Đây là kết luận của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn trong cuộc họp sáng 28-7, với sự tham gia của đại diện Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.
Nội dung chính của cuộc họp là bàn và tìm hướng giải quyết thoả đáng vấn đề bản quyền giải Ngoại hạng Anh vốn được giới báo chí và dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua. Quan điểm được đưa ra trong cuộc họp đó là Bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh là câu chuyện đã rồi, và giờ phải tìm biện pháp khắc phục.
Kết luận từ cuộc họp này, các gói kênh dịch vụ của K+ sẽ phải đưa vào hệ thống truyền hình trả tiền của của các đài truyền hình trả tiền khác để tạo điều kiện cho người xem được tiếp cận rộng rãi hơn. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chỉ đạo, các đơn vị phải ngồi lại bàn bạc với nhau để đưa ra giải pháp có thể chấp nhận được. Phải kết hợp được cả hai yếu tố kinh doanh, phục vụ. Giá cả sẽ theo thoả thuận giữa các đài và ở mức phù hợp.
Sau buổi họp sáng nay, ngoài tìm hướng giải quyết “vụ” phát sóng giải ngoại hạng Anh mùa giải 2010, nhiều vấn đề khác liên quan cũng đã đi đến được thống nhất.
Thứ nhất, khẳng định dịch vụ truyền hình trả tiền là một loại hình mới ở Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao xây dựng quy chế về dịch vụ truyền hình trả tiền.
Các hoạt động trong loại hình dịch vụ trả tiền sẽ được điều chỉnh bằng quy chế này khi Thủ tướng ký ban hành. Trong quy chế này xác định người xem truyền hình ngoài quyền được xem thì phải có nghĩa vụ trả phí. Đây là thông lệ chung của thế giới.
Thứ hai, cuộc họp hôm nay cũng thống nhất dịch vụ truyền hình trả tiền mang yếu tố kinh doanh nên việc cạnh tranh trong lĩnh vực này phải tuân thủ và được điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật về vấn đề cạnh tranh. Các doanh nghiệp có thể thoả thuận với nhau nhưng không được làm triệt tiêu yếu tố phát triển và không vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Thứ ba, phải sớm giải quyết một cách cơ bản vấn đề bản quyền, tránh tình trạng mạnh ai nấy chạy, từng đài một đi đàm phán rất dễ khiến đối tác nâng giá bản quyền cao, những yếu tố này sẽ khiến cho người xem khó có thể tiếp cận được với các chương trình truyền hình trả tiền.
Về lâu dài, việc phải hình thành một Hiệp hội truyền hình trả tiền là hết sức cần thiết. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý về nguyên tắc thành lập ban vận động để thành lập Hiệp hội, và đang làm các thủ tục để sớm trình lên Bộ Nội vụ, có thể ra đời được Hiệp hội Truyền hình trả tiền và tiến hành đại hội thông qua điều lệ hoạt động…
Khi có Hiệp hội Truyền hình trả tiền việc đàm phán, thương thảo, xử lý vấn đề trả tiền đảm bảo lợi ích chung của tất cả đơn vị tham gia hiệp hội, đặc biệt lợi ích của người xem chắc chắn sẽ được quan tâm đúng mức, hạn chế tối đa những vấn đề xảy ra như thời gian vừa qua.
Còn hiện nay, khi chưa có Hiệp hội, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn trên cả nước cần bàn bạc và thoả thuận với nhau để cử ra một đại diện đàm phán về vấn đề bản quyền để có được giá cả phù hợp, sau đó về chia sẻ cho tất cả các thành viên, đơn vị có cùng chức năng hoạt động trong lĩnh vực này để bảo đảm lợi ích cho người xem.
Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, với vai trò là đài quốc gia, Đài truyền hình Việt Nam sẽ là đơn vị đứng ra chủ trì bàn bạc với các đài khác để thương thuyết, đàm phán về mặt bản quyền, trao đổi bản quyền và thực hiện vấn đề mua bản quyền theo các quy định hiện hànhcủa nhà nước đối với các kênh chương trình không phải chỉ có bóng đá, mà các chương trình thể thao khác như bóng chuyền, bóng rổ… cũng như các chương trình văn hoá như thi hoa hậu… Khi đó VTV phải đứng ra chủ trì cùng với các đài mua bản quyền sau đó về chia sẻ, phát trên các kênh quảng bá.