Huyện Cần Giuộc phát triển toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Huyện Cần Giuộc được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Long An. Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, sự đóng góp của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển vững mạnh kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Những kết quả ấn tượng

Một góc Thị trấn Cần Giuộc

Một góc Thị trấn Cần Giuộc

Nhìn chung, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng mạnh, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, huy động nguồn lực, xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng được doanh nghiệp và nhân dân đồng thuận, hưởng ứng cao.

Tổng thu ngân sách tính đến ngày 23/12/2022 đạt 696 tỷ đồng, đạt 102% dự toán tỉnh giao phấn đấu. Dự kiến cả năm thu được 700 tỷ đồng đạt 132% tỉnh giao phấn đấu. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách huyện quản lý gần 287 tỷ đồng, đến ngày 23/12/2022 đã giải ngân được 90,3%, dự kiến đến 31/01/2023 sẽ giải ngân đạt 100%; giải ngân 100% vốn đầu tư công tỉnh quản lý, hỗ trợ huyện; Tổng sản lượng lúa các vụ thu hoạch trong năm khoảng 34.596 tấn, đạt tỉ lệ 115,3% kế hoạch. Diện tích các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng lên nhiều, đến nay toàn huyện có khoảng 1.700 ha rau màu cho sản lượng 138.000 tấn. Diện tích nuôi tôm nước lợ hơn 1.916 ha, đạt 5.300 tấn (đạt 100% kế hoạch)…

Triển khai thực hiện chương trình Nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả tốt: Toàn huyện có 10/14 xã đạt chuẩn NTM, trong đó các xã Mỹ Lộc, Phước Lý, Phước Hậu được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện hướng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2023.

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh với các huyện giáp ranh của TP Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; công tác kiến thiết, chỉnh trang đô thị được quan tâm đầu tư tạo nên diện mạo mới cho huyện từ đô thị đến nông thôn.

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm 2022 đạt 807,09 tỷ đồng.

Năm 2022, huyện tiếp nhận 5 nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong các khu công nghiệp; tiếp nhận 2 nhà đầu tư vào hoạt động trong cụm công nghiệp. Đến nay, đã có 401 nhà đầu tư vào hoạt động trong khu công nghiệp và 7 nhà đầu tư vào hoạt động trong cụm công nghiệp.

Nhìn chung, năm 2022, huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với những thuận lợi cơ bản, song cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và tác động của tình hình thế giới cũng như trong nước.

Trước tình hình trên, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Huyện ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND huyện, công tác điều hành quyết liệt của UBND huyện và sự phối hợp, nỗ lực của các ngành, địa phương, sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội huyện đạt được nhiều kết quả khả quan, đã thực hiện đạt, vượt 24/24 chỉ tiêu chủ yếu kinh tế - xã hội: Thu ngân sách vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao phấn đấu; giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tập trung quyết liệt; công tác quản lý đất đai, xây dựng được siết chặt;

Khởi công và đảm bảo tiến độ thi công công trình cầu bắc qua sông Cần Giuộc - công trình trọng điểm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 (tiến độ đạt 47% kế hoạch); công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp được chú trọng; tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, giải quyết việc làm, giảm nghèo, quan tâm chăm lo, thăm hỏi các đối tượng chính sách; Thực hiện tốt công tác tuyển quân năm 2022 đạt chỉ tiêu 02 cấp.

Tổ chức và duy trì mô hình “Cà phê doanh nghiệp” vào sáng thứ Ba hàng tuần để gặp gỡ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Thiết lập, công bố đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực,...

Cần Giuộc phấn đấu đạt huyện nông thôn mới năm 2023

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân. Tiếp tục cải cách hành chính, củng cố, tổ chức bộ máy hoạt động ổn định, hiệu quả gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Năm 2023 sẽ xây dựng huyện Cần Giuộc đạt chuẩn NTM; Hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc; Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023”.

“Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng làm chuyển biến căn bản, tạo đà cho những năm tiếp theo hoàn thành thắng lợi trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, là năm tập trung thực hiện Nghị quyết HĐND huyện và kế hoạch của UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tình hình kinh tế - xã hội huyện sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, chính sách thắt chặt tín dụng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng…

Tuy nhiên, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị huyện, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An, Huyện ủy Cần Giuộc, sự ủng hộ đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Huyện ủy, UBND huyện cam kết tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất nhằm thúc đẩy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân và các thành phần kinh tế để hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương đề ra với tư duy “tự lực, tự cường; lấy con người và doanh nghiệp là trung tâm; xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”.

Phấn đấu giữ vai trò là trung tâm đô thị và công nghiệp, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Đọc thêm