Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Phan Văn Châu (SN 1993), Trần Khánh Hội (SN 1991), Nguyễn Chí Quốc (SN 1994), Lại Thành Đạt (SN 1994) – tất cả cùng ngụ xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh TP.HCM. Chỉ vì một lời trên chọc nhau, các bị cáo đã tham gia ẩu đả, đâm chém nhau dẫn đến chết người.
Các bị cáo rời phòng xử. |
"Nói chuyện" bằng mã tấu
Đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đêm 13/2/2011, trên đường về sau buổi đám giỗ của một gia đình cùng xã, bị cáo Hội và bị cáo Đạt dừng lại đi vệ sinh và gặp bị cáo Châu. Bị cáo Châu liền nói lời trêu chọc: “Anh Đèo đi đâu vậy anh Đèo?” (Đèo là tên cha của Đạt), nghe vậy Đạt cự lại.
Lúc này, anh Phan Minh Tâm (anh trai Châu) đứng gần đó liền thách thức nhóm Đạt đánh nhau. Đạt không nói gì và lên xe Hội chở cùng với Dũng đi đến quán Anh Tư, sau đó Dũng đi bộ về nhà. Ngay lúc này, Cao Hoàng Hùng, Nguyễn Chí Quốc đi mô tô đến, Đạt kể lại chuyện xong, Hùng lấy xe mô tô chạy đi khoảng 5 phút sau quay lại mang theo hai cây mã tấu tự chế rồi rủ cả nhóm đi đánh anh em của Tâm, Châu.
Trước khi đi, Hùng đưa một cây mã tấu cho Đạt và một cây cho Quốc rồi cùng nhau đi xe gắn máy đến nhà Tâm, Châu.
Đến nơi, cả nhóm nhìn thấy Tâm đang ngồi nói chuyện với bạn gái bên lề đường, Hùng và Hội liền dừng xe lại, Đạt cầm mã tấu đi đến chỗ Tâm. Thấy Đạt cầm mã tấu nên Tâm bỏ chạy vào trong hẻm, cả nhóm Đạt đứng ở đầu hẻm, Tâm liền lấy gạch ném trả nhóm của Đạt. Đạt, Quốc cầm mã tấu đuổi chém anh Tâm tới tấp. Tâm nhanh chân chạy vào nhà lấy cây tầm vông ra chống trả thì bị vấp ngã xuống đất, Hội liền xông vào giật cây tầm vông định đánh Tâm nhưng bị Châu từ phía sau chạy đến dùng mã tấu chém một nhát trúng vào lưng của Hội.
Còn Đạt dùng mã tấu chém liên tiếp 3 – 4 nhát vào lưng và vai của Tâm, Quốc cũng tham gia chém Tâm nên Tâm bị ngất xỉu. Thấy em của mình bị ngất, Châu liền chạy vào nhà lấy cây kiếm Nhật ra chém trả trúng vào khuỷu tay của Quốc. Nhưng bị Quốc dùng mã tấu chém rơi cây kiếm Nhật của Châu. Thấy vậy, Cao Hoàng Hùng nhặt cây kiếm Nhật bẻ cong vứt xuống đất rồi lấy cây mã tấu mà Đạt đang cầm trên tay kêu Đạt, Quốc và Hội ra về.
Ân hận thì đã kẻ chết, người tù
Lúc này, nghe bên ngoài có tiếng đánh nhau, ông Phan Văn Té (cha của anh Tâm) từ trong nhà chạy ra ôm Hùng từ phía sau với ý định giật lấy cây mã tấu Hùng đang cầm trong tay. Đúng lúc đó, Châu cầm con dao chạy đến đâm một nhát trúng vào ngực Hùng. Châu tiếp tục đâm vào đỉnh đầu Hội (nhưng bị sượt), trán của Đạt, vai và lưng anh Nguyễn Thành Phong (bạn của Đạt, nhà ở gần ra xem có chuyện gì).
Bị đâm thủng phổi và gan, Hùng tử vong dù được đưa đi cấp cứu kịp thời. Riêng Đạt bị thương tật 7% vĩnh viễn, Quốc 3% vĩnh viễn, Hội 2% vĩnh viễn, anh Phong 3% vĩnh viễn và anh Tâm 6% vĩnh viễn.
Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 1/2012, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Châu mức án 13 năm 6 tháng tù về hai tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”; Đạt 1 năm 6 tháng tù, Quốc 1 năm 6 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”; Hội 1 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Châu làm đơn kháng cáo xin được giảm hình phạt còn các bị cáo Đạt, Quốc, Hội xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, theo nhận định của hội đồng xét xử: Chỉ vì lời trêu đùa mà các bị cáo xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến dùng hung khí tấn công lẫn nhau. Trong vụ án này, anh Cao Hoàng Hùng tuy là người bị hại nhưng cũng chính là người chuẩn bị hung khí và rủ người khác đi đánh trả thù. Các bị cáo tuy tuổi còn trẻ, nhưng thực hiện hành vi phạm tội rất táo bạo, dẫn đến án mạng và gây mất trật tự công cộng, xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người khác.
Xét thấy các bị cáo Châu, Đạt, Quốc không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo này. Riêng bị cáo Hội, Hội đồng xét xử cho rằng, mức án 1 năm tù giam mà cấp sơ thẩm tuyên có phần hơi nặng nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, chuyển hình phạt thành 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Phiên xử khép lại, các bị cáo “tuổi teen” cúi đầu rời phòng xử trong sự đau xót tột cùng của người thân. Tiếng khóc lóc khi thấy con cháu của mình trong vòng lao lý càng làm cho các bị cáo nặng trĩu bước chân, không thể nói nên lời…
Đăng Đạt