Iraq: đánh bom đồng loạt, hơn 100 người chết

Đêm 10-5 và rạng sáng nay 11-5, các tay súng được cho là liên quan đến al-Qaeda đã nã đạn và đặt bom khắp Iraq, từ chợ đến nhà máy, các điểm kiểm tra an ninh..., giết chết hơn 100 người, làm bị thương hơn 300 người.

Đêm 10-5 và rạng sáng nay 11-5, các tay súng được cho là liên quan đến al-Qaeda đã nã đạn và đặt bom khắp Iraq, từ chợ đến nhà máy, các điểm kiểm tra an ninh..., giết chết hơn 100 người, làm bị thương hơn 300 người.

Đường phố Iraq sau các cuộc đánh bom đêm qua - Ảnh: Reuters

Đêm 10-5, một kẻ đánh bom liều chết mang đầy thuốc nổ cùng một kẻ khác lái xe hơi tiến vào al-Suwayra cách Baghdad 50km về phía đông nam, làm 13 người thiệt mạng, 40 người bị thương.

Sau đó, hai kẻ đánh bom liều chết khác lái xe vào cổng nhà máy sợi ở Hilla, cách thủ đô Baghdad 180km, làm chết ít nhất 35 người, bị thương 136 người.

Một quả bom thứ ba phát nổ khi cảnh sát và nhân viên y tế đến hiện trường làm nhiệm vụ. Thêm 10 người nữa bị chết và 54 người bị thương.

Hiện trường vụ đánh bom - Ảnh: Reuters

Rạng sáng nay 11-5, các nhóm nổi dậy đồng loạt tấn công 6 điểm kiểm tra an ninh của quân đội và cảnh sát ở phía đông Baghdad. Ba điểm khác ở phía nam và phía tây của thủ đô đã bị đánh bom. Các tay súng dùng thiết bị giảm thanh giết chết ít nhất 7 cảnh sát và binh lính Iraq.

Ở thành phố Essaoir phía nam Baghdad, hai kẻ đánh bom liều chết khác đã tự làm nổ tung mình gần một nhà thờ dòng Shiite.

Thành phố sản xuất dầu Basra cũng bị rung động khi ba chiếc xe chở bom phát nổ khiến 21 người chết và 70 người bị thương.

Người chết vì các cuộc tấn công được đưa đi - Ảnh: Reuters

Các quan chức Iraq nhận định các cuộc đánh bom liều chết này có thể nhằm mục đích cho người Iraq thấy phiến quân Hồi giáo Sunni vẫn là một lực lượng đáng sợ, ngay cả khi chúng bị thua cuộc trên chiến trường vài tuần qua.

Phát ngôn viên an ninh của Baghdad, tướng Qassim al-Moussawi, gọi đây là những cuộc tấn công “cuồng loạn”. “Dù al-Qaeda bị tổn thương, một số nhóm vẫn hoạt động và cố gắng chứng tỏ sự tồn tại và ảnh hưởng của mình”, ông nói.

Các nhóm nổi dậy vẫn hoạt động sau khi các lực lượng quân sự của chính quyền Iraq thực hiện hàng loạt cuộc trấn áp mạng lưới al-Qaeda, trong đó có một trận càn hồi tháng 4, khiến thủ lĩnh Abu Ayyub al-Masri của al-Qaeda ở Iraq bị chết.

Bạo lực gia tăng ở Iraq kể từ khi bùng phát xung đột giáo phái trong thời kỳ 2006 - 2007, nhưng cuộc bầu cử ngày 7-3 vừa qua càng như đổ thêm dầu vào lửa. Liên minh liên giáo phái do cựu thủ tướng Iyad Allawi, một người Shiite, dẫn đầu, được người Sunni ủng hộ mạnh mẽ để có vị trí hai ghế trong cuộc bầu chọn ở chính phủ.

Tuy nhiên, các liên minh chính do Shiite dẫn dắt đã đồng ý hình thành liên minh có thể loại bỏ ông Allawi khỏi cơ hội hình thành chính phủ tiếp theo. Điều này đã làm người Sunni nổi giận.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm