Phan Thanh là một xã vùng cao khó khăn thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, nằm cách thành phố khoảng 50 km. Sau khi vượt nhiều con dốc khúc khuỷu, chúng tôi mới đến xóm Lũng Cam để khám phá và tìm hiểu về hang Pác Ả. Xóm Lũng Cam nằm giữa những dãy núi đá hùng vĩ, cao chót vót bao quanh, để đến hang động Pác Ả thì phải đi hơn 5 km, toàn men dọc theo các sườn núi đá dựng đứng, rừng núi âm u nhiều cây cối, gai nhọn chắn ngang đường.
Hang Pác Ả (theo tiếng địa phương nghĩa là hang miệng rộng) có cửa hang mở rộng rất lớn, nằm giữa lưng chừng núi, xung quanh có phong cảnh hữu tình. Vị trí hang nằm ở lưng chừng núi, miệng hang quay về hướng Tây, giáp xã An Thắng, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Nếu men theo đường tiếp giáp với xã An Thắng để đến hang có thể đi bằng mảng qua sông Năng đến chân núi phía trước cửa hang.
Càng bò sâu vào phía trong, lòng hang càng hẹp dần rồi lại nới rộng ra. Qua ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn đèn soi đường, một cảnh sắc huyền ảo trong động dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Vô số những cột thạch nhũ buông rủ xuống phát ra ánh lân tinh lóng lánh.
Hang Pác Á có nhiều khoang rộng. Bước xuống vài bậc bằng đá là khoang dài khoảng 100 m, vòm động rộng, trần cao trung bình khoảng 20 m, nền được trải một lớp sỏi cát. Đứng trong động nghe tiếng nước chảy róc rách từ trong vọng ra. Đi thêm vài bước, bất ngờ hiện ra hai dải nhũ đá từ trên trần động rủ xuống, giống như một bức rèm đang hé mở. Đi qua bức rèm, một khung cảnh mới được mở ra, bước lên mấy bậc bên trái ta như lạc vào thế giới cổ tích với các khối nhũ đá huyền ảo... Để đến khoang thứ hai, phải qua một lối đi dài hơn 300 m. Không gian khoang rộng lớn với trần hang cao hơn 20 mét, có nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng. Bên trong hang động đẹp như chốn thần tiên với những nhũ đá được phủ “kim tuyến” dày hơn, những dòng “suối vàng, thác bạc” lớn và những măng đá mang hình dáng rất độc đáo, ấn tượng.
|
Đến chân núi Pác Ả phải đi bằng mảng qua sông Năng mới có thể lên hang động. |
Theo anh Hoàng Văn Thái (43 tuổi) ở xã Phan Thanh cho biết: “Vào bên trong hang có nhiều cảnh đẹp lung linh lắm, nhất là các cây cột đá lớn đến mức ba, bốn người ôm cũng không xuể. Cách đó không xa là một dải đá cao, kéo dài trông như một khu ruộng bậc thang kỳ vĩ với nước tuôn chảy không ngừng. Soi ánh đèn lờ mờ anh Thái lần lượt chỉ cho chúng tôi những nhũ đá hình nải chuối, bên dưới là những tấm thạch đá phẳng nhẵn. Tất cả khung cảnh kỳ thú nơi đây hoàn toàn tự nhiên, không hề có bất kỳ sự can thiệp nào của con người. “Từ trước đến giờ chưa một ai đi hết hang động này cả. Có lần đám trẻ trâu đã thử bằng cách buộc dây chỉ làm dấu từ cửa hang để tránh bị lạc nhưng đến khi đi hết chỉ vẫn chưa thể đến được tận cùng của hang. Cảnh sắc càng vào sâu bên trong thì càng lạ, càng đẹp…”, anh Thái chia sẻ.
“Do chưa có đường vào hang nên khá khó khăn trong việc di chuyển. Nhưng khi đã đến được cửa hang, không khí oi nồng mùa hè dường như bị xua tan hoàn toàn bởi hơi nước bốc lên từ dòng sông Năng chảy qua trước cửa hang và làn gió từ hang thổi ra mát rượi. Đi vào trong hang sẽ thấy những dải thạch nhũ nhiều hình thù tuyệt đẹp. Trong hang có nhiều mạch nước ngầm chảy ra thành những làn nước nhỏ trong vắt. Đi vào sâu trong hang vẫn cảm thấy thoải mái bởi trần hang cao và lòng hang rất rộng. Đặc biệt, trong hang có nhiều dải nhũ bằng phẳng như những ruộng bậc thang với màu sắc lấp lánh uốn lượn đẹp mắt”, chị Nông Thị Thủy, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình, là một trong các thành viên của huyện tham gia đoàn khảo sát hang Pác Ả cho cho biết.
Việc phát hiện ra hang động Pác Ả là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch khám phá, tạo sự phong phú, hấp dẫn cho du lịch huyện Nguyên Bình. Bởi du khách sau khi tham quan núi Phja Oắc, Phja Đén có thể tiếp tục đến khám phá vẻ đẹp kỳ thú của hang Pác Ả. Nếu được quan tâm, đầu tư, hang Pác Ả sẽ là một điểm dừng chân thú vị trong tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - ngọn núi của những đổi thay” của Công viên địa chất non nước Cao Bằng.