Lúc sinh thời, nhà văn Mark Twain từng nói rằng "sự thật đôi khi còn kỳ lạ hơn cả sự tưởng tượng". Một lần nữa quan điểm này của Mark Twain đã được chứng minh là đúng. Gần 60 năm trước đây, quân đội Mỹ và chính quyền liên bang đã làm việc với một nhóm nhỏ các nhà khoa học trong một dự án nhằm thổi bay một phần Mặt trăng để tỏ rõ sức mạnh của mình.
Nếu Mỹ quyết tâm thực hiện Dự án A119, nhân loại có thể sẽ không còn thấy Mặt trăng còn nguyên vẹn như hiện nay |
Kế hoạch răn đe
Trong cuộc Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã dẫn trước trong cuộc đua vào vũ trụ, với việc phóng tàu Sputnik 1 trong ngày 4/10/1957. Sputnik là vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay của nhân loại vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Thành công của nó, kết hợp với việc Mỹ thất bại trong Dự án Vanguard nhằm phóng vệ tinh đáp trả đã mở đầu cho cái gọi là cuộc khủng hoảng Sputnik. Người dân Mỹ rơi vào hoang mang khi nước Mỹ yếu kém hơn so với đối thủ.
Để giảm thiểu thiệt hại, Mỹ đã triển khai một loạt dự án nghiên cứu khác nhau, dẫn tới cuộc phóng thành công của vệ tinh Explorer 1. Nhưng thành công muộn màng này vẫn chưa đủ. Người Mỹ còn muốn làm điều gì đó...
Năm 1949, Quỹ nghiên cứu thiết giáp (ARF) có trụ sở ở Viện công nghệ Illinois, đã bắt đầu nghiên cứu tác động của các vụ nổ phóng xạ lên môi trường. Tới tháng 5/1958, ARF đã hợp tác với Không lực Mỹ để triển khai Dự án A119, một chương trình nghiên cứu tuyệt mật về tác động của một vụ nổ nguyên tử trên Mặt trăng. Mục tiêu chính của chương trình, là có thể tạo ra vụ nổ đủ lớn, với quầng sáng và một miệng hố khổng lồ mà bất kỳ ai ở Trái đất cũng có thể nhìn thấy được trong nhiều ngày, kể cả quân đội Liên Xô. Không lực và các nhà khoa học ở ARF hy vọng vụ nổ sẽ khích lệ tinh thần của nhân dân Mỹ.
Vào thời điểm dự án bắt đầu phôi thai, báo chí đã loan tin đồn rằng Liên Xô có kế hoạch kích nổ vũ khí nguyên tử trên Mặt trăng. Theo các bài báo đó, vào cuối năm 1957, một nguồn tin ẩn danh đã tiết lộ với lực lượng Mật vụ Mỹ tin người Liên Xô định ăn mừng Cách mạng tháng Mười bằng cách cho nổ bom khinh khí trên Mặt trăng trong ngày 7/11, cũng là thời điểm diễn ra nguyệt thực. Khu vực bị nổ bom sẽ là phần tối nằm ngay cạnh vùng xám của Mặt trăng, cũng là địa điểm mà dự án A119 nhắm tới.
"Giật le" bằng vũ khí hạt nhân
Để đi trước cuộc chơi, một nhóm nghiên cứu Mỹ với 10 nhà khoa học nằm dưới sự lãnh đạo của Leonard Reiffel đã được lập ra tại Viện Công nghệ Illinois. Nhiệm vụ của họ là nghiên cứu khả năng nhìn thấy vụ nổ nguyên tử từ Trái đất, các lợi ích mà vụ nổ mang tới cho khoa học, tác động nó gây ra lên bề mặt Mặt trăng. Trong các thành viên của nhóm nghiên cứu có nhà thiên văn học Gerard Kuiper và cậu sinh viên đang được ông hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ là Carl Sagan. Sagan là nhân vật chịu trách nhiệm tính toán dự đoán kích thước đám mây bụi sẽ bắn ra không gian xung quanh Mặt trăng và các thông số khác để xác định xem người ở dưới Trái đất có thể nhìn rõ màn bắn phá tới đâu.
Các nhà khoa học ban đầu đã cân nhắc việc sử dụng bom khinh khí cho dự án. Tuy nhiên Không lực Mỹ đã lập tức phủ quyết ý tưởng này, do trọng lượng của quả bom quá nặng và các tên lửa đẩy có trong kho khi đó sẽ không đủ sức để mang nó tới Mặt trăng.
Các nhà khoa học bèn chuyển sang sử dụng đầu đạn W25 có cỡ nhỏ và sức công phá chỉ khoảng 1,7 kiloton (KT). Để tiện so sánh, quả bom Little Boy ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong năm 1945 có sức công phá khoảng 13-18 KT.
Đầu đạn W25 có thể được đưa bằng tên lửa tới phần tối của Mặt trăng, gần với vùng xám nằm giữa hai vùng sáng tối, nơi nó sẽ phát nổ khi va chạm. Đám mây bụi khổng lồ do vụ nổ tạo ra sẽ được Mặt trời chiếu sáng và vì thế có thể được nhìn thấy từ Trái đất.
Theo Reiffel, tiến trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Không lực khi đó khiến cho Mỹ hoàn toàn có thể thực hiện kế hoạch "giật le" mạo hiểm này trong năm 1959.
May mà chưa bắn
Rất may, dự án cuối cùng đã bị Không lực hủy bỏ vào tháng 1/1959, chủ yếu do lo ngại tác động tiêu cực tới từ việc bắn nổ Mặt trăng. Ngoài ra, người ta cũng lo sợ rủi ro xuất hiện, nếu có bất kỳ sự cố nào diễn ra trong vụ phóng. Ví dụ như tình huống tên lửa đẩy mang đầu đạn sẽ không thể bay ra khỏi quỹ đạo Trái đất và khi rơi trở lại sẽ gây nên thảm họa nguyên tử dưới mặt đất. Các yếu tố rủi ro khác được Reiffel đề cập tới là khả năng nhiều dự án nghiên cứu, thăm dò và đô hộ Mặt trăng trong tương lai sẽ không thể diễn ra do nơi này bị nhiễm xạ nặng nề; khả năng phóng xạ từ Mặt trăng rơi xuống Trái đất gây hậu quả; những biến đổi khó lường trước ở Mặt trăng sau vụ nổ...
Các thông tin được tiết lộ dần về sau này cũng cho thấy quả thực Liên Xô từng có một dự án liên quan tới Mặt trăng giống Mỹ, nhưng khác hơn một chút. Xuất hiện từ tháng 1/1958, các nhà khoa học Nga đã đưa ra một loạt đề xuất có tên mã E. Dự án E-1 vạch ra kế hoạch phóng tên lửa tới Mặt trăng, trong khi các dự án E-2 và E-3 sẽ gửi tàu thăm dò bay quanh vùng tối của Mặt trăng để chụp ảnh. Cuối cùng là dự án E-4 với nội dung phô trương sức mạnh, trong đó Liên Xô sẽ bắn một vũ khí hạt nhân tới vùng tối của Mặt trăng. Nhưng cũng giống như kế hoạch của người Mỹ, các dự án E đã bị hủy bỏ vì độ an toàn của chúng không cao.
Nhờ sự thận trọng này của cả Liên Xô và Mỹ mà Mặt trăng vẫn còn nguyên vẹn tới ngày nay và nhân loại mới có thể thực hiện được các kỳ tích như đưa người lên chinh phục nơi này trong năm 1969.
Tường Linh (Theo Live Science)