Kéo gần khoảng cách giữa nghiên cứu và sản xuất

Sở Khoa học-Công nghệ vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng nấm vân chi phù hợp với điều kiện sinh thái Hải Phòng”, do Liên hiệp khoa học sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao thực hiện.

Sở Khoa học-Công nghệ vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng nấm vân chi phù hợp với điều kiện sinh thái Hải Phòng”, do Liên hiệp khoa học sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao thực hiện.

Đề tài nghiên cứu các điều kiện sinh thái của Hải Phòng, xây dựng quy trình ươm giống, trồng và thu hoạch nấm vân chi - loại nấm dược liệu có tác dụng chữa bệnh.

Các nguyên liệu, thậm chí cả chất thải có sẵn ở các địa phương như rơm rạ, mùn cưa, bã mía được tận dụng để làm giá thể, trồng nấm vân chi. Sau khi thu hoạch sản phẩm, các giá thể có thể sử dụng làm phân bón cho cây, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Mặc dù đề tài được đánh giá cao nhưng đáng tiếc là nhóm tác giả không tiếp tục trồng hoặc mở rộng diện tích trồng nấm vân chi với lý do không có kinh phí.

Sản phẩm nấm vân chi do nhóm nghiên cứu trồng và thu hoạch.

Theo kết quả nghiên cứu, nấm vân chi được sử dụng làm một số loại dược phẩm, sử dụng rộng rãi trong y học hiện đại, kết hợp với các liệu pháp khác để điều trị các bệnh hiểm nghèo. Nấm vân chi có tác dụng chống và kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư dạ dày, ung thư vòm họng, ung thư vú, kéo dài thời gian sống của người bệnh. Chúng còn có tác dụng chống lại các loại vi-rút, trong đó có vi-rút HIV bằng cách kết nối các tế bào ly-mô hoặc kích thích tế bào lympho hoặc kích thích interferon kháng siêu vi. Với những người khỏe mạnh, uống nước nấm vân chi hằng ngày có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Tại các nước Nhật Bản và Trung Quốc, nấm vân chi được bán với mức giá khoảng 200 nghìn đồng 1 lạng. Nhưng loại nấm vân chi do nhóm nghiên cứu ở Hải Phòng trồng, giá thành chỉ khoảng 70 nghìn đồng 1 lạng và nếu được bán trên thị trường, giá chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng 1 lạng.

Được biết, kỹ thuật trồng nấm vân chi được Liên hiệp khoa học sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao đưa lên Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị thành phố, nhưng đến nay, kỹ thuật này vẫn chưa được chuyển giao. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nếu được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất có thể đem lại hiệu quả cao. Khi nấm vân chi được trồng đại trà ở Hải Phòng, thành phố có thể trở thành địa phương có đặc sản nấm vân chi, giống như nhân sâm là đặc sản của Hàn Quốc (điều này vừa có thể giải quyết được bài toán về quà cho khách du lịch khi đến Hải Phòng), tăng khả năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe, chống lão hóa, tăng tuổi thọ người dân.

Để các nghiên cứu sớm được ứng dụng vào thực tiễn, cần có  sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà khoa học- nhà nông- doanh nghiệp và nhà quản lý. Đồng thời, Sở Khoa học - Công nghệ xem xét, tiếp tục đầu tư để nhóm nghiên cứu có điều kiện hoàn thiện quy trình, kiểm nghiệm và so sánh giá trị dược liệu của nấm vân chi trồng tại Hải Phòng so với loại nấm vân chi trồng tại Nhật Bản, Trung Quốc. Khi quy trình hoàn thiện, giá trị sinh lời lớn sẽ tạo sức hút với các doanh nghiệp. khi đó, việc tổ chức đấu giá công nghệ sản xuất nấm tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị chỉ còn là vấn đề thời gian./. 

Đọc thêm