Kẻ ác bất ngờ “tâm thần” sau khi tạt axit cả nhà hàng xóm?

Hai chữ "tâm thần" giúp kẻ thủ ác có thể thoát tội, còn những nạn nhân thì nghi hoặc phải chăng thủ phạm đã “lách luật”, khiến những tội ác tày trời bị “lọt lưới”. Vụ án “tắm” axit cả nhà hàng xóm tại quận Gò Vấp (TP HCM) đầu năm 2012 vừa qua là một vụ việc như vậy.

Hai chữ "tâm thần" giúp kẻ thủ ác có thể thoát tội, còn những nạn nhân thì nghi hoặc phải chăng thủ phạm đã “lách luật”, khiến những tội ác tày trời bị “lọt lưới”. Vụ án “tắm” axit cả nhà hàng xóm tại quận Gò Vấp (TP HCM) đầu năm 2012 vừa qua là một vụ việc như vậy.

Gã hàng xóm độc ác

Hơn nửa năm trôi qua, nhưng tội ác vẫn còn in đậm trên thân thể, gương mặt chằng chịt sẹo, đôi mắt mờ đục của những nạn nhân; và còn đi theo họ suốt cuộc đời này. Gương mặt đã nhăm nhúm càng biến dạng hơn khi chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1976) đau đớn nhớ lại câu chuyện.

Sau khi chị và chồng lấy nhau cách đây hơn 10 năm, gia đình nội ngoại đã hỗ trợ vợ chồng chị tiền mua mảnh đất nhỏ trong con hẻm trên đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp làm “tổ ấm”. 

Hai nạn nhân trong vụ tạt axit kinh hoàng

Khi anh chị chuyển đến, gia đình người hàng xóm Lâm Tiến Dũng (SN 1964, quê Hà Nội) đã ở đây từ trước. Trong con mắt của bà con lối xóm, gia đình Dũng là một gia đình thành đạt, có cuộc sống khá kín đáo, ít giao tiếp với mọi người. Những người con của gia đình này đã phương trưởng, lập gia đình chuyển đi nơi khác, chỉ còn vợ chồng Dũng ở với bố mẹ già trong căn nhà trên.

Những ngày cuối năm 2011, bố của Dũng, một cán bộ hưu trí hơn 80 tuổi có biểu hiện bị lẫn nên ông thường xuyên kiếm cớ gây chuyện với hàng xóm. Đặc biệt, ông cho là gia đình chị Xuân lấn đất của gia đình ông nên ông lão thường xuyên qua chửi bới, mặc bà vợ sau mỗi lần như vậy lại sang nhà xin lỗi: “Mong các cháu bỏ qua. Ông ấy già rồi”. Thông cảm với hàng xóm, thời gian đầu anh chị cũng khó chịu nhưng dần quen.

Tối 17/1, ông lão lại lọ mọ sang chửi bới gia đình hàng xóm. Bực bội vì bị chửi vô cớ, chồng chị có cự lại: “Sao bác cứ chửi vợ chồng con hoài”. Lúc đó Dũng ở bên nhà mình, xông ra định lao vào đánh hàng xóm nhưng được mọi người căn ngăn nên sự việc dừng lại ở đó. Điều mà anh chị không ngờ là con trai của gia đình “gây sự” lại ôm bực bội trong lòng, quyết “dằn mặt”.

Hôm sau, trong khi chồng chị Xuân đang bán hàng tạp hóa ở ngoài cửa, một người đàn ông trong trang phục lạ lùng: Mặc áo mưa che kín thân thể dù lúc ấy trời nắng chang chang, đeo kính, bịt khẩu trang dừng lại trước cửa nhà. Kẻ bịt mặt này không nói một lời, bất ngờ hất ca axit vào mặt anh chồng. Vừa nghe chồng hét lên “axit”, chị Xuân đang ngồi ở máy may vừa nhổm dậy thì lãnh nguyên ca axit nữa vào người. Con trai 5 tuổi của anh chị đang ngồi chơi trên võng trong nhà là nạn nhân tiếp theo của đối tượng, cũng chịu cả ca axit dội từ đầu xuống.

Trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, chị Xuân bế con chạy ra bằng cửa sau, nhưng đối tượng đuổi theo hắt tiếp axit vào lưng chị. Người chồng lúc đó gần như đã bị mù, chạy vào trong nhà tắm lẩn trốn thì đối tượng cũng vác dao đuổi theo truy sát đến cùng. Thấy cha mẹ và em bị nạn, đứa con gái 12 của anh chị hoảng sợ chạy trốn, ngã vào vũng axit trên sàn nhà, bị bỏng vùng mông và vùng đùi. Sau thảm án, cả gia đình nhà chị “hội ngộ” trong bệnh viện suốt 3 tháng mới được xuất viện để điều trị ngoại trú.

Sống khổ hơn chết

Hơn nửa năm sau ngày xảy ra vụ việc, ngôi nhà trước đây là “tổ ấm” giờ hoang tàn lạnh lẽo. Bé trai 5 tuổi với vết thương chằng chịt khắp người vẫn còn phải băng ở phần đầu, một bên mắt mờ đục, thơ thẩn ngồi một mình trên giường. Khi thấy có khách tới, bé lễ phép khoanh tay chào. Nụ cười thơ ngây trên gương mặt biến dạng của em khiến người ta xót xa.

Chị Xuân chia sẻ, trước kia chồng chị là nhân viên đi thu tiền điện thoại khỏe mạnh, giờ trở thành kẻ tàn phế với thương tật vĩnh viễn 96%, hai mắt bị mù, sinh hoạt hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ của người khác. Sau biến cố đau lòng, tiền bạc của gia đình cũng hết, nhà lại có đến 3 người bị thương tật trên 60% nên chị Xuân đành lòng chuyển chồng về quê ở Long An nhờ người thân chăm sóc.

Ba mẹ con chị trụ lại Sài Gòn với những khó khăn chồng chất. Chị Xuân với thương tật vĩnh viễn 65%, trên người chằng chịt những vết sẹo lồi, một bên mắt gần như bị hỏng, hiện cổ và tay co rút không thể cử động, vẫn phải đến viện điều trị hàng tuần. Bé trai với thương tật vĩnh viễn 60%, sau 6 tháng điều trị, vết thương trên đầu vẫn tiết dịch, hai ngày lại phải nhập viện một lần.

Bà mẹ trẻ đau xót: “Mình người lớn, mới bỏng nước nóng có chút xíu đã đau, con mới 5 tuổi bị người ta dội axit khắp người. Giờ đêm nào ngủ cháu cũng khóc vì những vết thương trên người vẫn nhức buốt”.

Nạn nhân tâm sự: “Lúc nằm viện, đau đớn những vết bỏng khắp cơ thể, tuyệt vọng khi trở thành kẻ tàn phế, dung mạo gớm ghiếc, có lúc tôi chỉ muốn chết. Nhưng nghĩ đến con cũng đang đau đớn, tôi lại phải ráng sống. Đời tôi và chồng tôi giờ tàn phế coi như bỏ. Chỉ tội nghiệp con mới có 5 tuổi đầu, rồi cháu lớn lên làm sao?. Đi học thế nào với dung mạo như vậy?”. Nỗi đau đớn, sự tuyệt vọng của bà mẹ trẻ như hằn lên trong con mắt còn lại.

Những nạn nhân này càng đau đớn, bức xúc hơn khi gia đình chị nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra quận Gò Vấp về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với thủ phạm Dũng vì xét thấy “Dũng bị tâm thần phân liệt, thể hoang tưởng, giai đoạn tiến triển liên tục. Đương sự mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi”. Sau quyết định này, kẻ thủ ác được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai).

Nạn nhân bức xúc: “Gia đình chúng tôi sống cạnh nhà Dũng cả 10 năm nay nên biết rõ mọi chuyện và cho rằng đối tượng đã dựng kịch bản giả điên. Hắn lấy vợ có con, hàng ngày đi làm không hề có biểu hiện bất thường nào. Sau buổi tối hôm hai gia đình có cự cãi, hôm sau hắn mua axit trả thù. Cả quá trình từ mâu thuẫn, lên kế hoạch mua axit, gây án và bỏ trốn hoàn toàn là có sự chuẩn bị từ trước, khó có thể nói do hắn “hoang tưởng” nên làm vậy. Dũng còn hoàn toàn ý thức được axit nguy hiểm nên hắn mặc áo mưa, đeo kính, khẩu trang để “bảo hộ” từ đầu tới chân.

Đến khi bị bắt Dũng khai ở cơ quan công an trình tự hành động phạm tội của hắn, vẫn hoàn toàn chính xác, không hề có biểu hiện gì tâm thần. Giờ sau khi gia đình tôi có giám định thương tật thì bỗng nhiên hắn lại có kết quả giám định bị tâm thần thì thật là hết sức vô lý”.

Sau sự tức giận là nỗi ấm ức tràn ngập, người đàn bà bất hạnh nức nở: “Hắn hại cả gia đình tôi khiến đau đớn, tàn phế suốt đời; sống mà khổ không bằng chết, giờ chỉ nói một câu là không điều khiển được hành vi là hết hay sao?”.

Theo luật định, người phạm tội gây án mà bị tâm thần thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (chỉ có thể bị áp dụng các biện pháp chữa bệnh…). Có lẽ vì thông hiểu các quy định này nên gần đây trong rất nhiều vụ án, kẻ gây án đã dùng khổ nhục kế nói trên để tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Khi người phạm tội có dấu hiệu về tâm thần, cơ quan tố tụng phải tiến hành trưng cầu giám định nhưng do đây là một loại “bệnh” rất đặc thù nên việc xác định người đó tâm thần thật hay không là không dễ dàng.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM), nguyên giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần chia sẻ, khi giám định các đối tượng phạm tội, nhất là những tội nặng, ông thường gặp dạng giả tâm thần.

Trong nhiều trường hợp, người được giám định sẽ dựng lên các màn kịch điên rất thật, thậm chí sẵn sàng “thỏa thuận” với giám định viên nếu vở kịch bất thành. Để “bắt bài” họ, tay nghề vững vàng và lương tâm nghề nghiệp là hai điều rất cần thiết ở giám định viên.

Thủy Trúc

Đọc thêm