Sau 9 tháng bế tắc về cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi, Quốc hội Iraq tối 21-12 đã thông qua nội các mới với chức vụ Thủ tướng do ông Nouri al-Maliki tiếp tục đảm trách.
|
Các nghị sĩ chúc mừng Thủ tướng Nouri al-Maliki (giữa) sau khi công bố nội các mới. (Ảnh: Reuters)
|
Quốc hội bỏ phiếu cho 3 vị trí Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng khác cũng như chương trình của Chính phủ. Thừa nhận rằng, nội các mới chưa hoàn hảo nhưng Thủ tướng Maliki đã cam kết thiết lập một Chính phủ mạnh mẽ để chống khủng bố, giải quyết những khác biệt sắc tộc, đồng thời hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng Arab.
Danh sách nội các của ông Maliki bao gồm việc giữ lại Ngoại trưởng Hoshiyar Zebari. Cựu Thủ tướng người Shiite Iyad Allawi đang chờ đợi vị trí lãnh đạo Hội đồng Chính sách chiến lược quốc gia. Riêng 2 nữ nghị sĩ khác đã bày tỏ sự phản đối vì sự vắng mặt lãnh đạo nữ trong nội các. Bộ trưởng Dầu mỏ Hussain al-Shahristani được chọn làm Phó Thủ tướng phụ trách về năng lượng; Thứ trưởng Dầu mỏ Abdul Kareem Luaibi được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan này. Sự sắp xếp này nhằm bảo đảm hiệu lực của các thỏa thuận đã được ký kết thời Chính phủ cũ, theo đó khuyến khích thêm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng. Thực tế, trong thời ông Shahristani làm Bộ trưởng Dầu mỏ, Iraq đã đạt được một số hợp đồng phát triển lớn với các công ty năng lượng quốc tế khổng lồ và có thể nâng sản lượng tối đa của đất nước vùng Vịnh này lên 12 triệu thùng/ngày.
Việc phê chuẩn của Quốc hội xem ra đã kết thúc khủng hoảng chính trị ở Iraq khi các phe phái đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực vào tháng 11 vừa qua nhưng sau đó bất đồng về các vị trí trong nội các. Tuy nhiên, Tân Hoa xã dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, Chính phủ mới của ông Maliki vẫn mong manh và hiện vẫn còn quá sớm để kỳ vọng về những tiến triển.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi việc thành lập được nội các mới. Tân Hoa xã dẫn lời Giáo sư Ibrahim al-Ameri ở Đại học Baghdad bày tỏ tin tưởng Chính phủ bao gồm đại diện tất cả phe phái (người Sunni, Shiite và người Kurd) sẽ làm việc tốt hơn nội các cũ. Song, ông Ameri cho rằng, Chính phủ bị thỏa thuận chia sẻ quyền lực ràng buộc nên Thủ tướng Maliki phải có những động thái nhượng bộ đối với người Kurd và khối Ayad Allawi do phe Sunni ủng hộ. Đây là cách duy nhất để nhà lãnh đạo này tiếp tục tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa. Giới quan sát cũng lo ngại về sự gắn kết trong Chính phủ mới khi phải đối mặt với nhiệm vụ xây dựng nội bộ hài hòa và mang lại ổn định chính trị. Một số nhà phân tích thậm chí bi quan rằng, Chính phủ của ông Maliki có thể thất bại bởi sự đấu đá giữa các phe phái. Theo Giáo sư Sabah al-Shiekh ở Đại học Baghdad, một trong những thách thức nổi bật nhất đối với Chính phủ vừa mới thành lập là giữ mức độ đồng thuận giữa các bộ phận.
Song, khó khăn nhất với Thủ tướng Maliki chính là xây dựng lực lượng an ninh chuyên nghiệp, nhất là khi Mỹ sẽ hoàn tất việc rút quân vào cuối năm 2011. Vì thế, ông đã giữ lại 3 vị trí Bộ trưởng quan trọng: Quốc phòng, Nội vụ và An ninh quốc gia cho đến khi có thể lựa chọn được những người phù hợp hơn.
THIÊN BÌNH