Ga Đà Lạt, một kiến trúc rất đẹp đã được công nhận là di tích kiến trúc văn hóa quốc gia và là một địa chỉ du lịch luôn hấp dẫn du khách khi đến với Đà lạt.
|
Ga Đà Lạt. Ảnh: Internet |
Ga Đà lạt hiện có một tuyến đường sắt ngắn khoảng 7 cây số đến Trại Mát. Tuyến này được đầu tư 11 tỷ đồng năm 1991 để phục vụ khách du lịch đi ngắm cảnh thành phố Đà Lạt, thăm chùa Linh Phước, mỗi ngày có 4 chuyến. Bình quân mỗi năm tuyến du lịch đường sắt cao nguyên ngắn ngủi này cũng đón trên 50000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Nhưng đã từ lâu rồi Ga Đà Lạt không còn hoạt động như các ga tàu hỏa trong nước. Tại đây có bán vé cho người có nhu cầu đi xe lửa Bắc - Nam, song khách đi tàu phải mất một chặng xe ca đến Ga Tháp Chàm ở Phan Rang rồi lại phải chờ tàu ở đó một thời gian mới đi được. Đến thăm Ga Đà Lạt, khi nghe giới thiệu về lịch sử của một nhà ga cao nguyên đã có trên 70 năm lịch sử, nhiều người dân Đà lạt và du khách cứ băn khoăn với một câu hỏi: bao giờ tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, tuyến đường sắt mang lại ích lợi lớn cho vùng cao nguyên Lang bian này mới được khôi phục ?
|
Đầu tàu cổ đang nằm tại ga Đà Lạt. Ảnh: Internet |
Theo tư liệu lịch sử, thì tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với 84km, có 16km đường sắt răng cưa được khởi công năm 1906, do việc thi công rất khó khăn nên mãi đến 27 năm sau (tức năm 1933), toàn quyền Pháp ở Đông dương là Paul Doumer mới khai trương. Năm 1932 nhà Ga Đà Lạt được khởi công xây dựng và đến năm 1938 khánh thành. Ga Đà Lạt do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được đánh giá là nhà ga đẹp nhất vùng Đông Dương lúc bấy giờ. Thời đó đã có tàu hỏa Sài Gòn - Đà Lạt (21 giờ), Hà Nội - Đà Lạt (48-50 giờ). Khách từ Sài Gòn, Hà Nội đến Đà Lạt chủ yếu là khách du lịch, nghỉ mát và phải đổi tàu ở Ga Tháp Chàm. Tàu hỏa lên Đà Lạt mỗi ngày có 3 chuyến, do leo đèo cao nên đoàn tàu chỉ có 4 toa xe để đảm bảo an toàn. Năm 1937, đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt chuyên chở 79.415 hành khách, 12.700 tấn hàng hóa. Từ Tháp Chàm đến Krongpha dài 41km, xe lửa chỉ mất 1 giờ 42 phút với vận tốc trung bình: 24,1km/giờ, nhưng từ Krongpha lên Đà Lạt dài 43km, xe phải mất 3 giờ 18 phút với vận tốc trung bình là 13km/giờ vì xe lửa vư¬ợt đèo Ngoạn Mục, Dran, chạy trên 16 km đường răng cưa và chui qua nhiều hầm trong đó hầm dài nhất, giữa Cầu Đất và Trạm Hành dài hơn 650m. Trọng tải hạn chế, xe lửa chỉ chở đ¬ược 65 tấn khi leo dốc và 55 tấn khi xuống dốc. Đoạn đường sắt răng cưa là công nghệ Thụy Điển, do kỹ sư Thụy Điển thiết kế vì họ có nhiều kinh nghiệm về thiết kế đường sắt đồi núi. Trong chiến tranh chống Mỹ, tuyến đường sắt này được Mỹ ngụy sử dụng để vận chuyển súng đạn quân trang từ Phan Rang lên cao nguyên. Đến năm 1972, tuyến đường sắt mới bị ngưng hoạt động cho đến nay.
|
Đường hầm số 1-đoạn K’rong pha-Ka Bơ. Ảnh: Đất Việt |
Với ưu thế của một thành phố du lịch, mỗi năm Đà lạt đón hơn 1,2 triệu du khách, trong đó có gần 100.000 du khách nước ngoài. Hiện nay, du khách đến Đà Lạt chỉ có 2 tuyến, một là đi máy bay đến sân bay Liên Khương rồi tăng bo bằng xe du lịch lên Đà Lạt thêm 20 km đường bộ, hai là đi xe hơi, xe khách liên tỉnh từ Phan rang dài 120 km hoặc từ Sài Gòn dài 300 km. Tuy nhiên vì chất lượng đường giao thông chưa thật tốt, đường lại xa, qua nhiều đèo cao nguy hiểm nên nhiều du khách còn ngần ngại. Cho nên việc khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là vấn đề cần thiết để thu hút khách, nhằm phát triển kinh tế du lịch của cả nước. Nếu có tuyến đường sắt lên Đà Lạt, lượng khách du lịch chắc chắn sẽ tăng đột biến. Được biết, trong các dự án đầu tư từ nay đến năm 2020, Dự án khôi phục và phát triển hệ thống đường sắt ở Đà Lạt đã được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Đó là hy vọng mới đang được nhen nhóm từ hôm nay, khi Đà lạt đã chính thức trở thành đô thị loại I !
Theo Hữu Phúc (Đài PTTH Lâm Đồng)