Nhờ thế, những tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển, đời sống người dân dần được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Ngay từ đầu năm, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã gặp phải khó khăn, thách thức. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Vì vậy, huyện huyện Quảng Ninh đã thống nhất đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp trên cơ sở tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.
Do đó, những tháng đầu năm 2021 tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và có bước phát triển; thu ngân sách tăng khá so cùng kỳ, chính sách xã hội được chú trọng, nhân dân đón Tết nguyên đán Tân Sửu vui tươi, an toàn, tiết kiệm, công tác quản lý đầu tư xây dựng và tài nguyên môi trường có nhiều chuyển biến; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Với lợi thế đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện sản xuất, canh tác theo đúng kế hoạch; tiếp tục mở rộng xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Đặc biệt là nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương.
|
Ông Lê Văn Bảo, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiểm tra mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà màng tại thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh. |
Về sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn chăm sóc cây trồng vụ Đông Xuân. Nhìn chung, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, lúa hiện nay đang ở giai đoạn chín, đã thu hoạch 400ha lúa giống ngắn ngày, các loại cây trồng như; ngô, khoai lang, lạc, đậu các loại đang sinh trưởng phát triển tốt báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển và lưu thông sản phẩm gia súc, gia cầm để chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, triển khai phương án phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò và dịch Tả lợn Châu Phi. Tổ chức triển khai tiêm phòng vắc-xin được 4.725 liều cho đàn gia súc, gia cầm đợt I đúng theo kế hoạch.
Hoạt động khai thác hải sản xa bờ được tăng cường, nuôi trồng thủy sản tăng về quy mô, diện tích. Hiện Quảng Ninh đang tập trung thu hoạch diện tích nuôi thủy sản và hướng dẫn các hộ chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới, thả cá giống ở các vùng nuôi cá lúa kết hợp như An Ninh, Vạn Ninh, Lương Ninh, Vĩnh Ninh và triển khai thả giống Hàu treo dàn theo chính sách hỗ trợ của HĐND huyện.
Đến hết tháng 4/2021, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 470 ha, gồm: 430 ha nuôi cá, 39 ha nuôi tôm; cá lồng đã thả 30 lồng. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 1.504,2 tấn tăng 14,56% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng; đạt 607,1 tấn, so với cùng kỳ tăng 21,78%. Khai thác; đạt 897,1 tấn, so với cùng kỳ tăng 10,14%.
|
Mô hình nuôi hàu dây trên sông Nhật Lệ đưa lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh chụp trước 26/4/2021) |
Về Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2021; huyện Quảng Ninh tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đạt được hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Chỉ đạo 02 xã Xuân Ninh, Vĩnh Ninh xây dựng kế hoạch, lộ trình về xây dựng NTM nâng cao; phấn đấu có thêm 06 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Đến hết tháng 4/2021, tổng số tiêu chí của 14 xã là 250 tiêu chí, trung bình đạt 17,85 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 06 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 03 sao theo Quyết định của UBND tỉnh, hiện Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện và xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực theo kế hoạch.
Cùng với phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hết tháng 4/2021 đạt 77,53 tỷ đồng tăng 5,93% so với cùng kỳ.
Lũy kế 4 tháng đạt 292,44 tỷ đồng tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công ty cổ phần đạt 205,04 tỷ đồng tăng 2,9%; công ty TNHH đạt 43,23 tỷ đồng tăng 16,9%; HTX đạt 2,73 tỷ đồng tăng 8%; cá thể đạt 4,44 tỷ đồng tăng 6,3%. Giá trị sản xuất một số ngành công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ: Công nghiệp khai thác khai khoáng khác đạt 9,1 tỷ đồng tăng 10,1%; công nghiệp chế biến đạt 283,1 tỷ đồng tăng 5,2%.
|
Ông Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, (nguyên Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh) thăm, tặng quà HTX sản xuất chế biến hải sản Xuân Hồng, xã Hải Ninh. |
Là thành phần kinh tế quan trọng nhưng phải chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh và thiên tai, đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp đồng bộ, bình ổn thị trường, ngăn chặn các hoạt động kinh doanh không lành mạnh.
Cùng với đó là đẩy mạnh chủ trương phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại và quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở nên hoạt động thương mại, dịch vụ đạt 254,5 tỷ đồng, tăng 25,72% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,52 tỷ đồng, tăng 7,85% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải tháng đạt 7,02 tỷ đồng so cùng kỳ tăng 42,05%. Ngoài ra nhờ tích cực kêu gọi, thu hút vốn đầu tư; quy hoạch hợp lý và đấu giá quỹ đất... thu ngân sách trên địa đến hết tháng 4/2021 đạt 239,3 tỷ đồng, đạt 52% dự toán huyện giao.
|
Những cánh đồng ở huyện Quảng Ninh luôn hứa hẹn những vụ mùa bội thu. |
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới huyện Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và tỉnh về bảo đảm “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành.
Tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản như: hàu, cá diếc, tôm... Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng thời, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; kịp thời phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng.
|
Kiểm tra thiệt hại do lũ lụt, sạt lở đất (tháng 10/2020) tại bản Sắt xã Trường Sơn. |
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực chăn nuôi, kiểm soát tốt công tác tái đàn; chăn nuôi theo hướng tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh gắn với an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra phòng chống cháy rừng. Đào tạo nghề mới và duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động, hỗ trợ lao động. Triển khai thực hiện công tác phòng, chống gian lận thương mại; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành lập mới doanh nghiệp, khuyến khích phát triển HTX; kêu gọi, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản; chất lượng nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021.
|
Lãnh đạo UBND huyện đi kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại trong trận mưa lũ lịch sử (tháng 10/2020). |
Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước; trong đó, tập trung tuyên truyền công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề cho người lao động.