Hội thảo và dự án này được tổ chức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM hợp tác cùng với JICA – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
Tại buổi hội thảo này, Sở TN&MT TP. HCM cùng nhóm chuyên gia Nhật Bản đã báo cáo kết quả của các hoạt động kỹ thuật trong khuôn khổ dự án đã thực hiện trong năm 2018. Đồng thời, dự án cũng cập nhật các công trình kỹ thuật tiếp theo và dự định triển khai Kế hoạch Hành động Biến đổi Khí hậu (CCAP) trong năm 2019.
Ông Masato Kawanishi, Tư vấn cao cấp về Biến đổi Khí hậu, JICA, phát biểu tại Hội thảo |
Trong phạm vi của dự án SPI-NAMA, ngay từ đầu năm 2018, JICA đã hợp tác chặt chẽ với TP.HCM, thành phố thí điểm đầu tiên tại Việt Nam. Dự án tập trung vào thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả; đẩy mạnh năng lực của thành phố trong công tác kiểm kê khí nhà kính (GHG) và xem xét khả năng áp dụng công nghệ các bon thấp trong phân ngành vận tải.
“Với tình hình lũ lụt thường xuyên như hiện nay và ngày càng trở nên nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng cao, chính quyền thành phố phải có hành động thiết thực để bảo vệ sự phát triển của thành phố cũng như cuộc sống của người dân”, ông Murooka Naomichi, Phó trưởng Đại diện của Văn phòng JICA tại Việt Nam nói về mục đích của sự hợp tác này.
Ông Naomichi cũng nhấn mạnh rằng TP. HCM cần tiếp tục đóng vai trò đơn vị tiên phong, là hình mẫu cho các tỉnh thành khác bằng cách học hỏi kinh nghiệm thực tiễn và các bài học về chính sách trên thế giới đối với biến đổi khí hậu.
Các hoạt động tại TP. HCM trong năm 2018 đã đóng góp vào công tác chuẩn bị việc hoạch định chính sách phù hợp với bối cảnh địa phương. Nghiên cứu do Nhóm chuyên gia của TP .HCM và JICA đã xây dựng quy trình thu thập số liệu và báo cáo hiệu quả trong tiêu thụ điện năng tại các tòa nhà, từ đó đưa ra đề xuất và giải pháp cụ thể cho thành phố. Ngoài số liệu về phát thải khí nhà kính, nghiên cứu có thể cung cấp hướng dẫn về quy trình Đo đạc – Báo cáo – Thẩm định để áp dụng cho nhiều phân ngành khác.
Trong giai đoạn sau 2020, Ông Jun Ichihara, Tư vấn trưởng của dự án SPI-NAMA cho biết, các hoạt động đã hoạch định sẽ tập trung vào dự đoán xu hướng khí nhà kính trong tương lai và tiềm năng giảm khí phát thải tại TP. HCM khi áp dụng mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM) do các viện nghiên cứu và trường đại học Nhật Bản phát triển. Xác định các chương trình ưu tiên giảm nhẹ khí phát thải cũng như phân tích các phương án chính sách để đẩy mạnh các chương trình và hành động về giảm phát thải khí nhà kính.