Kawasaki - Hội chứng hạch bạch huyết dưới da

Góp phần tư vấn, hướng dẫn mọi người cách phòng tránh một số loại bệnh và chăm sóc sức khỏe, từ số ra hôm nay, báo Hải Phòng hằng ngày mở chuyên mục “Sức khỏe cho bạn”, ra vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ: Báo Hải Phòng, số 8, phố Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, điện thoại: 0912.704.788 hoặc qua hộp thư điện tử baohp2@hn.vnn.vn

Góp phần tư vấn, hướng dẫn mọi người cách phòng tránh một số loại bệnh và chăm sóc sức khỏe, từ số ra hôm nay, báo Hải Phòng hằng ngày mở chuyên mục “Sức khỏe cho bạn”, ra vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ: Báo Hải Phòng, số 8, phố Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, điện thoại: 0912.704.788 hoặc qua hộp thư điện tử baohp2@hn.vnn.vn

Mấy ngày thấy con sốt cao kéo dài, mắt sưng, lưỡi xuất hiện các nốt đỏ, vợ chồng anh Phạm Văn Tứ (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đưa con đến viện khám và được cho uống thuốc điều trị sốt xuất huyết. Sau 3 ngày chữa trị, cháu bé vẫn sốt 39 độ C, da và quầng mắt nổi nhiều nốt đỏ kèm tiêu chảy nên được chuyển đến tuyến trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh Kawasaki. Bệnh này có hội chứng sốt cấp tính kéo dài nên nhiều người thường không phân biệt được với bệnh sốt xuất huyết. Trường hợp này nếu không được phát hiện kịp thời sẽ biến chứng suy tim, mạch, rất nguy hiểm.

Cán bộ, nhân viên y tế Trạm y tế phường Anh Dũng (Dương Kinh) tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em trên địa bàn.                                       Ảnh: Trường Giang

80% trường hợp mắc bệnh là trẻ nhỏ
Kawasaki còn gọi là hội chứng hạch bạch huyết dưới da. Một bác sĩ người Nhật Bản tên là Tomisaku Kawasaki phát hiện đầu tiên năm 1967 nên tên ông được lấy đặt cho căn bệnh này.

Bệnh là một hội chứng viêm mạch máu toàn thân, đi kèm sốt cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ, với cơ chế chủ yếu  do tự miễn sau nhiễm trùng, hoặc do nhiễm độc tố vi khuẩn. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân. Ai cũng có thể mắc bệnh này, tuy nhiên trẻ em có tỷ lệ mắc cao hơn, có thể phát thành dịch, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 1-2 tuổi và thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Lúc đầu người bệnh sốt cấp tính trong khoảng 10 ngày, toàn thân nổi ban, nổi hạch, phù chi hoặc có biểu hiện viêm kết mạc. Khoảng 2 tuần sau có biểu hiện tăng tiểu cầu, tróc da và dần dần hạ sốt. Sau khi hồi phục, thể trạng người bệnh suy yếu nhiều, cần được bồi dưỡng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh Kawasaki
- Sốt cao trong 5 ngày.
- Viêm kết mạc hai bên mắt, không mủ.
- Thay đổi ở miệng, hầu: Môi khô đỏ, nứt; lưỡi đỏ màu dâu tây; niêm mạc miệng và hầu đỏ lan tỏa, viêm loét họng.
- Thay đổi đầu chi: Đỏ lòng bàn tay, chân; phù cứng bàn tay, chân; tróc da đầu ngón ở giai đoạn bán cấp (từ tuần thứ 2 trở đi).
- Hồng ban đa dạng ở thân, tróc da quanh hậu môn (đây là triệu chứng điển hình nhất).
- Viêm hạch cổ hai bên không hóa mủ
- Những biểu hiện ít gặp như: sưng đau khớp, tiêu chảy, ói mửa, đau bụng
.


Tử vong đột ngột
Ở Việt Nam, số trẻ em mắc bệnh này ngày càng tăng, năm 2009 có 100 ca, phần lớn bố mẹ không biết nên đến lúc nguy hiểm mới đưa con đi viện. Việc phát hiện, điều trị bệnh sớm là rất cần thiết. Người bệnh có thể tử vong trong vòng 7 ngày nếu không được phát hiện. Biểu hiện nguy hiểm của bệnh là gây phình hoặc giãn động mạch vành do hậu quả viêm mạch và 15-25% số người bệnh bị triệu chứng này. Tỷ lệ này giảm xuống thấp hơn nếu người bệnh được phát hiện, điều trị sớm trong vòng 10 ngày khi bệnh khởi phát.
Tuy tỷ lệ tử vong không cao (chiếm khoảng 1%), nhưng bệnh lại gây những biến chứng nguy hiểm sau điều trị như: viêm màng não vô khuẩn, nhiễm trùng tiết niệu, viêm khớp, đau khớp và giãn túi mật. Ngoài ra, các tai biến hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim cũng được thấy ở một số người.

Di truyền, chưa rõ nguyên nhân
Theo các nghiên cứu được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, Kawasaki là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến âm thầm không rõ nguyên nhân chính xác và khó phòng ngừa. Các nghiêm cứu mới nhất cũng cho thấy tỷ lệ tái phát của bệnh là 7/1.000 ca. Trẻ đã mắc bệnh Kawasaki phải tái khám suốt đời. Y học vẫn chưa có thuốc đặc trị nên hiện chỉ can thiệp điều trị theo triệu chứng.
Các nhà khoa học Trường Đại học Tây Ôxtrâylia do GS.David Burgnenr đứng đầu, sau khi nghiên cứu gần 900 ca bệnh Kawasaki trên toàn thế giới đã nhận diện được các gien có thể khiến một số trẻ dễ bị mắc căn bệnh này hơn. Anh chị em của những trẻ đã mắc bệnh Kawasaki có nguy cơ bị mắc căn bệnh này gấp khoảng 10 lần so với cộng đồng nói chung.
Để điều trị bệnh, bác sĩ dùng thuốc Aspirin chống sưng, chống viêm hoặc truyền gamma globulin (để ngăn chặn bệnh gây biến chứng lên tim mạch) chỉ một liều duy nhất, truyền liên tục 10-12 giờ. Đây là loại thuốc có giá thành tương đối cao, thông thường bình quân cứ một kg trọng lượng cơ thể thì chi phí chi riêng cho gamma globulin là một triệu đồng (trẻ 10 kg thì chi phí 10 triệu đồng).
GS Burgner khẳng định, phát hiện gien di truyền của bệnh là bước quan trọng đầu tiên trong việc hiểu rõ về căn bệnh này; nhờ đó trong tương lai có thể hướng đến bào chế một loại vắc-xin phòng ngừa bệnh Kawasaki để giảm nguy cơ dẫn đến đau tim và các biến chứng tương tự.
          

Tuyết Mai

Đọc thêm