Israel khẳng định quyền xây dựng tại Jerusalem

Phát biểu trong chuyến công du Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định quyền xây dựng của nước này ở Jerusalem, trong bối cảnh căng thẳng giữa Tel Aviv với Washington xung quanh kế hoạch mở rộng khu tái định cư cho người Do Thái.

Phát biểu trong chuyến công du Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định quyền xây dựng của nước này ở Jerusalem, trong bối cảnh căng thẳng giữa Tel Aviv với Washington xung quanh kế hoạch mở rộng khu tái định cư cho người Do Thái.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu cứng rắn tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu cứng rắn tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trước gần 8.000 đại biểu tại Hội nghị chính sách thường niên của nhóm vận động hành lang thân Israel (AIPAC) ở Washington (Mỹ) đêm 22-3, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: “Jerusalem không phải là một khu định cư, mà là thủ đô của Israel”. Ông nói: “Người Do Thái đang xây dựng Jerusalem của 3.000 năm trước và Jerusalem của ngày hôm nay. Đây không phải là một khu định cư Do Thái, mà là thủ đô của chúng tôi”. Song, BBC cho hay, nhà lãnh đạo Israel không đề cập đến các kế hoạch xây dựng 1.600 ngôi nhà mới ở Đông Jerusalem vốn đang gây nhiều tranh cãi trước nhóm vận động hành lang này.

Trong khi đó, theo AP, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố hoạt động xây dựng mới của Israel đang đe dọa các nỗ lực hòa bình, đồng thời làm suy giảm khả năng Mỹ giúp chấm dứt xung đột giữa Israel và thế giới Arập. Bà Clinton thúc giục Thủ tướng Netanyahu ngừng kế hoạch xây dựng vốn bị chỉ trích là sẽ làm giảm vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Chuyến thăm của ông Netanyahu diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Israel đang gặp nhiều sóng gió sau tuyên bố của Tel Aviv về kế hoạch xây dựng các khu nhà tái định cư Do Thái mới ở Đông Jerusalem. Trong khi đó, người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô nhà nước trong tương lai của họ. Phần Tây Jerusalem đã trở thành một bộ phận của Irsael từ năm 1948 với cư dân chủ yếu là người Do Thái, trong khi phần Đông có cư dân chủ yếu là cộng đồng người Arập thuộc Palestine. Gần 500.000 người Do Thái đang sinh sống tại hơn 100 khu tái định cư được xây dựng từ khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Đông Jerusalem vào năm 1967. 

Kế hoạch mở rộng khu tái định cư cũng vấp phải chỉ trích của Liên minh châu Âu (EU). Ngoại trưởng Anh David Miliband cho rằng các hoạt động định cư là bất hợp pháp, tạo rào cản đối với nỗ lực tìm kiếm hòa bình thông qua giải pháp hai nhà nước. Mới đây tại Mátxcơva (Nga), nhóm Bộ Tứ Trung Đông đã thông qua một nghị quyết lên án các dự án xây nhà định cư của Israel, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine nối lại đàm phán hòa bình nhằm tiến đến thỏa thuận thành lập nhà nước Palestine trong vòng 24 tháng tới. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, cũng kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực ủng hộ một cách công khai việc nối lại đàm phán song phương giữa Palestine và Israel.

Jeremy Bowen - biên tập viên của đài BBC về vấn đề Trung Đông tại Washington - đánh giá bài phát biểu của Thủ tướng Netanyahu là cứng rắn, xác nhận sự tin tưởng của ông về quyền của Israel được xây dựng ở bất kỳ nơi nào tại Jerusalem. Song, đây lại là vấn đề trọng tâm của khủng hoảng quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Israel. Tuy nhiên, cả hai bên đều tránh nói đến mâu thuẫn này bằng việc nhấn mạnh đến “tình bạn”. Ngay cả ngoại trưởng Clinton cũng khẳng định sự ủng hộ của cả bà lẫn Tổng thống Obama đối với an ninh của Israel là “vững như bàn thạch”. Tuy nhiên, để Israel chấp nhận “những lựa chọn khó khăn song cần thiết” như lời ngoại trưởng Clinton nhằm đạt được hòa bình với các nước Arập là điều không dễ khi với Israel vẫn còn tồn tại quá nhiều bất đồng, dị biệt với Palestine và các nước Arập.

BÌNH YÊN

Đọc thêm