Jazz là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của tôi

Huyền thoại sống của nhạc Jazz Việt Nam - nghệ sĩ Quyền Văn Minh đang ngập sâu vào những bản nhạc để chuẩn bị ra mắt Đêm nhạc “Quyền Văn Minh và bạn bè với Jazz” lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối ngày 10/1 tới. Giữa bộn bề công việc trong tháng cận Tết, nghệ sĩ tài hoa này vẫn tranh thủ dành chút thời gian trò chuyện với Pháp luật Việt Nam.

Huyền thoại sống của nhạc Jazz Việt Nam - nghệ sĩ Quyền Văn Minh đang ngập sâu vào những bản nhạc để chuẩn bị ra mắt Đêm nhạc “Quyền Văn Minh và bạn bè với Jazz” lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối ngày 10/1 tới. Giữa bộn bề công việc trong tháng cận Tết, nghệ sĩ tài hoa này vẫn tranh thủ dành chút thời gian trò chuyện với Pháp luật Việt Nam.

Đưa dân ca, tiền chiến vào Jazz

Chào nghệ sĩ Quyền Văn Minh, với sự tập luyện của dàn nhạc và các nghệ sĩ hàng tháng trời, hẳn "Quyền Văn Minh và bạn bè với Jazz" là một đêm Jazz đáng nhớ?

Đây sẽ là một đêm nhạc Jazz với các tác phẩm kinh điển thế giới và các ca khúc trữ tình Việt Nam theo phong cách Jazz như: “Hà Nội những công trình”, “Thành phố đầu xuân”, “Bốn mùa yêu thương”, “Thuyền và biển”, “Xa khơi”, “Gửi nắng cho em”; “Cô đơn”; “Ngọn lửa cao nguyên”, “Misty”, “Can’t Make You Love Me”, “Cry me a river”... 

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh

Chương trình có sự tham gia của dàn nhạc Big band Sông Hồng. Đây là ban nhạc kèn duy nhất tại Việt Nam, được thành lập từ năm 2000 với 12 cây kèn, trong đó có 4 kèn Trompettes, 4 Saxophones, 4 Trombone cùng Piano, Bass, Drum và ca sĩ Như Quỳnh. Đặc biệt, đêm nhạc có sự tham gia của các khách mời: nghệ sĩ Quang Thọ, Tùng Dương, Diệu Thúy, Mai Lan, Minh Biên, Băng Tâm, Minh Tuấn.

Điểm thú vị là, ở những chương trình biểu diễn trước, khán giả thường nghe nhạc jazz quốc tế hoặc ca khúc Việt Nam. Trong chương trình này đã có thêm 2 bài dân ca và tiền chiến. Chúng tôi sẽ đưa cách thể hiện mới vào tác phẩm làm sâu hơn nữa âm nhạc dân gian với nhạc jazz. Thực hiện đêm nhạc là một việc kỳ công, bởi làm sao các tác phẩm có chung chất liệu trong một đêm nhạc không trở nên nhàm chán. Mà ngược lại, nó phải thực sự lôi cuốn, hấp dẫn khán giả từ đầu tới cuối.

Các live show nhạc Jazz thường rất “hiếm” người nghe mà vé cho mỗi buổi biểu diễn như vậy thường lại cao, anh có sợ “Quyền Văn Minh và bạn bè với Jazz” còn nhiều ghế trống?

Tôi nghĩ, khán giả đến được với mình hay mình đến với khán giả trước tiên là mình phải hay đã, mình phải đầu tư bài bản và lao động một cách nghiêm túc. Những người nghệ sĩ trẻ coi Jazz là một phần máu thịt để cống hiến thì tôi nghĩ như thế là thành công rồi. Với buổi biểu diễn của tôi vẫn có những người thưởng thức một cách say mê và nghiêm túc là tôi cảm thấy hứng khởi. Tôi muốn qua đêm nhạc này là một dịp để nhiều công chúng thủ đô hơn thấy được rằng, không “khó nghe”, không “xa cách”, Jazz thực sự rất “dễ yêu”, rất “đáng yêu” và sẽ rất tuyệt vời khi đã “được yêu”...

Luôn “lấy ngắn nuôi dài”

Luôn phải bù lỗ với các đêm nhạc Jazz, lại còn phải long đong về chuyển địa điểm câu lạc bộ Jazz tới 5 lần vì đâu nghệ sĩ phải “khổ” thế?

Tôi luôn tâm huyết tạo nên một dòng nhạc jazz mang bản sắc riêng của Việt Nam, vừa cuốn hút được công chúng trong nước, vừa có tiếng nói riêng khi chơi cùng các bạn quốc tế. Qua các đêm nhạc Jazz hy vọng đưa công chúng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn dòng âm nhạc đỉnh cao thế giới. Duy trì và phát triển Jazz ở Việt Nam là công việc cuối cùng của đời tôi- đó cũng là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Quyền Văn Minh này.

Không chỉ bù lỗ ở những đêm nhạc Jazz - “Quyền Văn Minh và những người bạn” mà tôi còn “bù đắp” số tiền không nhỏ vào Câu lạc bộ nhạc Jazz Bình Minh. Năm 1997, tôi mua căn phòng 48m2 rồi đem giấy tờ thế chấp để vay mấy trăm triệu đồng (số tiền thời đó khá lớn), lập Câu lạc bộ.  Dù đã phải rất long đong lận đận, khó khăn đủ điều, bốn năm lần đổi chỗ: thuở “sơ khai” ở Giảng Võ,  sang Lê Thái Tổ, rồi về Lương Văn Can, lại chuyển về Trấn Vũ và bây giờ “định đô” ở quán cà phê 65 Quán Sứ nhưng tôi quyết phát triển Câu lạc bộ để mỗi tối các nghệ sĩ trẻ có “đất dụng võ”, cùng nhau tắm mình trong không gian nhạc Jazz. Khán giả yêu Jazz có nơi đến để thưởng thức. 

Vậy nghệ sĩ lấy đâu ra kinh phí để “nuôi” Câu lạc bộ và trả nợ số tiền không nhỏ ấy?

Tôi đã từng nói, tôi như là một người có một mặt hàng, nó rất cao quý nhưng lại chưa bán được. Đúng, chưa bán chạy... Và một khi nó còn chưa bán chạy tức là tôi có thể là một nhà kinh doanh tồi. Nhưng có một điều cao hơn, theo ý nghĩa văn hóa là cao hơn, là nếu như tôi không làm như tôi đang làm thì chưa chắc ở Việt Nam có một đội ngũ những người biểu diễn nhạc Jazz chuyên nghiệp.

Bởi vậy, tôi sẵn sàng làm rất nhiều việc khác, tôi sẵn sàng đi biểu diễn chỗ khác, tôi sẵn sàng đi biểu diễn ca khúc, nhạc nhẹ, thậm chí chơi cả nhạc Jazz ở bất cứ nơi nào người ta cần, tôi lấy tiền đó lại nuôi câu lạc bộ. Đó chính là lấy ngắn nuôi dài.

Tuy không dư dả kinh tế nhưng điều làm tôi an ủi rằng một nhạc sĩ chơi Jazz đích thực thích hơn là một người giàu có. Cuộc sống phải có tiền, nhưng một ngày cũng chỉ ăn ba bữa cơm, hãy làm sao để cuộc sống phong phú. Cả đời tôi phấn đấu vì nhạc Jazz thì đứa con trai của tôi phải tiếp tục con đường tôi đi. Như thế có phải là đẹp cho một dòng họ, một ngành nghề không?

Sẵn sàng phối khí miễn phí nếu...

Năm mới, nếu có điều ước, nghệ sĩ Jazz hàng đầu Việt Nam sẽ ước điều gì?

Tôi ước sớm có ngày các ca sĩ Việt Nam đua nhau xuất hiện cùng dàn nhạc Big-band. Giờ đây, chỉ cần họ thuê dàn nhạc của tôi, tôi sẵn sàng phối bài cho họ không công, với chất lượng cao nhất. Miễn big-band có đất diễn. Qua chương trình này, tôi muốn khán giả thấy nhiều ca khúc Việt Nam hoàn toàn có thể được thể hiện bởi dàn nhạc Big-band và phong cách Jazz.

Xin cảm ơn nghệ sĩ và chúc lời ước ấy sớm trở thành hiện thực!

Thùy Dương (thực hiện)

Đọc thêm