Hy Lạp tê liệt vì tổng đình công

Mọi hoạt động ở Hy Lạp hôm qua (19/10) đã bị tê liệt khi các tổ chức công đoàn bắt đầu cuộc tổng đình công kéo dài 48 giờ. Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Hy Lạp chuẩn bị bỏ phiếu biểu quyết các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Mọi hoạt động ở Hy Lạp hôm qua (19/10) đã bị tê liệt khi các tổ chức công đoàn bắt đầu cuộc tổng đình công kéo dài 48 giờ. Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Hy Lạp chuẩn bị bỏ phiếu biểu quyết các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Người biểu tình ở Hy Lạp. Ảnh AP
Người biểu tình ở Hy Lạp. Ảnh AP

Tất cả các đối tượng – từ các nha sỹ, bác sỹ tại bệnh viện công và luật sư cho đến chủ cửa hàng, nhân viên phòng thuế, dược sỹ, các nhân viên tại các bến xe - đều đồng loạt nghỉ việc từ ngày 19/10.

Trong khi đó, các công đoàn đả kích cuộc biểu quyết thông qua các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới, bao gồm việc tăng nhiều khoản thuế, giảm chi tiêu và cắt việc làm.

Cuộc tổng đình công lớn nhất kể từ đầu năm 2011 này dẫn đến việc các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, các dịch vụ công và thậm chí là những nhà cung cấp các nhu yếu phẩm như các cửa hàng, tiệm bánh buộc phải đóng cửa và rất có thể sẽ đạt đỉnh điểm với hàng loạt các cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng Quốc hội.

Các nhân viên kiểm soát không lưu đã quyết định rút ngắn thời gian nghỉ việc từ 48 giờ xuống còn 12 giờ và bắt đầu làm việc từ 09h00 GMT để giảm thiểu ảnh hưởng tới các hành khách.

“Từ giữa đêm cho đến chiều ngày 19/10, 150 chuyến bay nội địa và quốc tế đến và đi đã bị hủy bỏ trong khi 16 chuyến bay khác đã được sắp xếp lại. Tình hình ở sân bay khá yên lặng” – một phát ngôn viên của sân bay Athens nói với hãng tin Reuters.

Cuộc đình công diễn ra trong khi các nhà lãnh đạo EU đang chật vật phác thảo gói cứu trợ mới cho cuộc họp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 23 tới, với hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận về các biện pháp để bảo vệ hệ thống tài chính khu vực khỏi nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp.

Thông điệp mạnh mẽ

“Chúng tôi sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ và hệ thống chính trị” – ông Costas Tsikrikas - người đứng đầu tổ chức công đoàn lớn nhất Hy Lạp trong khu vực công Adedy nói, đồng thời cho biết sẽ có thêm rất nhiều người tham gia vào sự kiện này. Adely và công đoàn những người lao động trong lĩnh vực tư nhân GSEE đã phối hợp tổ chức cuộc tổng đình công với lý do những biện pháp cắt giảm mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và xã hội.

Cảnh sát cũng đã được triển khai đến các tuyến phố để ngăn chặn những cuộc biểu tình có tổ chức. Con đường chính dẫn đến khu văn phòng Quốc hội cùng với 2 bến tàu điện ngầm cũng đã phải đóng cửa. Hồi tháng 6 vừa qua, khi cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp lên đến đỉnh điểm, cảnh sát và những người biểu tình đã xảy ra nhiều vụ bạo động trong suốt 2 ngày ngay trước trụ sở Quốc hội.

Cuộc suy thoái ở Hy Lạp đã bước sang năm thứ 3 với khoản nợ công hiện chiếm 162% tổng sản phẩm quốc nội và ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng, dù liên tục nhắc lại điệp khúc “thắt lưng buộc bụng”.

Phát biểu trước các thành viên của đảng PASOK cuối ngày 18/10, Thủ tướng George Papandreou đã so sánh tình hình mà Hy Lạp đang phải đối mặt với một “cuộc chiến tranh” và kêu gọi các thành viên trong đảng ủng hộ các biện pháp cắt giảm sâu rộng. “Chúng ta – những người dân, chính phủ và những nghị sỹ trong đảng -  phải đồng lòng và kiên trì trong cuộc chiến này, để đất nước giành thắng lợi” – Thủ tướng Papandreou nói.

Đảng Pasok của ông Papandreou hiện đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội nhưng một số nghị sỹ trong đảng đe dọa sẽ bỏ phiếu chống lại các biện pháp trên. Một Phó chủ tịch đảng thậm chí từ chức hôm 17/10 để bày tỏ sự phản đối.

Các nhà lập pháp Hy Lạp trong 2 ngày 19 và 20/10 sẽ bỏ phiếu về 2 dự luật, trong đó có những khoản cắt giảm lương, tăng thuế và sa thải nhân công theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng quốc tế - những người đã yêu cầu Hy Lạp phải có hành động mạnh mẽ hơn.

Thanh Tùng (Theo Reuters, BBC)

Đọc thêm