểm mùa nóng

(PLVN) - Thủy điện đang chiếm 38% công suất của toàn nguồn điện nhưng đến nay sản lượng thủy điện tích trong hồ của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam chỉ còn khoảng 5,24 tỷ kWh, tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong khoảng 7 ngày làm việc. Hệ thống điều độ điện quốc gia đang vận hành khá căng, khi tất cả các nguồn điện đều đã được huy động sử dụng hết, kể cả nguồn điện giá cao nhất!
Các điều độ viên của A0 sẽ phải tính toán huy động các nguồn điện phù hợp để đáp ứng phụ tải điện mỗi ngày.
Các điều độ viên của A0 sẽ phải tính toán huy động các nguồn điện phù hợp để đáp ứng phụ tải điện mỗi ngày.

Nguồn thủy điện miền Nam chỉ cung cấp đủ lượng điện tiêu thụ trong 1 ngày

Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, từ đầu năm đến nay, công suất phụ tải toàn hệ thống đã đạt cao nhất, lên đến 35.703MW, sản lượng điện tiêu thụ cao nhất lên đến 751 triệu kWh trong ngày 24/4/2019.

Theo ông Khu, công suất đạt cao nhất này đã cao hơn ngày cao nhất của mùa nắng nóng năm 2018, trong khi hiện nay vẫn chưa đến cao điểm mùa nắng nóng hàng năm. Do đó, dự kiến phụ tải điện sẽ còn cao hơn nữa khi dự báo cho thấy, nhiệt độ sẽ còn tăng cao trên cả 3 miền trong vòng 2 tháng tới. 

Trong khi đó, hiện các nguồn điện đều đã được huy động tối đa với tiêu chí nguồn điện giá rẻ huy động trước, nguồn điện giá cao huy động sau nhưng cũng đã phải huy động đến cả nguồn điện giá cao nhất (dầu) với chi phí sản xuất hơn 5.000/kWh). 

Cụ thể, thủy điện ở miền Bắc khá thuận lợi nhưng từ cuối 2018, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Trung đã rất thấp, thấp hơn trung bình nhiều năm. Các hồ miền Nam dù được tích nước tương đối cao nhưng mực nước về cũng không cao, kém hơn trung bình nhiều năm. Theo tính toán, đến cuối tháng 4, sản lượng thủy điện tích ở các hồ còn khoảng 5,24 tỷ kWh. 

Mặc dù Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có chiến lược tích nước từ cuối năm 2018 và khai thác tiết kiệm vào đầu năm 2019 để đảm bảo nguồn thủy điện có thể khai thác được đến cuối mùa khô. Tuy nhiên, hiện nay mực nước các hồ ở miền Trung và miền Nam tương đối thấp, sản lượng thủy điện tích được ở 2 miền chỉ khoảng 2 kỷ kWh, tương đương tổng phụ tải điện toàn quốc trong 3 ngày làm việc. Trong  đó, mực nước ở miền Nam còn lại rất ít, chỉ có thể cung cấp được khoảng 380 triệu kWh, tương đương sản lượng điện tiêu thụ của miền Nam trong 1 ngày.  

Do đó, A0 đã phải huy động thêm nguồn điện như nguồn chạy dầu của Nhà máy Cà mau, các tổ máy của Nhà máy Ô Môn (Cần Thơ) với khoảng 160 triệu kWh. Dự báo trước mắt sẽ phải tiếp tục huy động nguồn này do dự kiến trong 2 tháng 5 và 6, công suất phụ tải có thể lên đến 37.000 MW, thậm chí 39.000 MW.

Các nguồn điện chạy bằng khí cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do năm nay lượng khí cung cấp giảm đi nhiều, đặc biệt khó hơn khi dự kiến từ tháng 10/2019 sẽ phải chi thêm tiền mua khí để đảm bảo nguồn điện cho phía Nam. 

Có thể sẽ bị cắt điện trong tháng 5 hoặc tháng 6

Ông Trịnh Việt Hưng, điều độ viên A0 cho biết, theo kịch bản dự báo phụ tải điện quốc gia thì hiện nay phụ tải vẫn đáp ứng được theo từng giờ. Mỗi giờ đều có nguồn vào cụ thể, các điều độ viên sẽ căn cứ vào thực tế để huy động tăng hoặc giảm phụ tải các nguồn cho phù hợp. Ví như sáng qua (ngày 17/5/2019), phụ tải miền Nam tăng rất cao, đã phải huy động chạy thêm nguồn dầu khoảng hơn 400 MW. 

Cũng có những thời điểm, khi thủy điện hết nước, nhiều nhà máy sử dụng nguồn dầu, khí cũng đã chạy hết công suất nên A0 đã phải huy động các nhà máy thủy điện chạy mực nước chết trong thời gian cao điểm với sản lượng khoảng vài chục MW.

Cụ thể, tháng 4 vừa qua, lượng tiêu thụ điện miền Nam tăng đột biến, trong khi không còn nguồn nào để cung cấp điện cho miền Nam, lưới truyền tải cũng giới hạn, A0 đã phải huy động mực nước chết để đáp ứng phụ tải điện cho miền Nam. Ông Hưng lý giải, trong một số trường hợp vẫn phải huy động các nhà máy thủy điện chạy ở mực nước chết nhưng phải rất hạn chế vì ảnh hưởng đến tổ máy

Có thể thấy, hệ thống điện đang ở tình thế vận hành căng, khả dụng đạt thấp do mực nước thấp, việc cung cấp than và khí gặp khó khăn trong khi dự kiến phụ tải điện lại cao nên EVN đã lên nhiều phương án ứng phó. Theo đó, EVN cũng tính đến việc đấu nối các nguồn điện mặt trời và điều này có thể dẫn tới việc có thời điểm bị cắt điện, trong tháng 5 hoặc tháng 6. 

Bộ Công Thương đã chủ trì làm việc với khoảng 2.000 khách hàng (trong tổng số 5.000 khách hàng lớn của ngành điện) trong chương trình điều hòa phụ tải để đề nghị các khách hàng này chủ động giảm phụ tải điện giờ cao điểm vừa tránh việc phải huy động các nguồn chạy điện chi phí cao vừa đảm bảo tất cả có đủ điện để dùng và công suất điện không bị lên quá cao. 

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, dù nhu cầu điện tháng 4 tăng cao, trung bình 4 tháng đầu năm có tăng nhưng tăng chưa đột biến. Tuy nhiên, dự báo 2 tháng trước mắt, phụ tải tăng trưởng cao, có thể tăng đến 20%, đặc biệt ở miền Bắc. Hiện vẫn chưa thấy có dấu hiệu nước về, các nguồn khí suy giảm, khó khăn về nguồn cung điện đã bắt đầu cảm nhận được ngay từ năm 2019 và năm 2020 sẽ còn khó khăn hơn.

Đọc thêm