Ưu tiên khôi phục công trình dân sinh
Hàng chục tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương, thành phố và các tập thể, cá nhân hảo tâm được sử dụng hiệu quả, giúp huyện đảo Bạch Long Vĩ kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão số 10 gây ra. Theo Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ Cao Xuân Liên, sau hơn 3 tháng kể từ ngày cơn bão khủng khiếp hoành hành, các công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hỏng cơ bản được khắc phục. Huyện ưu tiên triển khai sửa chữa, khôi phục những công trình phục vụ dân sinh như hệ thống cấp nước ngọt, điện sinh hoạt, đường giao thông; lợp lại mái nhà và tu sửa nhà cửa cho người dân và các cơ quan Nhà nước. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cũng như yêu cầu sớm ổn định đời sống của người dân, khôi phục sản xuất, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp trên đảo.
Bí thư Huyện uỷ Cao Xuân Liên cho rằng, thật khó có thể thống kê đầy đủ thiệt hại, bởi với sức gió giật cấp 15, hòn đảo nhỏ, trơ trọi nơi đầu sóng như Bạch Long Vĩ bị cơn bão tàn phá khủng khiếp đến nhường nào. Do vậy, ưu tiên hàng đầu trong việc khắc phục hậu quả cơn bão số 10 là khẩn cấp tổ chức cấp phát lương thực, thuốc men, giúp người dân huyện đảo, ngư dân không bị đói rét; trục vớt tàu thuyền bị chìm đắm; hỗ trợ tiền vé tàu, xe, đưa ngư dân, các phương tiện bị chìm đắm về quê...Các lực lượng tập trung khôi phục giao thông, dọn dẹp trụ sở cơ quan, đơn vị, khu dân cư; khơi thông khu vực âu cảng. Bên cạnh việc sửa chữa các công trình phục vụ dân sinh cần thiết, huyện triển khai việc xây dựng cột thu phát chuyển tiếp sóng truyền hình, hệ thống ăng ten, thiết bị. Kè bờ phía tây bắc bị sạt lở sát vàm đường tuyến 5 cũng được khẩn trương khắc phục; bổ sung khối tera phốt đê cảng phía nam bị sóng đánh, khối chắn sóng đường dạo âu cảng; xây mới hệ thống điện chiếu sáng đường dạo âu cảng…
Sức hấp dẫn mới của đảo Đuôi Rồng Trắng
Nỗ lực vượt qua khó khăn bất ngờ phát sinh do cơn bão số 10 gây ra, năm 2009 huyện đảo vẫn đạt tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế 112 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Một số hoạt động dịch vụ mới, nhất là dịch vụ về xăng dầu, nước sinh hoạt góp phần tạo thêm giá trị sản xuất của ngành dịch vụ này với con số ấn tượng 79 tỷ đồng, tăng trưởng 25% và đạt kế hoạch đề ra. Kết quả này càng ý nghĩa hơn khi số lượng tàu thuyền vào đảo trong năm giảm do khai thác vươn khơi hiệu quả không cao, đường giao thông ra đảo khó khăn, sản lượng hàng hóa qua cảng thấp.
Theo thống kê của UBND huyện, cơn bão số 10 làm gãy cột điện sức gió, nhiều cột điện chiếu sáng; hỏng máy phát điện, hệ thống điện và một số trạm điện. Cột thu phát sóng truyền hình gãy gập, hỏng hệ thống ăng ten, chảo thu phát, gây mất thông tin liên lạc toàn bộ khu vực đảo. Hệ thống giao thông, bờ kè bị phá hỏng, sạt lở. Những ngư dân vào trú bão tại đảo cũng bị thiệt hại nặng nề với 56 tàu thuyền bị chìm, riêng thiệt hại về tài sản, ngư lưới cụ khoảng 35 tỷ đồng. 200 thuyền gắn máy, thuyền nan của ngư dân bị bão đánh tan tành, hư hỏng nặng. |
Bí thư Huyện uỷ Cao Xuân Liên nhấn mạnh: "Trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt, nhưng hầu hết chỉ tiêu về an sinh xã hội của đảo đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, củng cố niềm tin trong cán bộ, người dân, để họ thêm gắn bó, hết lòng góp sức xây dựng huyện đảo. Cùng với đó, quy hoạch chi tiết huyện đảo Bạch Long Vĩ được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra những thuận lợi mới, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư, xây dựng các dự án phát triển. Đây chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN”.
Hiện nay, huyện đảo đang tiếp tục thực hiện các giải pháp mang tính lâu dài, bền vững trong lĩnh vực giao thông, cấp điện, cấp nước ngọt. Mong mỏi của chính quyền và người dân địa phương là sớm có dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền ở phía tây đảo. Công trình này phù hợp với quy hoạch chi tiết của huyện và khắc phục hạn chế của âu cảng hiện có, bảo đảm an toàn, tránh thiệt hại lớn cho ngư dân như trong cơn bão số 10 vừa qua. Mặt khác, để ổn định sản xuất và phục vụ, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên đảo, nhiều nhà khoa học, quản lý và lãnh đạo các ngành chức năng đồng tình với đề xuất triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt sinh hoạt. Dự án này cần huy động nguồn lực xã hội hóa với sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, thay vì phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước như một số dự án khác đang triển khai. Điều đó đặt ra yêu cầu sớm có cơ chế đặc thù, tạo môi trường, khuyến khích các nhà đầu tư đến với đảo thực hiện các dự án phát triển sản xuất kinh doanh.
Văn Lượng