IAEA “căng thẳng” quanh chuyện Iran

Chương trình hạt nhân gây tranh cãi ở Iran lại một lần nữa trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận tại hội đồng điều hành của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) bắt đầu họp kín từ hôm qua (4/6) tại Vienna, Áo.

Chương trình hạt nhân gây tranh cãi ở Iran lại một lần nữa trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận tại hội đồng điều hành của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) bắt đầu họp kín từ hôm qua (4/6) tại Vienna, Áo.

Tổng Giám đốc IAEA tại Tehran hôm 22/5. Ảnh: AFP
Tổng Giám đốc IAEA tại Tehran hôm 22/5. Ảnh: AFP

Các nước lớn và Israel vẫn đang nghi ngờ Iran có thể phát triển vũ khí nguyên tử dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự, điều mà Cộng hòa Hồi giáo Iran luôn luôn bác bỏ và khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ các mục đích hòa bình.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei hôm 3/6 còn cáo buộc các nước phương Tây cố tình khuấy động “sự dối trá” về mối nguy hiểm hạt nhân Iran chỉ vì họ “sợ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”.

Cuộc họp của 35 nước thành viên trong hội đồng điều hành cơ quan thuộc Tổ chức Liên Hợp Quốc (LHQ) này sẽ kéo dài từ ngày 4/6 đến ngày 8/6 tới.

Trong một bản báo cáo mới nhất, Tổng Giám đốc IAEA người Nhật Bản Yukiya Amano đã thúc ép Iran ký một thỏa thuận với IAEA để cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các khu hạt nhân, các tài liệu và những người có khả năng giúp làm sáng tỏ bản chất chương trình hạt nhân của Tehran.

Về phần mình, sau một chuyến thăm chớp nhoáng mới đây tới Tehran, ông Amano đã khẳng định rằng bản thỏa thuận có thể sẽ được ký kết trong thời gian tới, dựa trên những lời hứa từ phía nhà thương thuyết Iran Said Jalili. Nhưng hai tuần trôi qua, vẫn chưa có gì diễn ra.

 IAIA trước hết muốn tiếp cận khu vực quân sự Parchin, nơi mà tổ chức này nghi ngờ Iran tiến hành các cuộc thử nghiệm chất nổ thông thường mà có thể liên quan tới hạt nhân. IAEA lo ngại rằng Iran đang xóa đi những dấu vết tại các khu vực đang bị nghi ngờ.

Bản báo cáo của IAEA cũng cho rằng có sự tăng cường khả năng sản xuất tại khu vực hạt nhân ngầm gây tranh cãi Fordo, nơi Tehran làm giàu uranium tới 20%. Bản báo cáo này có thể khiến các nước lớn đưa ra những tuyên bố mới thúc ép Iran hợp tác một cách toàn diện giống như cách đây 3 tháng, các nguồn tin ngoại giao cho biết.

Không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của IAEA, hiện hồ sơ hạt nhân Iran cũng nằm trong chương trình nghị sự của “hội nghị thượng đỉnh” Liên minh châu Âu (EU)-Nga tại Matxcơva diễn ra từ ngày 3-4/6, các cuộc gặp từ ngày 5-7/6 tại Bắc Kinh của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Iran (các ông Hồ Cẩm Đào, Vladimir Putin và Mahmud Ahmadinejad). Một bước tiến trong các cuộc thảo luận với IAEA sẽ được hoan nghênh trước khi nối lại các cuộc đàm phán với Nhóm 5+1 (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) vào ngày 18-19/6 tới tại Matxcơva.

Tại một cuộc họp tại Baghdad hôm 23-24/5 vừa qua, các bên đã không đạt được kết quả do Tehran từ chối đáp ứng các đề xuất ngừng làm giàu uranium ở mức 20% của nhóm 6 nước.

Gần đây, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố ông không trông đợi sẽ đạt được bước đột phá quan trọng nào tại cuộc đàm phán với các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân của Tehran vào tháng 6, song hy vọng lòng tin giữa hai bên sẽ được cải thiện. Ông cho biết Tehran đã có “những đề xuất tốt” nhưng sẽ chỉ thông báo vào thời điểm thích hợp.

Quang Minh (theo AFP)

Đọc thêm