“Những gương mặt văn học trẻ Đà Nẵng ít nhiều đã tạo được dấu ấn riêng trong dòng chảy của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Chúng ta có thể đặt kỳ vọng vào một thế hệ nhà văn với những bước chuyển mình đáng ghi nhận...”.
|
Bìa tập sách “Giao hưởng và Đốm lửa” (Tuyển tập thơ và truyện ngắn của 15 tác giả trẻ tiêu biểu của Đà Nẵng). |
Đó là nhận định của ông Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng về lớp nhà văn bắt đầu cầm bút từ những năm 1990 đến nay. “Họ là những người được học hành tử tế, có ngoại ngữ…, lối viết của họ đa dạng hơn chúng tôi rất nhiều…, tôi rất hy vọng”. Nhà thơ Thanh Quế - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng cũng nhiệt thành khẳng định.
Là hậu sinh của những Nguyên Ngọc, Thu Bồn…, những cái tên như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đoàn Minh Châu, Nguyễn Thị Anh Đào… đang “trỗi dậy”, bằng những cách thức khác nhau để khẳng định giọng nói riêng của thế hệ mình. Nguyễn Hữu Hồng Minh được xem là nhà thơ có lớp ngôn từ đặc biệt sôi nổi đến mức quyết liệt. Đôi khi, tác giả trẻ này cũng gặp phản ứng của các lớp đàn anh vì sự táo bạo của mình, nhưng vượt lên tất cả, anh đã tạo được một giọng thơ khó lẫn với ai khác. Nhà thơ Đoàn Minh Châu không màng nổi tiếng, anh luôn quan niệm “viết chỉ để cho mình”. Chính quan niệm này đã tạo nên trong thơ anh những hình ảnh, câu chữ phóng túng, lạ kỳ, độc đáo và có giá trị nghệ thuật. Nguyễn Thị Anh Đào lại là một cây bút khá đa dạng, chị viết cả truyện ngắn và thơ. Đối với tác giả nữ này, ở thể loại nào chị cũng bộc lộ một vốn ngôn ngữ phong phú và đậm tính chuyên nghiệp, ở mức độ nào đó, người ta đánh giá chị là cây bút có văn phong chuẩn mực…
Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố bày tỏ sự vui mừng đặc biệt khi ở thế hệ nhà văn này có sự hiện diện của những cây bút còn rất trẻ, tiêu biểu nhất là trường hợp Phạm Nguyễn Ca Dao, đang học lớp 10 ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Nhà văn nhí này đã cho thấy là một cây bút đầy triển vọng ở lĩnh vực truyện ngắn. Hai truyện ngắn “Lỗ hổng” và “Tiếng rừng” của Dao có chỗ đứng đàng hoàng trong tập “Giao hưởng và Đốm lửa” (Tuyển tập những tác phẩm thơ và truyện ngắn của 15 tác giả văn học trẻ tiêu biểu của thành phố) đã nói lên tất cả.
Được biết, hằng năm Hội Nhà văn Đà Nẵng đều tổ chức các trại sáng tác văn học thiếu nhi, trại sáng tác văn học dành cho các học sinh trung học do các trường giới thiệu lên (mỗi năm chọn 20 em) nhằm phát hiện và có kế hoạch đào tạo thích hợp, phát triển năng khiếu của các em. Những năm gần đây, Đà Nẵng là nơi quy tụ nhiều nhân tài trên các lĩnh vực, những nhà văn đang ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng lần lượt về quê sinh sống, sáng tác cũng là lý do để chúng ta kỳ vọng về tương lai của một thế hệ những người viết văn mới.
Còn đó những trăn trở...
Viết văn, xưa nay vẫn không được cho là một cái nghề để mưu sinh và thực tế, cũng không mấy ai sống được chỉ bằng những dòng bộc bạch từ chính nội tâm của mình. Chính vì thế, lớp nhà văn trẻ Đà Nẵng, tiềm năng thì nhiều nhưng để có ai đó sống chết với nghề thì quả là chuyện quá khó. Phần lớn những nhà văn của chúng ta là những kỹ sư, bác sĩ, nhà báo... họ chỉ tranh thủ viết văn những khi rảnh rỗi và có hứng. Sự viết tùy hứng do đó, ngoài việc đem lại những hiệu quả bất ngờ, nó cũng đi kèm một hệ quả tất yếu là các nhà văn chưa thể có những tác phẩm thực sự chuyên nghiệp. Họ đã không thể tạo ra được cái gì đó ồn ào, chấn động, mà chỉ âm thầm qua những trang thơ, trang văn thể hiện tiếng nói thế hệ mình.
Có điều, chính Chủ tịch Hội Nhà văn, đồng thời là nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm cũng bộc bạch: “Nghề văn nó lạ lắm, không như những nghề khác - cứ có thời gian là làm được, nhiều khi rảnh cả tháng, chẳng viết được chữ nào, có khi thơ chỉ là một khoảnh khắc bên quán cà-phê, khoảnh khắc một mình trong đêm vắng...”. Do đó, cũng không thể khuyên người ta bỏ hết ngành nghề mình đang mưu sinh để chú tâm duy nhất vào việc viết văn. Chỉ hy vọng rằng, những nhà văn trẻ của chúng ta, trong năm mới, sẽ có những bước đột phá, để họ không còn chỉ là những “đốm lửa” trên dàn “giao hưởng” chung của nền văn chương nước nhà.
Bài và ảnh: TRẦN THANH TÂN