Hy vọng trong điều trị trẻ nhiễm HIV/AIDS tại Hải Phòng

Được mọi người trong nhóm “Sóng Biển” (nhóm những người có HIV thị xã Đồ Sơn) mà chị Hằng đang sinh hoạt giới thiệu, chị đưa con đến Phòng khám ngoại trú Nhi, BV Nhi Hải Phòng khám và XN...

Nếu được phát hiện và điều trị (ĐT) sớm, các em sẽ kéo dài hơn sự sống. Nếu như được yêu thương và bù đắp, hạnh phúc của các em sẽ trọn vẹn hơn… Đó là điều mong ước mà chúng tôi muốn có được sau chuyến thực tế về hoạt động ĐT cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS thành phố cảng Hải Phòng.

Bức tranh xám màu

Phòng khám ngoại trú nhi, Bệnh viện (BV) Nhi Hải Phòng – nơi khám, tư vấn và ĐT cho trẻ nhiễm HIV/AIDS thành phố Hải Phòng nằm trong góc sâu nhất của BV. Hỏi thăm năm lần, bảy lượt, vượt qua một dãy hành lang tối om và sâu hun hút, chúng tôi mới tìm đến được phòng khám. Vì hành lang quá tối nên chúng tôi chưa nhìn rõ tấm biển đề tên phòng khám.

Lúc rảnh rỗi, các em lại cặm cụi sáng tác và vẽ tranh

Tuy nhiên, nhìn những thân hình nhỏ bé, gầy guộc và làn da xanh xao của người nhà bệnh nhân (BN) và các BN đang ngồi chầu chực chờ khám bên ngoài hành lang, chúng tôi biết đây chính là điểm cần đến.

Là một trong những “điểm nóng” của cả nước về đại dịch HIV/AIDS. Hơn nữa, do sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ở thành phố cảng còn rất nặng nề nên việc tiếp xúc với BN và người nhà của họ tại phòng khám không đơn giản.

Các bác sỹ (BS) và y tá, tình nguyện viên ở dây đều không mấy thiện chí khi tiếp cận và cung cấp thông tin cho chúng tôi. Theo các BS chuyên khoa ĐT cho BN ở đây cho biết, hiện tại Phòng khám ngoại trú nhi Hải Phòng đang ĐT cho 200 cháu (em nhỏ nhất mới 1 tháng tuổi và em lớn nhất đã 15 tuổi), trong đó có 79 cháu phơi nhiễm với HIV (những cháu được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm HIV nhưng chưa khẳng định được tình trạng nhiễm HIV); 113 cháu đang ĐT ARV.

Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng nhiễm HIV/AIDS của trẻ em thành phố bởi việc phát hiện tình trạng nhiễm của các cháu vô cùng khó khăn – L một tình nguyện viên phòng chống HIV/AIDS ở An Lão, Hải Phòng cho biết. Bằng chứng là, phải mất rất nhiều thời gian tư vấn, vận động anh mới thuyết phục được một cặp khách hàng ở huyện nhà đồng ý đưa con đến phòng khám ngoại trú khám và làm xét nghiệm. Thậm chí, để họ yên tâm, đích thân anh phải trực tiếp đưa con họ đi khám, xét nghiệm (XN), rồi chờ lấy kết quả…

“Nếu được phát hiện sớm và ĐT kịp thời, các cháu sẽ kéo dài thêm sự sống. Nhưng, trong thực tế chỉ vì không muốn mọi người kỳ thị và phân biệt đối xử, phần lớn gia đình bệnh nhi đưa con đến ĐT bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì thế, tỷ lệ tử vong vì bệnh này rất cao” – Y tá Lâm Thị Thà, Phòng khám ngoại trú Nhi, BV Nhi Hải Phòng buồn bã cho hay.

Ánh sáng cuối chân trời

Theo sự chỉ dẫn của các BS Phòng khám ngoại trú Nhi, BV Nhi Hải Phòng, chúng tôi tìm đến nhà cháu Lưu Thanh Huyền (15 tuổi ở Đồ Sơn, Hải Phòng). Năm nay Huyền 15 tuổi. Đây cũng là BN lớn tuổi nhất khoa. Hiện, Huyền đang sống cùng mẹ, bố và bác trai ruột của em đều đã chết vì AIDS. Chị Trần Thị Hằng – mẹ Huyền cho biết, hết chồng rồi đến bản thân mình bị phát hiện nhiễm HIV, chị đã ngất lên, ngất xuống.

Với trẻ phơi nhiễm HIV thì cách nuôi dưỡng là vấn đề được đặc biệt chú ý để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thay vì cho bú mẹ thì những trẻ này được ăn sữa thay thế hoàn toàn ngay từ khi mới sinh. Đến 4 tuần tuổi trẻ sẽ được XN để khẳng định có nhiễm HIV hay không. Cháu nào nhiễm HIV sẽ được theo dõi sức khỏe và được ĐT bằng thuốc kháng virus ARV. Việc ĐT ARV ở trẻ em sẽ được các BS chỉ định tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của các cháu. Hàng tháng các cháu được khám định kỳ và nhận thuốc về uống. Và, cứ 6 tháng 1 lần, các cháu được làm XN để đo số lượng tế bào bảo vệ CD4. Tất cả các dịch vụ chăm sóc và ĐT này đều đang được cung cấp miễn phí.

(Nguồn: Phòng khám ngoại trú Nhi, BV Nhi Hải Phòng). 

Rồi khi hay tin đứa con gái duy nhất của mình cũng bị mắc căn bệnh thế kỷ, chị suy sụp hoàn toàn. Đã thế, lại bị nhà chồng đoạn tuyệt, chị càng thêm tuyệt vọng. Không biết bao nhiêu đêm rồi, chị thức trắng đêm, khóc cạn nước mắt và tự hỏi: “Mình bị lây bệnh từ chồng đã đành. Con mình có tội tình gì mà bị như vậy?”. Và chị thương con vô cùng. “Nhưng biết phải làm sao???”.

Rồi, cơn khủng hoảng tinh thần cũng qua đi. Sau khi được ĐT các bệnh nhiễm trùng cơ hội và được ĐT bằng thuốc kháng virus ARV, sức khỏe của chị Hằng dần hồi phục. Lúc này đây, chị lại nghĩ đến con, nghĩ tới tương lai của con…

Được mọi người trong nhóm “Sóng Biển” (nhóm những người có HIV thị xã Đồ Sơn) mà chị đang sinh hoạt giới thiệu, chị đưa con đến Phòng khám ngoại trú Nhi, BV Nhi Hải Phòng khám và XN. Rồi cháu được ĐT bằng thuốc ARV.

Huyền được theo dõi sức khỏe định kỳ tại đây từ năm lên 6 tuổi. Tính đến nay, em đã gắn bó với phòng khám này được 6 năm. Vì thế, em không chỉ quen mặt, biết tên tất cả các BS, y tá, tình nguyện viên ở đây mà còn thuộc lòng cả quy trình khám và ĐT bệnh của mình...

Ngày nào Huyền cũng phải uống thuốc. Đó là điều Huyền rất thuộc những mẹ Hằng vẫn phải nhắc nhở mỗi lần đi khám về. Bởi một nguyên tắc trong ĐT ARV là người bệnh phải uống thuốc hàng ngày và phải uống thuốc suốt đời. Ngoài việc uống thuốc để duy trì sức khỏe, Huyền còn phải phấn đấu học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang.

Ngoài thời gian học bài, lúc rảnh rỗi Huyền lại cặm cụi sáng tác và vẽ tranh. Không chỉ ham mê vẽ, em còn tự tay cắt may những bộ quần áo cho búp bê, gấp hoa, đặc biệt em rất thích gấp những con hạc giấy, bởi theo Huyền những chú hạc ấy sẽ biến những ước mơ của hai mẹ con em trở thành hiện thực.

Không phải ước mơ nào rồi cũng trở thành hiện thực. Nhưng những người thân của Huyền đều có thể cảm nhận được rằng, em đang nỗ lực để thực hiện được ước mơ ấy. Và, hiện thực ấy đang đến rất gần. Mỗi chiều tan học về, Huyền lại giúp mẹ nhặt rau, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Nhìn em khỏe mạnh, xinh đẹp, hồn nhiên và phát triển bình thường như con em mình, không ai ở xóm phố còn ngại tiếp xúc với mẹ con em nữa.

Tất thảy đều mong muốn hai mẹ con em khỏe mạnh. Và, ngôi nhà nhỏ bé, thân thương của hai mẹ con lại ấm áp, rộn rã tiếng cười và đầy ắp niềm tin, hy vọng…

Đoan Trang

Đọc thêm