Huyền bí những làng đá cổ ở vùng cao

(PLO) - Ở nước ta, không chỉ có những bản làng của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) mới độc đáo, lãng mạn và nổi tiếng từng lên phim “Tiếng khèn môi sau bờ rào đá”. Mà ở một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng có những ngôi làng đá cổ không kém phần xinh đẹp, nên thơ. 
“Làng đá” Khuổi Kỵ ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)

Mời bạn ghé thăm các huyện vùng cao Trùng Khánh,  Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng để ngắm những hòn đá núi đã được họ dựng tạo thành những hàng rào bao quanh đường làng, ngõ xóm, quanh nhà và ngoài ruộng nương, thậm chí đá xếp thành hàng rào cây, đá quây thành chuồng nuôi gia súc, đá dùng để xây nhà, đá cũng dùng để xếp quanh những ngôi mộ.

Người miền núi  khi còn sống hòa mình nương tựa vào núi đá, đến khi chết cũng nhắm mắt xuôi tay cũng vùi trong đá, đá là vật vừa gần gũi vừa linh thiêng, trở thành thứ gắn bó không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Độc đáo những “làng đá” miền sơn cước

Từ lâu, xã Phúc Sen thuộc huyện Quảng Uyên đã nổi tiếng bởi những làng nghề truyền thống như làng hương, rèn dao, làm trang phục truyền thống. Không những thế, Phúc Sen còn nổi tiếng bởi có cảnh đẹp tự nhiên bởi màu xanh của rừng núi và những phiến đã được con người tạo thành thứ hữu ích như làm hàng rào, đường đi bộ, ngăn cách vị trí ruộng nương. Khi đi sâu vào trong các xóm Khao A, Khao B, Đâu Cọ, Phia Chang trên, Phia Chang dưới… đâu đâu cũng thấy những hàng rào đá được xếp rất khéo léo, chắc chắn đến độ tinh xảo.

Bà Lục Thị Mạy (78 tuổi) ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên) cho biết: “Không biết khi nào những hàng rào được mọi người xếp bằng đá nữa. Vì từ khi tôi sinh ra đã có những hàng rào đá khắp xóm làng. Tôi được nghe người già kể lại, hàng rào đá được dựng lên để bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn. Những hòn đá lại được nhặt và đào ở giữa những đám ruộng nương có nhiều đá, vì vậy vừa có thể mở rộng diện tích canh tác lại vừa có thể làm thành hàng rào cho đám lúa, ngô.

Đối với người Nùng chúng tôi, đá như một linh hồn sống mãi mãi gắn bó với con người. Những hàng rào đá thường có chiều cao từ 50cm đến khoảng 1m. Hàng rào đá được dựng lên quanh xóm tạo thành những lối đi trông rất đẹp và cổ kính. Hàng rào đá tạo thành những bức tường rào quanh nhà, tạo thành ranh giới giữa các mảnh ruộng vườn. Đá còn được xếp quanh các gốc cây để bảo vệ không cho trâu bò phá hoại và được xếp quanh các ngôi mộ. Ngoài ra, đá còn được dùng để làm những cái âu đựng nước trước cửa nhà, cối giã gạo, cầu thang…”.

Theo ông Linh Văn Phù, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen cho hay: “Đá là vật dụng gắn liền với người Nùng An, xã Phúc Sen, tạo nên vẻ đẹp thanh bình nơi đây. Ngoài việc chú trọng phát triển các làng nghề để nâng cao đời sống kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho bà con đồng bào thì chính quyền địa phương còn cố gắng tuyên truyền cho bà con duy trì những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần tạo nên bản sắc riêng của người Nùng Phúc Sen. Việc đổi mới, thay đổi là cần thiết nhưng những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp phải giữ gìn, khuyến khích”.

Nằm cách huyện Quảng Uyên khoảng 50 km, xóm Khuổi Kỵ, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cũng nổi tiếng bởi những ngôi nhà sàn được làm hoàn toàn bằng đá. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giờ đây trong tâm thức người dân nơi đây “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm của họ.

Theo cụ Nông Văn Tâm (71 tuổi) ở làng Khuổi Kỵ cho biết: “Vào những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng nên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý. Hiện Khuổi Kỵ có 14 căn nhà sàn bằng đá và để bảo tồn, phục dựng lại nó các cơ quan chức năng Cao Bằng phải tiêu tốn ngót ba năm trời xếp đá. Mãi đến năm 2010 “làng đá” Khuổi Kỵ được hoàn thành với những nét kiến trúc độc đáo. Tùy thuộc vào căn nhà sàn lớn hay nhỏ, thường là 3 gian - 2 chái và 1 gian - 2 chái, thì chuyện dựng nhà sàn gỗ của người Tày cũng cần ít nhất quãng thời gian 5 năm với hàng chục khối gỗ lớn, lạt, số lượng cột, kèo…”. 

Tuy nhiên, khi dựng nhà sàn đá lại chú trọng hơn đến khâu lựa chọn đá và sắp xếp chúng. Chẳng hạn, để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng, có khi gần một năm. Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt dầm gỗ, sau đó xếp những tấm ván hoặc tre để làm sàn, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2.

Những viên đá được chọn để dựng nhà gần như có kích thước tương đồng và chúng sẽ được gắn kết với nhau bằng hỗn hợp vôi trộn cát. Cũng giống như người Nùng An ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, người Tày ở làng Khuổi Kỵ cũng có các hàng rào, đường đi lại hoàn toàn được làm bằng đá núi. Trong tâm niệm của người dân nơi đây, đá được coi như một vị thần tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc có thể phục vụ cho các mục đích lâu dài trong đời sống sinh hoạt nên đã lập đền để thờ thần đá.

Linh thiêng tục thờ thần đá

Tục thờ thần đá không chỉ có ở tộc người Lô Lô sinh sống ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) diễn ra vào hàng năm, người Tày cũng có tục thời thần đá nhưng không được tổ chức linh đình, kéo dài nhiều ngày. Trong khi dân tộc Lô Lô tiến hành thờ cúng vào tiết trời thanh minh tháng 3 hàng năm thì người Tày lại thờ cúng khi gia đình hay làng xóm có dịp lễ cúng tổ tiên, thổ công. Việc thờ cúng “thần đá” cũng không cầu kỳ, nhiều đồ lễ mà chỉ cần một mâm cúng gồm rượu, gà hoặc vịt, tiền âm phủ thì có thể tiến hành lễ cúng, thậm chỉ chỉ cần một vài nhánh hương trầm dùng để tỏ lòng thành kính và biết ơn.

Theo cụ Nông Văn Khang (74 tuổi), người dân tộc Tày ở xã Đàm Thủy chia sẻ: “Tục thờ thần đá đã xuất hiện từ xa xưa, người ta còn gọi là tục thờ thần đá của người Tày cổ. Cho đến nay, nhiều nơi vẫn tồn tại, lưu giữ thờ thần đá, đặc biệt là người Tày ở xã Đàm Thủy. Cái nôi của văn hóa thờ đá núi là xóm Khuổi Kỵ bởi nơi đây đã từng được nhà Mạc đến khai phá và xây dựng. Cũng từ đó, tục thờ thần đá xuất hiện và lưu truyền cho đến tận bây giờ. Miền núi chúng tôi mở mắt ra là thấy núi đá, quay đầu cũng thấy núi đá vì thế đá luôn gắn liền với bản sắc, văn hóa của dân tộc người dân ở đây”.

Theo các bậc cao niên ở xã Đàm Thủy cho biết, đá trong tâm tưởng của đồng bào người Tày thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên. Người dân luôn coi đá như một phần trong cuộc sống. Thờ thần đá hộ mệnh và giữ rừng thiêng thì được thần và rừng bảo vệ. Tự bao giờ mái nhà sàn người Tày dựa lưng vào vách núi bên rừng già tạo nên phong cảnh đẹp hữu tình. Đường vào bản là hàng cây cổ thụ xếp thành hàng như một bờ rào khổng lồ, có cây mấy người ôm không xuể. Những năm khô hạn, ở đây vẫn có nước. 

Mưa lốc đổ xuống ầm ầm như thác nhưng lúa, ngô trên nương rẫy không trôi vì bên trên có rừng ngăn nước… Cứ làm lễ xong có trời mưa gieo ngô, trồng lúa, chim chóc, thú rừng lại kéo về… Bởi thế, những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn vững chắc tồn tại, mà không ai phá cả. Thậm chí bất cứ ai khi đi ngang qua những bức tường đá, chứng kiến chúng chẳng may bị  hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại. 

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao như một lũy thép kiên cố, vẫn bền bỉ, kiên định và chở che cho những cư dân hiền lành, chất phác nơi miền biên viễn. Hay nói như ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa huyện Trùng Khánh: “Đa số những người con của quê hương Đàm Thủy là dân tộc Tày, cho nên ngôi nhà cũng mang đậm bản sắc văn hóa của họ. Người Tày có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá”.

Đọc thêm