Tài sản của người phải thi hành án (THA) không ít vụ án lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn đến vụ kiện dân sự giá trị nhỏ chỉ còn lại "con số không" vì không áp dụng biện pháp kê biên kịp thời...
Nhanh chân... thoát nợ
Bằng hình thức vay nóng với lãi suất cao, bị cáo Nguyễn Kim P. ở Hà Nội đã vay của hàng chục người với lượng tiền lớn. Vì tin tưởng P. có người nhà “làm to” trong một cơ quan nhà nước, nên nhiều người đã giao tiền cho T chẳng mảy may nghi ngờ.
Sau khi gom được một số tiền khá lớn, P. bỏ trốn, sau đó bị bắt và xử phạt 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về phần dân sự, P có nghĩa vụ phải trả lại số tiền vay cho các bị hại. Tuy nhiên, khi xác minh điều kiện THA, tài sản của P. một phần đã được chuyển hóa đứng tên những người thân, một phần P. đã chi dùng cá nhân và chỉ còn lại duy nhất …một căn nhà, nhưng căn nhà này cũng đã kịp thời bị bán trước khi P. bị bắt.
Dù chỉ là một vụ kiện tranh chấp nhỏ nhưng có lẽ chiêu thức tẩu tán tài sản của vợ chồng bà Đ ở TP. Huế cũng làm nhiều người phải ngỡ ngàng. Số là năm 1997, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế buộc bà Đ. phải trả cho chủ nợ gần 400 triệu đồng. Chưa trả đồng nào vợ chồng bà Đ. đã dắt nhau ra tòa xin phân chia tài sản chung. Bà Đ. đồng ý nhường phần lớn tài sản chung cho chồng. Thỏa thuận này sau đó được TAND TP Huế công nhận.
Đầu năm 2008, TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm, hủy quyết định công nhận trên của TAND TP Huế. TAND Tối cao cho rằng cấp sơ thẩm công nhận sự thỏa thuận phân chia tài sản khi hôn nhân của vợ chồng bà Đ. đang tồn tại, không có tranh chấp chia tài sản là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, trái Luật Hôn nhân và Gia đình. Dù quyết định bị hủy, song đến nay chủ nợ của bà Đ. vẫn không đòi được đồng tiền nào vì tài sản của bà Đ. đã được tẩu tán toàn bộ.
Trên thực tế, có rất nhiều những vụ kiện mà bị đơn hoặc bị can, bị cáo trong vụ án hình sự biết chắc mình sẽ thua kiện, hoặc phải bồi thường cho bị hại nên đã nhanh chân tẩu tán tài sản bằng cách cho, tặng, chuyển nhượng, đứng tên người thân…Khi cơ quan THA thi hành bản án, quyết định của Tòa thì tài sản đã được tẩu tán sạch sẽ, người phải THA trở thành không có điều kiện thi hành.
Pháp luật tố tụng hình sự, thi hành án dân sự… đều có những quy định về áp dụng biện pháp kê biên tài sản, tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng biện pháp này nhiều khi không kịp thời, đầy đủ, thậm chí không được áp dụng là nguyên nhân dẫn đến đương sự tẩu tán tài sản mà không bị ngăn chặn như các trường hợp đã nêu trên.
Chưa có chế tài, khó thực hiện
Về biện pháp kê biên tài sản theo Điều 146 BLTTHS chỉ quy định kê biên tài sản của bị can, bị cáo về tội Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản, phạt tiền, bồi thường thiệt hại. Đối với các bị can, bị cáo phải thi hành khoản thu lời bất chính, án phí trong những vụ án có giá ngạch, nhưng luật không quy định cho kê biên tài sản của bị can, bị cáo nên tài sản bị tẩu tán, chuyển nhượng hết nên không thể thi hành được.
Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp thừa nhận thực tế do pháp luật hiện hành chưa có quy định xử lý trường hợp không áp dụng biện pháp này nên các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng hoặc không áp dụng; dẫn đến tình trạng khi bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra thi hành thì tài sản đã bị tẩu tán, chuyển quyền sở hữu cho người thân để trốn tránh nghĩa vụ THADS; cơ quan THADS gặp khó khăn trong việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản.
Do đó, cần được sửa đổi theo hướng: mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp kê biên tài sản (kê biên về tội BLHS quy định có thể thu lời bất chính, án phí trong các vụ án có giá ngạch); kê biên tài sản của bị can, bị cáo là thủ tục bắt buộc trong quá trình tố tụng và việc kê biên tài sản của bị can, bị cáo hay không phải được xem như là một căn cứ để các đương sự kháng cáo, cơ quan hoặc người có thẩm quyền kháng nghị hoặc đề nghị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, tái thẩm hoặc giám đốc thẩm
Cũng theo Tổng cục THADS, ở phạm vi rộng hơn, pháp luật hiện hành chưa có quy định thống nhất, đồng bộ về cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn thu nhập, tài sản của người phải thi hành án thông qua việc đăng ký, kê khai tài sản nên đã gây rất nhiều khó khăn cho việc kê biên tài sản trong quá trình điều tra, truy tố cũng như trong việc xác minh, phát hiện và kê biên tài sản trong quá trình thi hành án. Do đó, cần nghiên cứu để xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và quản lý nguồn thu nhập, tài sản nhằm minh bạch hóa quyền sở hữu của người dân.
Bình An