Israel và Palestine đàm phán hòa bình trực tiếp

Tối 2-9 (theo giờ Việt Nam), tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netaniahu đã bắt đầu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau hơn 20 tháng bế tắc.

Tối 2-9 (theo giờ Việt Nam), tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netaniahu đã bắt đầu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau hơn 20 tháng bế tắc.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (phải) bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netaniahu trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Washington ngày 2-9. Ảnh: Reuters

Cuộc đàm phán diễn ra dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Cả Palestine và Israel đều hy vọng trong vòng một năm sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu đã kéo dài sáu thập kỷ qua giữa hai bên.

Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên này dự kiến diễn ra trong ba giờ, tập trung vào bốn vấn đề chủ yếu cản trở các nỗ lực hòa bình trong nhiều thập kỷ qua gồm an ninh của Israel, đường biên giới của nhà nước Palestine trong tương lai, quyền trở về của người tị nạn Palestine và thành phố Jerusalem mà cả hai bên đều tuyên bố là thủ đô của mình.

Phát biểu khai mạc cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Hillary thừa nhận “quyết định cùng ngồi lại vào bàn đàm phán hôm nay không phải là dễ dàng vì vẫn còn nhiều điều nghi kỵ giữa hai bên,” nhưng bày tỏ hy vọng hai nhà lãnh đạo Palestine và Israel sẽ vượt qua được những bất đồng để kết thúc đàm phán thành công.

Bà Hillary tuyên bố: “Giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine là nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ. Mỹ sẽ không áp đặt một giải pháp mà chỉ có thể giúp hai bên đạt được một hiệp định hòa bình.”

Bà Hillary khẳng định chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực hết sức để dàn xếp cuộc đàm phán lần này và hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận trong vòng một năm.

Phát biểu trước khi bước vào đàm phán, Thủ tướng Israel Netaniahu cho rằng cả hai bên cần có sự nhượng bộ nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài và Palestine cần công nhận Israel là nhà nước của người Do Thái.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Abbas xác định cuộc đàm phán này có không ít khó khăn, song mục tiêu của nó khá rõ ràng, đặc biệt là cả hai bên đều hiểu rõ việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài.

Một ngày trước khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống Barack Obama đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel. Sau đó, ba nhà lãnh đạo đã cùng ăn tối tại Nhà Trắng với Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong một nỗ lực nhằm đi đến một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine trong vòng một năm.

Trước đó, ngày 31-8, Ngoại trưởng Hillary và đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, ông George Mitchell, cũng đã lần lượt có các cuộc gặp với Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel.

Bà Hillary và ông Mitchell cũng đã gặp Ngoại trưởng Ai Cập Abu Gheit, Ngoại trưởng Jordan Abdul Ilah Khatib và đại diện của nhóm Bộ Tứ bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông - cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Các cuộc thương thảo trực tiếp ngày 2/9 là cuộc đàm phán đầu tiên kể từ tháng 12/2008. Tuy nhiên, do tình trạng bạo lực gần đây ở Bờ Tây và các kế hoạch của Israel tiếp tục xây dựng khu định cư Do Thái, giới phân tích không kỳ vọng nhiều vào cuộc đàm phán lần này.

Giới chức Mỹ cho rằng kết quả khả quan nhất là hai bên có thể nhất trí được với nhau về việc sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ hai tiếp theo, có thể được tổ chức tại Ai Cập vào ngày 15-9 tới.

Sau đó sẽ là cuộc gặp ba bên dự kiến giữa Tổng thống Obama với hai lãnh đạo Israel và Palestine bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng Chín.

Theo TTXVN

Đọc thêm