Huyền thoại về cá sấu vua trên đất Cảng

Vẫn có cảm giác lạnh lạnh ở gáy khi nghe nhắc đến cái tên cá sấu dù nhiều lần được thưởng thức thịt cá sấu trên bàn tiệc và đi đôi giày da cá sấu xịn do chính tay “ông trùm cá sấu đất Cảng” Cao Xuân Tuyến tặng.

Tương truyền,  ngày xưa, đích thân vua Chế Mân của xứ Chiêm Thành  tặng vua Trần cặp cá sấu vua để tỏ lòng kính phục. Sau khi vua Trần mất, cặp cá sấu này bơi ra sông, đến nay, những hậu duệ của chúng vẫn lẩn khuất nơi nào đó. Ít người biết, có một nơi tại Hải Phòng đang nuôi dưỡng chú cá sấu được cho là hậu duệ của cặp cá huyền thoại đó…

Cá sấu ở trang trại của anh Cao Xuân Tuyến.
Cá sấu ở trang trại của anh Cao Xuân Tuyến.

 

Cá sấu- huyền thoại từ Đông sang Tây

 

Vẫn có cảm giác lạnh lạnh ở gáy khi nghe nhắc đến cái tên cá sấu dù nhiều lần được thưởng thức thịt cá sấu trên bàn tiệc và đi đôi giày da cá sấu xịn do chính tay “ông trùm cá sấu đất Cảng” Cao Xuân Tuyến tặng. Cá sấu là loài vật của huyền thoại, truyền thuyết, thi ca và những câu chuyện kinh dị mà kể từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác… cũng chẳng hết.

 

Những người già Trung Quốc thường kể lại cho con cháu nghe câu chuyện cổ tích về loài vật sáng tạo ra trống, tạo nhịp điệu cho âm nhạc và thổi hơi thở vào sự sống trong vũ trụ. Còn với người dân Cam-pu-chia, cá sấu lại là biểu tượng của ánh sáng, khi dịu dàng, lúc dữ dội. Với người Thái Lan, cá sấu là biểu tượng của nguồn sống: nước- tạo nên những vụ mùa bội thu.

 

Những thổ dân Aztec ở Mê-hi-cô coi cá sấu là vị thần sáng tạo ra đất đai, làng mạc. Họ tôn thờ vị thần dũng cảm rời bỏ biển khơi để đem đến sự sống cho con người và muôn loài. Với nhiều bộ lạc ở châu Phi, trong những lễ hội gọi đất và mặt trời, không thể thiếu được vũ điệu cá sấu- dịu dàng uyển chuyển nhưng cũng không kém phần quyết liệt mạnh mẽ. Ở các nước phương Tây, cá sấu lại được nhân cách hóa thành loài vật có khả năng nuốt cả mặt trời..

 

Ở Việt Nam , cá sấu đi vào trong các câu chuyện dân gian mà hằng đêm, bà thường kể cho cháu nghe. Cá sấu được ví với những kẻ tham lam, độc ác. Câu “nước mắt cá sấu”- ám chỉ những kẻ vô lương tâm chỉ giỏi giả bộ, bắt nguồn từ đặc tính khi ăn thịt con vật khác, nước mắt cá sấu lại lã chã rơi “khóc” cho con mồi.

 

Mặc dù được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng tựu trung lại, người xưa đều khiếp sợ, kính phục trước loài cá sấu. Đến nay, mặc dù thịt “được” đưa lên bàn tiệc, da để làm vật dụng cao cấp, nhưng vẫn còn khá nhiều điều bí ẩn chưa thể giải thích được về loài cá sấu. Vì thế, cá sấu vẫn tiếp tục là loài vật của huyền thoại, đề tài của những câu chuyện kể thú vị và gây cho người nghe cảm giác lạnh lạnh ở gáy…

Bia ghi huyền thoạt về cá sấu vua.
Bia ghi huyền thoạt về cá sấu vua.

 

Cá sấu vua ở Hải Phòng

 

Đến thăm trang trại cá sấu của anh Cao Xuân Tuyến (phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng), rất thú vị khi thấy những câu thơ trong truyện Kiều, văn tế cá sấu…khắc trên đá. Những câu thơ này nhắc đến cái tên xa xưa của chúng: ngạc ngư. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là truyền thuyết về loài cá sấu vua được khắc trên bia đá ngay chỗ nuôi con cá sấu vua duy nhất của trang trại…

 

Tương truyền, sau chiến thắng lần thứ 3 trước quân Nguyên 1288, vua Trần Nhân Tông đi chân đất vào thăm và gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Cảm kích, vua Chế Mân tặng nhà vua một đôi kiến khổng lồ, một đôi voi trắng và một đôi cá sấu vua. Vua Trần rất yêu quý đôi cá sấu vua này và nuôi chúng trong vườn thượng uyển. Sau khi vua Trần mất, đôi cá sấu này bị quên lãng và chúng bơi ra sông sinh sống. Khi đó, đàn cá sấu trong miền Nam ngược nước bơi ra gặp vua của mình. Sau hàng tháng trời, đàn cá sấu này mới tới được nơi đôi cá sấu vua kia ngự. Cá sấu nổi đầy sông khiến nhà nhà, người người sợ hãi. Nhà vua phải sai tìm người làm văn tế đuổi cá sấu rồi đốt thành tro thả xuống sông, đàn cá sấu mới chịu trở về quê hương bản quán. Riêng đôi cá sấu vua, không dám trái lời vua Chế Mân, ở lại. Hàng trăm năm qua, những hậu duệ của chúng vẫn còn đâu đó trên sông. Thỉnh thoảng, những người làm nghề chài lưới lại bắt gặp và họ đều sợ hãi tránh xa.

 

Anh Tuyến cho biết, năm 1993 anh vô tình gặp được người đàn ông tên Mùi ở Hải Dương. Qua câu chuyện trên ô tô, anh biết được ông Mùi nuôi một con cá sấu nặng gần 1 tạ. Con cá sấu đó  mua của một người làm nghề chài lưới trên sông Phú Lương. Tương truyền, tại đoạn sông đó xưa kia đôi cá sấu vua từng ngự. Khi đánh bắt được con cá sấu nhỏ này, thấy hình dáng cũng như đôi mắt khác hẳn cá sấu thường, anh giữ lại nuôi. Càng nuôi, càng thấy sự khác lạ, anh đoán có lẽ là hậu duệ của đôi cá sấu vua. Nếu câu chuyện có thực, con cá sấu này là hậu duệ đời thứ 25.

 

Cảm kích trước tấm lòng với cá sấu của anh Tuyến, ông Mùi nhượng lại con cá sấu vua nhỏ. Anh Tuyến còn nhớ rất rõ khi chia tay ông Mùi, con cá sấu vua rất buồn, mắt chỉ rướm lệ chứ không chảy thành dòng như khi chúng ăn thức ăn. Đó là lần đầu  trong đời, anh thấy nước mắt thật của cá sấu- nước mắt của tình nghĩa và sự tri ân.

 

Hơn 17 năm qua, giờ con cá sấu vua tại trang trại của anh Tuyến đã nặng hơn 2 tạ và càng ngày càng bộc lộ tính cách “vương giả” của mình. Vì thế, anh lập riêng một đền thờ tại nơi nuôi nó. Một điều rất đặc biệt, hằng ngày, “ông vua” này luôn ngâm mình dưới nước, chỉ buổi sáng mồng một và ngày rằm, khi thắp hương, mới bò lên phơi nắng. Vị “vua không ngai” này vẫn buồn bã bởi chưa tìm được “hoàng hậu” ưng ý. Theo lời anh Tuyến, cũng vài lần thử cho con cá sấu cái khác vào làm bạn, nhưng chỉ vài hôm, con cá sấu cái, do không chịu được sức mạnh của “vua” mà yểu mệnh. Anh cười bảo, chắc nó đang mong mỏi hoàng hậu cho riêng mình lắm.

 

Thái Phan

 

Đọc thêm