[links()]Cơ quan soạn thảo không đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của việc hòa giải, một lỗi cần sửa ngay khi xây dựng luật.
Báo PLVN có bài "Sửa luật để hòa giải không thành... “vật cản“ xử lý tranh chấp" phản ánh những bất cập trong quy định của Luật Đất đai năm 2003 về hòa giải tranh chấp đất đai. Những quy định không hợp lý của luật khiến việc hòa giải tranh chấp không những không phát huy hiệu quả mà trở thành “gánh nặng” thủ tục cho người dân khi có tranh chấp.
Khó khăn trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng. Ảnh: MH |
Đánh giá về những bất hợp lý, hầu hết các luật sư - những người hàng ngày làm việc với các tranh chấp đất đai - đã kết luận, đó là do tư duy làm luật thiếu thực tiễn, còn mang tính hình thức. Trước khi Luật Đất đai 2003 ra đời, chưa có một số liệu đáng tin cậy nào về việc tranh chấp đất đai được giải quyết tốt bằng cách là “hòa giải”; trái lại, tranh chấp đất đai luôn là tranh chấp “nóng” nhất, phức tạp và khó giải quyết nhất. Việc luật quy định hòa giải tranh chấp như một thủ tục bắt buộc phải làm khiến cho việc hòa giải không có hiệu quả. Điều này được nhiều người ví như việc bắt người bệnh dùng thuốc cảm cúm để chữa bệnh… ung thư.
Nhưng, căn nguyên của căn bệnh hình thức này vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Luật Đất đai mới. Điều 180 của dự luật vẫn là bản “copy” của Điều 135 Luật Đất đai 2003, còn Điều 181 dự thảo luật là sao nguyên bản của Điều 136. Theo quy định tại Điều 180 của dự thảo luật, nhà nước vẫn “khuyến khích giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải” chứ không bắt buộc giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải. Quy định như vậy nghĩa là việc hòa giải luôn là việc nên làm chứ không phải là việc bắt buộc phải làm.
Tuy nhiên, Điều 181 dự thảo luật lại quy định, “tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành” thì chuyển hồ sơ sang tòa án hoặc UBND cấp huyện theo thẩm quyền. Với quy định này thì rõ ràng nếu tranh chấp đất đai mà thiếu “biên bản hòa giải không thành” thì sẽ không đi đâu ra ngoài UBND xã được. Do vậy, việc hòa giải trở thành bắt buộc. Mâu thuẫn khó chấp nhận giữa Điều 180 và 181 của dự thảo luật sẽ tiếp tục trở thành sợi dây trói trặt người dân vào những việc làm không có hiệu quả lại tốn tiền, tốn thời gian là “hòa giải tại UBND xã”.
Hiện nay, rất nhiều tranh chấp liên quan đến đất đai người dân đang bị “kẹt” trong thủ tục hòa giải bởi chính các quy định không hợp lý trên. Vụ việc khởi kiện đòi nhà cho ở nhờ giữa vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thái và Lê Thị Nguyên với vợ chồng ông Nguyễn Lạc Hùng và Nguyễn Thị Hưởng tại Tiền Châu, TX Phúc Yên, Vĩnh Phúc là một minh chứng khá rõ cho điều này.
Để đòi lại nhà cho ở nhờ, vợ chồng ông Thái, bà Nguyễn đã khởi kiện nhưng bị TAND TX Phúc Yên trả lại đơn vì thiếu “biên bản hòa giải không thành”. Cực chẳng đã, ông Thái, bà Nguyễn làm đơn đề nghị UBND xã Tiền Châu hòa giải thì mãi nhận được văn bản thông báo của UBND xã là “không thể giải quyết đơn” vì vợ chồng ông Thái không cung cấp “hợp đồng cho ở nhờ” trong khi giao dịch của họ chỉ là thỏa thuận miệng.
Muốn có được một biên bản “hòa giải không thành” cho đủ thủ tục khởi kiện, người dân phải qua “ải hành chính” mà người giải quyết đơn còn nhận thức rất hạn chế như vậy cũng đã nói lên tất cả những phiền toái mà người dân nhận được do Điều 135, 136 Luật Đất đai (180, 181 của dư thảo luật sửa đổi) mang lại.
Luật sư Nguyễn Minh Anh trao đổi dưới góc độ xây dựng pháp luật để làm rõ hơn tính hợp lý của những đề nghị sửa đổi ngay lập tức đối với các điều luật không hợp lý trên: Thưa Luật sư, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định trong luật đất đai hiện nay và dự thảo sửa đổi luật về hòa giải tranh chấp đất đai rất bất hợp lý, đứng dưới phương diện xây dựng pháp luật, ông đánh giá thế nào về vấn đề này? - Dưới góc độ xây dựng luật thì một đạo luật hay đơn giản chỉ là một điều luật được ban hành cũng cần phải đảm bảo được hai tiêu chí, đó là tính hợp pháp (phù hợp với hợp hiến và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật) và tính khả thi, tức là đảm bảo việc thi hành được, có hiệu quả và mang lại lợi ích cho đa số hoặc tuyệt đối về lợi ich đối với đối tượng áp dụng. Nếu đem so sánh các tiêu chí lập pháp cơ bản trên và các điều luật đang được phân tích thì hiện nay đang tồn tại nhưng xung đột lớn. Về tính khả thi, rõ ràng quy định về hòa giải tranh chấp đất đai là việc làm bắt buộc là không khả thi khiến cho việc làm này chỉ mang tính hình thức và trở thành gánh nặng cho người dân. Khi xây dựng pháp luật, các điều luật được ban hành sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các quan hệ xã hội được điều chỉnh nên nhà làm luật luôn phải có đánh giá tác động pháp luật. Tôi cho rằng, gánh nặng “thủ tục hòa giải” mà người dân đang phải gánh khi giải quyết tranh chấp đất đai có thể nằm ngoài sự đánh giá của nhà làm luật. Về tính hợp pháp của điều luật này, theo ông thì quy định về hòa giải tranh chấp đất đai có vi phạm nguyên tắc nào của pháp luật không? - Tranh chấp đất đai là tranh chấp dân sự nên nguyên tắc cơ bản phải tuân theo là tự nguyện. Việc hòa giải cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện. Tức là nếu một trong hai bên không muốn hòa giải thì không được ép buộc. Bởi lẽ, nếu có ép buộc thì kết cục cũng chỉ là hòa giải không thành. Nhưng, trong luật đất đai đã quy định việc hòa giải tranh chấp là thủ tục có tính bắt buộc để giải quyết tranh chấp dân sự. Điều này đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự về hòa giải. Hậu quả của việc hòa giải không tự nguyện đó thì ai cũng thấy, nó tạo nên thính thiếu khả thi của điều luật. Những quy định về hòa giải trong tranh chấp đất đai đã phát huy vai trò như thế nào tư khi nó ra đời, trừ những rắc rối mà nó mang lại cho người dân, thưa ông? - Tôi nghĩ rằng quy định này hướng đến việc nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai. Song việc thực hiện luật lại không đạt như mong muốn mà lại đưa đến nhưng điều phiền toái cho chính người dân. Muốn nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở, cần phải quy định cụ thể hơn và quy định nghĩa vụ đối với cơ quan nhà nước và quyền đối với người dân. Cụ thể, cần quy định hòa giải như là một lựa chọn để người dân lựa chọn. Khi người dân lựa chọn hòa giải tại UBND cấp xã thì cơ quan này phải thực hiện việc hòa giải, thậm chí là hòa giải nhiều lần chứ không phải là chỉ một lần cho đủ thủ tục như hiện nay. Đặc biệt, cần phải quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin cho đương sự để đương sự giải quyết tranh chấp. Như vậy, vai trò của chính quyền mới thực sự được đề cao. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! |
Bình Minh