|
Đã có bước khởi đầu khá thuận lợi ở Hollywood, sao anh lại quyết định đặt đam mê của mình ở Việt Nam trong khi vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức?
- Khi còn ở Hollywood, tôi đã luôn tâm niệm sẽ về Việt Nam để được thỏa sức tung hoành. Ở Hollywood, khó tìm được một vai tốt vì phim làm ra trước hết để chiếu cho dân họ xem. Tất nhiên không phải do kỳ thị dân tộc, màu da, họ còn có luật bắt buộc một phim phải có những người màu da này, màu da kia nhưng người trắng bao giờ cũng chiếm số đông và những vai quan trọng nhất. Hơn nữa, mình chỉ được đóng theo đúng những gì họ yêu cầu, còn tôi thích tự tạo ra hơn là đi làm thuê cho người khác dù làm ông chủ thì cực hơn rất nhiều.
Anh nhận xét như thế nào về tiềm năng của điện ảnh Việt?
- Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, với 85 triệu dân mà ai cũng mê điện ảnh. nhưng thị trường đó chưa thật sự mạnh. Về điện ảnh, Việt Nam là một thị trường mới phát triển. Đầu tư điện ảnh vẫn gặp nhiều khó khăn, vì quy mô của ta còn nhỏ trong khi nước ngoài quy mô lại quá lớn. Thực lòng, điện ảnh nước mình còn yếu, chưa hề có ảnh hưởng mang tính quốc tế. Vì thế, chuyện bán bản quyền phim cho các nước khác là rất khó. Điện ảnh Việt Nam vẫn chỉ phục vụ trong nước, việc xuất khẩu phim ra nước ngoài còn kém. Phim Việt cũng chưa được đầu tư đủ tốt để có một sản phẩm đủ hay, đủ sức tấn công sang thị trường các nước khác.
Trong khi đó, kinh phí cho các phim của nước ngoài thực sự là khổng lồ. Quy mô sản xuất lại lớn, cộng với đó là ý tưởng hay và táo bạo nên dễ dàng chinh phục thế giới. Văn hóa Việt Nam làm phim rất tốt, thiết thực. Trong khi đó ở một số nước khác, người ta có khả năng tài chính nhưng văn hóa lại nghèo nàn hoặc không có. Chẳng hạn như Singapore, họ có tiền nhưng không làm phim được vì họ thiếu đề tài để làm khi không có được một bề dày văn hóa như Việt Nam. Trung Quốc có rất nhiều phim hay vì họ giàu về văn hóa. Mỗi bộ phim của họ đều là một nét văn hóa đặc trưng. Tuy nhiên, Trung Quốc hơn Việt Nam ở một điểm, họ có phim trường nên làm phim dã sử dễ hơn nhiều so với chúng ta.
Anh nghĩ sao về xu hướng các đạo diễn chỉ thích làm phim “mì ăn liền” ?
- Thực ra, phim “mì ăn liền” không tốn chi phi nhiều, họ chỉ cần kéo những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, có sẵn một lượng fan hùng hậu là được, họ cũng chẳng quan tâm đến chuyện “diễn viên” đó có diễn được hay không, nội dung phim thì nhảm và nhạt, và chắc chắn không thể chiếu ở bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Việt nam. Dạng phim này không cần chút nghệ thuật nào. Và mục tiêu của nhà sản xuất cũng chẳng có gì ngoài việc “kiếm tiền”. Chỉ khổ cho dân Việt, vì tò mò, đói “điện ảnh”, không có nhiều chọn lựa nên vẫn kéo nhau đến rạp xem.
Tôi thực sự ngưỡng mộ những người yêu nghề và có tâm với điện ảnh Việt, họ mang nét văn hóa Việt vào phim nhưng mang tính chọn lọc để cả thế giới vẫn có thể hiểu được. Mỗi bộ phim của họ như những đứa con thực sự, cần chăm sóc và được đầu tư kỹ lưỡng, họ không muốn con mình chết yểu tại Việt Nam. Họ đầu tư đúng và đủ để những đứa con tinh thần đó có thể sải bước trên trường quốc tế. Mỗi bộ phim giống như một quãng đời của họ. Bộ phim chính là bản tuyên ngôn chính xác nhất về thái độ, tính cách, khả năng cũng như con người của đạo diễn. Và tôi đang làm phim với tất cả sự nhiệt huyết và cái tâm của nghề.
|
Chỉ làm phim hành động, liệu anh có đang tự đóng khung chính mình, trong khi hành động lại không phải là thế mạnh ở Việt Nam và chi phí làm phim cũng rất tốn kém?
- Hành động là thế mạnh và là đam mê của tôi, quả thực tôi không tha thiết gì với các thể loại phim khác, cho dù phim đó cần ít kinh phí hơn, thời gian quay ngắn, cảnh quay dễ tìm và kiếm tiền nhanh hơn. Đối với tôi, một là phim hành động, hai là thôi chứ kiên quyết không làm thể loại phim tâm lý, hay phim hài với khoản ngân sách ít hơn. Những dòng phim thị trường, thuộc kiểu “mì ăn liền” thì cũng sẽ nhanh chết và những phim đó không thế xuất ra nước ngoài, chẳng hạn với phim hài mình xem thì mình cười, mình hiểu vì nó là hài Việt Nam, nhưng mang sang Thái chiếu, người ta chẳng thấy buồn cười, vì đó không phải văn hóa của họ. Mà phim hài khi không tạo ra được tiếng cười thì sao người ta có thể mua. Trong khi với phim hành động, dù ở văn hóa nào, nước nào, cũng đều có thể xem được và cảm được. Đã là phim hành động thì không cần nói hay giải thích nhiều. Trong phim hành động thì hành động, võ thuật chính là ngôn ngữ của bộ phim.
Nhưng muốn làm một bộ phim hành động hay thì phải đầu tư nhiều, đã bao giờ anh phải đau đầu vì vấn đề kinh phí?
- Phim hành động mà kinh phí có giới hạn thì khó làm lắm. Đã xác định làm phim hành động thì phải tốn nhiều tiền. Và cũng phải có quy mô và sự chuẩn bị rõ ràng. Chuyện tập Dượt những pha hành động là chuyện nhỏ. Thực ra những khoản tốn kém nhất là tiền bối cảnh. Nếu đóng ngoài đường thì phải tốn tiền chặn xe, rồi tiền mua xe, bom mìn, súng đạn cho các cảnh quay đó. Thậm chí còn phải thuê các chuyên gia khói lửa, hành động từ Hollywood về. Phim hành động luôn phát sinh vì vậy mình cũng phải chuẩn bị một khoản kha khá cho những thứ phát sinh nữa. Cảnh quay càng hoành tráng, càng hấp dẫn thì càng tốn tiền.
|
Vậy liệu “thu có đủ bù chi” không khi anh luôn đặt chất lượng lên hàng đầu?Anh làm gì để nuôi đam mê của mình trong khi chờ đợi đến ngày “bội thu”?
- Nói thực, nếu mình bỏ tiền hoàn toàn ra để làm phim thì tốt nhất dừng làm. Vì tiền của mình, mình sẽ xót và sẵn sàng giảm chi phí nếu có thế. Vì thế, sẽ không thể có một bộ phim hay và chất lượng. Rất may các phim của tôi đều có nhà đầu tư, tôi không phải lo kinh phí nên có thể thoải mái chút đỉnh trong các khâu.
Rất nhiều người kinh doanh điện tại tại Việt Nam rất lo ngại vì tình hình đĩa lậu, và hình như anh cũng không ngoại lệ?
- Đúng vậy, đó chính là điểm bất lợi nữa cho việc kinh doanh điện ảnh tại Việt Nam. Tôi ngạc nhiên khi có rất nhiều người xem phim Dòng máu anh hùng và khen ngợi tôi. Khi tôi hỏi thì họ thừa nhận là mua DVD lậu về xem chứ không hề đến rạp. Thực ra, đây cũng là một bài học của tôi khi gửi phim đi tham dự ở một số sự kiện không đủ uy tín. Và đĩa lậu của Dòng máu anh hùng xuất hiện từ đó. Rút kinh nghiệm từ đó, Bẫy rồng chúng tôi làm kỹ hơn nên bây giờ nếu có đĩa trên thị trường thì chỉ có bản chất lượng kém do thâu trộm từ rạp thôi.
Việt Nam cũng khác hoàn toàn so với Mỹ hay các nước phương Tây. Ở những nơi này, nhà sản xuất có thể kiếm tiền từ việc chiếu rạp và phát hành đĩa. Trong khi đó ở Việt Nam, nhà sản xuất chỉ có thể trông đợi vào tiền thu về từ các phòng chiếu. Đáng nói là nếu có nhà sản xuất nào có ý định phát hành đĩa, nhà sản xuất đó sẽ gặp phải các khó khăn từ việc đĩa của họ có thể bị sang, in lậu, như thế phát hành đĩa khác nào tiếp tay cho giặc hại mình.
|
Anh có ưu thế về viết kịch bản, đánh võ và đạo diễn võ thuật, còn những trường đoạn nội tâm anh thể hiện chưa thuyết phục khán giả. Anh nghĩ sao về điều này?
- Hai phim tôi làm ở Việt Nam là Dòng máu anh hùng và Bẫy rồng đều mang hình thức võ thuật là nhiều. Với Dòng máu anh hùng, tôi hơi ôm đồm từ kịch bản, đạo diễn hành động, sản xuất… nên những đoạn diễn xuất rất khó tập trung. Đứng đây đóng vai này mà mắt nhìn sang bên kia để lo cho cảnh kế tiếp. Với Bẫy rồng, mọi thứ có vẻ đỡ hơn rồi đấy chứ. Tôi vẫn làm đúng những công việc đó nhưng ở những đoạn cần diễn tả nội tâm, tôi bỏ những lo lắng đi để nhập tâm. Nếu chỉ đóng vai trò diễn viên, có lẽ tôi sẽ chăm chút và thực hiện nó tốt hơn, nhưng nếu chỉ có thế thôi thì hơi nhàn quá.
Mục tiêu của anh trên con đường điện ảnh?
- Đã làm phim phải đầu tư cho tới nơi, tới chốn chứ không nên đầu tư nửa chừng rồi phim không đi đến đâu, tới đâu cả. Mục tiêu của tôi khi làm phim là phải bán được ở nước ngoài, phải chiếu ở các rạp trên thế giới.
Cảm ơn anh và chúc cho đam mê của anh sẽ thành công!
Giang Anh